Quên tuổi lục tuần trên lưng ngựa

Thứ hai, ngày 03/02/2014 18:26 PM (GMT+7)
Lần theo câu ca “Ngựa ô đi tới Quán Cau”, tôi về với làng ngựa thồ và chơi ngựa đua trên đường cái quan nằm cạnh đầm Ô Loan nức tiếng, ngồn ngộn sức sống “du mục” và một tình yêu bền bỉ trên lưng ngựa...
Bình luận 0

Hỏi những người buôn ngựa tứ xứ, ai cũng rành 6 câu về Năm Cai. Ông tên tộc là Nguyễn Hữu Chi (63 tuổi) – “đương kim” kỵ sĩ cao tuổi nhất tại hội đua ngựa Gò Thì Thùng (huyện Tuy An, Phú Yên) từ nhiều năm qua. “Lu bu quá, nhưng mà chuyện ngựa hửng? Được, được! Tới nhà tui ngay đi, làng Mỹ Phú, An Hiệp, ngay chân phía nam đèo Quán Cau…” - giọng Năm Cai nặng trầm chất Nẫu vồn vã trong điện thoại.

Oai phong như cưỡi ngựa.
Oai phong như cưỡi ngựa.

“Có ngựa như có xe máy, xe tải, xe… đua!”

Quả thật, nhà Năm Cai và cả vùng bán sợ địa này đậm đặc chất ngựa. Len theo những con đường khấp khểnh đất đá, những chuồng ngựa dọc dài, được nuôi điểm chung với bò. Nhưng khác với các vùng chuyên bò, các chuồng ngựa An Hiệp đều được đặt trước nhà, nơi phong quang nhất. Buổi chiều, từng đoàn người thong dong tay không đi rẫy về, bởi tất cả nông sản, dụng cụ đều nằm trên lưng ngựa.

“Buổi sáng lên rẫy là phân bón, giống má, đồ ăn thức uống, rồi cả trẻ con theo trên lưng ngựa. Đoạn nào dễ đi thì người lớn cũng trên lưng ngựa, mấy đoạn dốc khó thì xuống dắt ngựa. Từ vùng này tắt lên phía tây Tuy An, Sơn Hòa đều phải dùng ngựa thồ nông sản vì tiện lợi, nhanh gọn, chi phí rẻ hơn vận tải xe theo đường vòng. Bởi vậy, làng ngựa thồ mới tồn tại sung túc trước phong trào sắm xe tải khắp nơi bi giờ!” - ông Mười Châu – một chuyên gia nuôi ngựa ở An Hiệp, góp chuyện.

“Có bữa tui cưỡi ngựa đi rẫy trên đường liên xã, mấy đứa thanh niên mới mua xe máy phân khối lớn, thách đua. Thế là “chơi luôn”, tui đã cho xe đời mới của tụi nó chào thua, “ngửi khói”!”.

Ông Năm Cai

Ngựa thồ bình thường đều có thể tải 100kg, sung sức thì trên 120kg; giá cả khoảng 50.000 đồng/km. Phẩm chất bẩm sinh của ngựa là đi lại rất khéo trên những con đường gồ ghề, kể cả độ dốc “trật ót”, qua vùng suối nước hiểm nguy hay trong đêm tối; hàng hóa (nhất là trái cây) thường không bị giằng xóc, bầm giập. Có những công trình xây dựng trên núi cao, ngoài máy ra thì chỉ có ngựa thồ mới có thể tiếp cận chở vật liệu, thiết bị máy móc… Thế nên ngựa thồ ở đây không bao giờ hết việc. Thường xuyên là chở đường trầm, lúa rẫy, chuối, sắn, bắp, đậu phộng… từ núi xuống; chở cá mắm, vật tư nông nghiệp, hàng nhu yếu phẩm từ xuôi lên. Từng nhóm, từng đoàn ngựa thồ phì phò, lặc lè, vô cùng hiệu quả, ít khi có sơ suất, tai nạn xảy ra. Tấp nập nhất là mùa mít chín và mùa cung cấp chuối, thơm (dứa), đu đủ… cho chợ tết nơi nơi.
Hội đua ngựa thường xuân  ở huyện Tuy An (Phú Yên).
Hội đua ngựa thường xuân ở huyện Tuy An (Phú Yên).

Nghề ngựa thồ của Năm Cai, Mười Châu nối nghiệp từ cha, ông nội, ông cố. Người cha của Năm Cai hồi 9 năm kháng chiến đã phụ trách ngựa thồ biền biệt dọc dài khu 5 – Tây Nguyên trong đoàn Mã tải, chuyên vận chuyển lương thực, vũ khí cho chiến trường cách mạng. Cả đời dọc dài đi “xem mặt” ngựa khắp nước, Năm Cai khẳng định: An Hiệp hiện là vùng đang có ngựa nuôi trong dân nhiều nhất miền Trung.

