Không ngủ yên
Ngôi nhà của anh Phạm Văn Ngát (50 tuổi) nằm ngay dưới làn đường dây điện cao thế 220KV. Không đêm nào gia đình anh Ngát ngon giấc. Những lúc mưa gió, gia đình anh phải di tản hoặc ngồi run rẩy trong nhà vì sợ bị phóng điện.
Anh Ngát cho biết, sinh sống ở mảnh đất hiện tại đã hơn 30 năm. Tháng 7.2006, Hội đồng bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng ĐZ 220KV Đồng Hới – Huế cho gia đình anh nhận 60 triệu đồng tiền hỗ trợ thiệt hại về cây cối, nhà cửa... do đường điện cao thế 220KV đi qua. Tuy nhiên, cuộc sống của gia đình anh bị đảo lộn từ khi đường dây điện đi vào hoạt động vào năm 2010.
“Đêm ngủ nghe tiếng đường dây điện kêu vù vù tôi thấy sợ quá. Không đêm nào chúng tôi ngon giấc, lo nhất là những lúc mưa gió, cột điện cao thế chớp chóe lửa, nổ đôm đốp. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết” – anh Ngát nói.
Ông Trần Văn Luyện (57 tuổi) cho hay, vào một ngày mưa lớn, cháu trai của ông đã bị phóng điện giật suýt chết khi đứng ở tầng 2 của ngôi nhà, bên dưới đường dây 220KV.
Ông Võ Văn Thu (74 tuổi) cho hay, tivi của hầu hết các hộ dân nằm dưới hành lang đường dây điện 220KV đều không bắt được tín hiệu vô tuyến. Nhiều người dân thường xuyên bị chóng mặt, đau đầu,…
Bà Nguyễn Thị Hồng (50 tuổi) bức xúc nói: “Sinh sống dưới đường dây điện cao thế nguy hiểm như thế này không đau nhức đầu, bệnh tật mới lạ. Chúng tôi chịu hết nỗi rồi. Chúng tôi muốn được di dời đi ở nơi khác an toàn hơn”.
Ông Lê Trung Hiếu (khu phố 3) trước đây sống dưới đường dây 220KV. Lo sợ cho tính mạng, sức khỏe của gia đình nên năm 2014 ông Hiếu đánh liều vay ngân hàng, bạn bè… mua đất, xây nhà nơi khác để ở.
“Ở dưới đường dây 220KV quá nguy hiểm, tinh thần, sức khỏe chúng tôi ngày một héo hon” – ông Hiếu nói.
Tivi của những hộ dân sống bên dưới đường điện cao thế 220KV không thể bắt sóng vô tuyến.
Khó giải quyết
Bà Lê Thị Anh Đào – Chủ tịch UBND phường 4 cho biết, chưa nhận được phản ánh nào từ phía người dân về sự ảnh hưởng của đường dây điện 220KV đi qua địa bàn. Theo quy định của ngành điện thì nóc nhà cách đường dây điện trên 3 mét là an toàn, có thể sinh sống. Cho nên, có lẽ ngành điện sẽ không đền bù di dời dân. Được biết, có 44 trường hợp nằm dưới đường dây 220KV được hỗ trợ, bồi thường.
Ông Nguyễn Đình Tiềm – Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện Quảng Trị (thuộc Công ty Truyền tải điện 2, đóng ở Đà Nẵng) cho biết, đường điện 220KV do Ban quản lý các công trình điện miền Trung (Đà Nẵng) làm chủ đầu tư, khởi công xây dựng năm 2005. Năm 2010, Công ty Truyền tải điện Quảng Trị được bàn giao đảm nhận vận hành. Từ đó tới nay không vướng mắc, gây tổn hại gì đến người dân.
Ông Nguyễn Đức Tùng – Phó Trưởng phòng Quản lý năng lượng, Sở Công thương Quảng Trị cho biết, theo nghị định số 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Luật điện lực thì trong hành lang đường điện 220KV trở xuống được phép tồn tại các công trình như nhà cửa của dân nên chỉ được hỗ trợ thiệt hại chứ không được đền bù, di dời. Phía chủ đầu tư đường điện 220KV đã hỗ trợ 70-80% so với mức giá đền bù cho người dân.
Theo ông Tùng, người dân có nguyện vọng di dời nhưng khó giải quyết. Bởi nếu ngành điện lực, chính quyền địa phương đền bù thiệt hại 100%, di dời dân đi nơi khác thì sẽ trái với Nghị định 14/2014 của Chính phủ. Việc người dân muốn cơi nới, xây dựng nhà cửa cũng bị hạn chế do nằm dưới đường điện. “Chúng tôi thấy nghị định của Chính phủ và thực tế đời sống của người dân có nhiều bất cập” – ông Tùng nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.