Con đường liên đảo Quan Lạn – Minh Châu là con đường duy nhất phục vụ dân sinh và du lịch. Theo phản ánh của người dân, cứ từ 6 giờ sáng đến 17 giờ 30, con đường này phải chịu áp lực và hứng bụi từ những đoàn xe tải chở cát.
Theo người dân, khu vực đang khai thác với quy mô lớn nhất của Công ty CP Viglacera Vân Hải, trước đây là những đồi cát và rừng Trâm hàng trăm năm tuổi của thôn Sơn Hào (xã Quan Lạn).
Từ đó, cát được vận chuyển về nhà máy sàng tuyển.
Sau đó sẽ ra cảng ở xã Minh Châu, nơi hàng đoàn xà lan đang đợi "ăn" hàng.
Và hậu quả là, hàng triệu m3 cát đã bị bốc xúc từ nhiều năm nay, để lại khai trường như những hố bom thời chiến...
Cùng hàng chục ha rừng Trâm nguyên sinh bị bật gốc.
Rừng Trâm nguyên sinh (theo người dân địa phương là có ít nhất hơn 300 tuổi) này nằm ngay sát khai trường của Công ty CP Viglacera Vân Hải, và nằm trên đồi cát mà Công ty này sắp khai thác đến. Người dân địa phương cũng cho biết, với mức độ tàn phá như hiện nay, chỉ khoảng nửa năm nữa là rừng Trâm quý giá này sẽ biến mất.
Ông Phạm Hải Quỳnh, Giám đốc Công ty CP Thương mại và Du lịch Vân Hải Xanh (một trong những đơn vị làm du lịch trên đảo Quan Lạn) cho biết: “Không chỉ có tác dụng ngăn đê, chắn sóng, những đồi cát và rừng Trâm trải dài ở Minh Châu, Quan Lạn còn mang lại vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ, làm nao lòng những du khách thích sự tĩnh lặng, trầm mặc mỗi khi đến đây”.
Người dân ở đây cho biết thêm, vài năm trở lại đây, đã có hiện tượng nước biển tràn vào qua những lạch cát đến khu dân cư, mỗi khi triều cường. Hiện tượng này, trước đó chưa bao giờ xảy ra với 2 xã Minh Châu và Quan Lạn.
Trao đổi với PV, ông Đỗ Minh Hoàn, Phó chủ tịch UBND xã Quan Lạn khẳng định, đã nhận được nhiều ý kiến phản ánh của người dân về việc khai thác cát gây nguy hại tới môi trường, tài nguyên nhưng “Việc quản lý hồ sơ cho Công ty CP Viglacera Vân Hải hoạt động khai thác cát thuộc cấp tỉnh, về phía địa phương chúng tôi không nắm được” – ông Hoàn nói.
Dân Việt tiếp tục thông tin về vụ việc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.