Ông và Năm Châu nhẩm tính thuộc lòng tại các thôn Mỹ Phú, Phước Hậu, Tuy Dương, Phong Phú,… hiện có đến trên 500 ngựa thồ. Trong đó, luôn khoảng 50 con được ưu tiên thồ hàng nhẹ hơn để “dưỡng phong” cho các kỳ đua ngựa. Nhìn sang các xã lân cận như An Thọ, An Lĩnh, An Xuân, An Cư, An Mỹ,… (Tuy An), các huyện Sơn Hòa, Đồng Xuân, Đông Hòa, Tây Hòa… ngựa nuôi vẫn còn “rỉ rả” hàng nghìn con.


Khoảng mươi năm trước, lượng ngựa Phú Yên còn nhiều hơn, khi nghề xe ngựa đương rầm rộ ở đồng bằng, ven biển… “Ở đây, nuôi ngựa có lợi hơn bò. Thấy lặng lặng chớ thị trường ngựa vẫn còn hút lắm, ngựa “xài” bây giờ phải trên chục triệu một con lận! Có con ngựa trong nhà như chiếc xe máy kiêm xe tải, kiêm “đồ chơi” trong các hội đua. Nuôi ngựa mê tơi lắm…” - Năm Cai hào sảng.

Hai cây vàng tậu một ngựa đua

Đương chuyện ngựa làm, Năm Cai cứ “cố tình” lái sang chuyện ngựa chơi. Chỉ con ngựa lai cao to đang đứng hiên nhà, ông hứng khởi: “Tui “sồn sồn” vầy rồi, chớ mà nói chuyện đua ngựa, tụi trẻ dè chừng lắm! Tui cùng mấy đệ tử ruột, cứ vài tháng lại đi Long An, Lâm Đồng để coi ngó có con nào chiến là “tó” về. Thấy ngựa ngon là tui ngứa ngáy, chịu không được. Cách đây 20 năm, bà vợ đã từng tá hỏa khi tui bỏ ra 2 cây vàng để dắt về một chú ngựa đua nhứt hạng…!”.

img

Ảnh trên: Ông Năm Cai  với bộ “đồ chơi” ngựa đua. Ảnh dưới: Ngựa thồ Quán Cau.
Ảnh trên: Ông Năm Cai với bộ “đồ chơi” ngựa đua. Ảnh dưới: Ngựa thồ Quán Cau.

Nghề chơi ngựa như truyền đời trong máu từ ông cha. Bây giờ, con ông là Nguyễn Hữu Sơn mới 16 tuổi nhưng đã 2 năm lên lưng ngựa Hội đua Gò Thì Thùng. Thể lệ hội ít chấp nhận trẻ nhỏ đua, nên Sơn phải được “đôn” tuổi để dự thi. “Hồi đầu tập đua, em run lắm, mấy chỗ cua ngặt, cứ rớt ngựa hoài. Thế nhưng ba chỉ sơ mấy “đường nét” là em phi thuần liền. Vui nhất đời là đi đua ngựa! Năm nay, cha con em lại… ra trận”- Sơn nói.

Theo Năm Cai, hội đua ngựa bây giờ quá ít. Ở Tuy An chỉ có hội Thì Thùng và đại hội thể dục thể thao huyện là có đua ngựa, thế nhưng giải nhất chỉ vài trăm ngàn đồng, “chẳng đủ mua đồ ăn cho ngựa đua”. Ông nhắc đến trường đua Phú Thọ (TP.Hồ Chí Minh): “Cá độ quá hay sao đó mà dừng đua nhiều năm trời. Mới đây, khi phục hồi lại thì dân chơi tấp nập ra Phú Yên tìm mua ngựa”. Ông hy vọng sẽ có thể “đọ nài” với nhiều tay đua hơn, khi nghe Quảng Ngãi đang tính lập một trường ngựa. Ông khoe năm rồi cũng được Bình Định đưa xe vào An Hiệp đón nhóm nài và 20 con ngựa đi dự diễu hành tại Festival võ Tây Sơn…

Theo ông, nguyên tắt chung để chọn ngựa nằm ở 8 chữ “đùi nai, tai thỏ, đầu nhỏ, cổ thắt”, thế nhưng còn nhiều yếu tố khác như “lý lịch dòng họ”, quá trình tập tành “tu nghiệp” và sở trường tinh ý của người mua. Muốn thuần ngựa nhanh thì phải tay nghề, có mạng “cầm” ngựa và nhất là phải gần gũi, chăm sóc thì mới “mã đáo thành công”.

Tạm biệt tôi, ông Năm hẹn “tái nạm” (một cách nói vui, ý nói tái ngộ) tôi ở Lễ hội đua ngựa Gò Thì Thùng mùng 9 tháng Giêng Giáp Ngọ…

Đào Đức Tuấn (Trang Trại Việt) (Đào Đức Tuấn (Trang Trại Việt))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem