Bỏ nghề giáo viên về "chế biến thực phẩm nhà làm", một phụ nữ Quảng Trị tự trả lương cao
Bỏ nghề giáo viên về "chế biến thực phẩm nhà làm", một phụ nữ Quảng Trị tự trả lương cao
Ngọc Vũ
Thứ hai, ngày 13/11/2023 05:34 AM (GMT+7)
Nhờ mạnh dạn chuyển từ nghề giáo viên sang chế biến "thực phẩm nhà làm", trong đó có mì rau, củ, quả, chị Lan, xã Triệu Sơn (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) không những có thu nhập cao mà còn tạo việc làm cho nhiều người.
Một ngày đầu tháng 11, chúng tôi theo chân chị Phan Thị Hoàng Yến – Bí thư Huyện đoàn Triệu Phong đến thăm cơ sở sản xuất của chị Trần Thị Lan, sinh năm 1987, ở thôn Phương An, xã Triệu Sơn (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị).
Mở đầu câu chuyện, chị Yến giới thiệu vui với chúng tôi rằng, nhiều người trêu chị Lan "mắn đẻ". Không phải mắn đẻ con mà "mắn đẻ" các sản phẩm nhà làm. Mỗi năm, chị Lan cho ra thị trường ít nhất một sản phẩm mới, được khách hàng đón nhận, cơ quan nhà nước đánh giá cao.
Chị Lan cho biết, năm 2010, sau khi tốt nghiệp Đại học Huế, ngành Âm nhạc, chị về huyện Triệu Phong xin dạy hợp đồng cấp tiểu học ở trường công lập. Dù đã cố gắng rất nhiều nhưng đồng lương 1,8 triệu đồng/tháng không đủ cho chị đắp đổi chuyện cơm áo, chưa kể phải nuôi con.
"Thời điểm đó, dù đã cố gắng lạc quan để giữ nhiệt đam mê và cống hiến nhưng chuyện cơm áo gạo tiền luôn là nỗi lo thường trực, khiến tôi không tài nào yên tâm công tác" – chị Lan tâm sự.
Khó khăn chưa hết bủa vây khi cha mẹ chị thường đau dạ dày, tốn kém thuốc thang. Để chữa trị cho đấng sinh thành, vợ chồng chị Lan mua tinh bột nghệ cho cha mẹ sử dụng. Thế nhưng, giá 1kg tinh bột nghệ lên tới hàng trăm ngàn đồng, thật khó với mức thu nhập ít ỏi của chị.
Sau vài lần mua, chị Lan đặt câu hỏi: "Tại sao không tự làm tinh bột nghệ để dùng cho đỡ tốn kém, phù hợp với thu nhập của gia đình mình".
Để trả lời câu hỏi ấy, chị Lan tìm đọc trên sách báo, xem tivi và học ở những người có kinh nghiệm cách làm tinh bột nghệ. Khi đã biết cách, chị Lan mạnh dạn mua nghệ tươi đem xay, tự lọc lấy tinh bột.
Về lý thuyết thì khá dễ dàng nhưng theo chị Lan, nếu không tỉ mẩn từng công đoạn sẽ gặp thất bại. Ban đầu, chị Lan nghĩ rằng chỉ cần lọc từ 2 đến 3 lần sẽ cho ra tinh bột chất lượng. Thế nhưng, khi sử dụng mới biết, nếu chỉ lọc như vậy trong tinh bột nghệ vẫn còn xác củ nghệ. Quy trình chuẩn của chị Lan phải lọc 8 lần mới cho ra tinh bột nghệ chất lượng cao.
Giải được bài toán có tinh bột nghệ cho cha mẹ sử dụng, chị Lan nghĩ đến việc làm ra thật nhiều sản phẩm đem bán, vừa giúp bản thân có thu nhập, vừa phục vụ những người bệnh như cha mẹ mình.
Vậy là từ năm 2016, chị Lan làm thêm nghề tay trái – sản xuất tinh bột nghệ. Đây cũng là sản phẩm đầu tiên trên con đường khởi nghiệp của chị.
"Biết mình làm tinh bột nghệ bán, người thân, bạn bè, hàng xóm mua ủng hộ, sau đó tiếng lành đồn xa, sản phẩm cứ thế đi đến nhiều nơi, mỗi ngày bán được khoảng 1,5 triệu đồng, thu nhập dần tăng lên" – chị Lan chia sẻ.
Kiếm nhiều tiền nhờ "mắn đẻ"
Năm 2017, khi các kênh bán hàng online, mạng xã hội phát triển mạnh, chị Lan nhận thấy đây là "cơ hội vàng" để thay đổi vận mệnh. Trước tiên, chị đẩy mạnh bán hàng trên không gian mạng. Tiếp theo, chị bỏ tiền túi, mượn thêm bạn bè, người thân, vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn chi nhánh huyện Triệu Phong và tranh thủ vốn khuyến công của tỉnh để đầu tư máy móc, đa dạng hoá sản phẩm.
Từ năm 2017 đến 2021, mỗi năm chị Lan đều tung ra thị trường 2 đến 3 sản phẩm. Biệt danh người phụ nữ "mắn đẻ" bắt đầu từ đó.
Hiện nay, chị Lan có tập menu 18 sản phẩm nhà làm, trong đó 5 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao gồm bánh cốm gạo lứt mè quê, bột ngũ cốc cao cấp, bột gừng sấy lạnh, bột sen quê dinh dưỡng và bột tía tô sấy lạnh.
Nguyên liệu chủ yếu làm ra sản phẩm của chị Lan là nông sản địa phương. Nổi bật nhất phải kể đến bánh cốm gạo lứt mè quê chị Lan bắt đầu làm từ năm 2019. Cái khó nhất không phải là việc vắt óc suy nghĩ, trằn trọc trắng đêm tìm, thử nghiệm công thức để cho ra sản phẩm mà phải đảm bảo nguồn nguyên liệu.
"Ban đầu, nguồn nguyên liệu chính là gạo lứt rất hiếm, có lúc gián đoạn nguồn cung khiến tôi không tài nào sản xuất được. Để giải quyết vấn đề, tôi đã liên kết với một số nông dân trên địa bàn để trồng, cung cấp mỗi năm từ 6 đến 10 tấn gạo đỏ, từ đó tôi mới yên tâm sản xuất" – chị Lan cho hay.
Nói về quá trình sản xuất, chị Lan cho biết, chị không quản ngại việc học. Từ học online đến tham gia các lớp học trực tiếp. Thế nhưng, muốn có chỗ đứng, tạo ấn tượng với thực khách cần có sản phẩm mang nét riêng. Vì vậy, chị phải đổi mới, sáng tạo trong từng sản phẩm, nhằm đem tới khách hàng sự trải nghiệm mới lạ.
Chị Lan cho hay, trên những bộ phim võ thuật, mỗi môn võ có một khẩu quyết khác nhau. Còn với nghề sản xuất, kinh doanh sản phẩm nhà làm, khẩu quyết của chị là đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.
Hơn nữa, người khởi nghiệp như chị phải biết đứng lên từ thất bại. Bởi lẽ, để có công thức chuẩn cho mỗi sản phẩm, chị Lan đã từng phải đổ bỏ hàng tạ nguyên liệu do bị lỗi khi sản xuất.
"Tôi thực sự biết ơn người thân, bạn bè, hàng xóm là những người đầu tiên dùng thử và đưa ra đánh giá giúp tôi hoàn thiện sản phẩm của mình" – chị Lan chia sẻ.
Giờ đây, chị Lan đã có cho mình cơ sở sản xuất với tổng số vốn đầu tư khoảng 1 tỷ đồng. Mỗi năm, chị Lan có doanh thu trên 3 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lãi hơn 200 triệu đồng.
Không chỉ tạo việc làm cho bản thân, cơ sở sản xuất Trần Lan còn tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động địa phương với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Có thu nhập ổn định từ sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhà làm, năm 2020, chị Lan bỏ nghề giáo viên để tập trung thời gian mở rộng quy mô, nâng cao thương hiệu.
Chị Phan Thị Hoàng Yến – Bí thư Huyện đoàn Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) cho biết, cơ sở nông nghiệp xanh – thực phẩm sạch của chị Trần Thị Lan là địa chỉ xanh, nổi bật của địa phương, tạo dấu ấn sâu đậm nhờ nhiều sản phẩm được chứng nhận OCOP.
Chị Lan xứng đáng là tấm gương để thanh niên học tập, noi theo về ý chí vượt khó, tinh thần đổi mới sáng tạo và nắm bắt cơ hội từ công nghệ số, chuyển đổi số.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.