Quỹ Hỗ trợ nông dân giúp nông dân Sơn La bắt tay nhau liên kết làm giàu
Đại hội VIII Hội NDVN: Hỗ trợ nông dân hình thành liên kết, hợp tác qua nguồn lực của Hội ở Sơn La
Văn Ngọc
Thứ năm, ngày 21/12/2023 12:06 PM (GMT+7)
Các cấp Hội Nông dân Sơn La tích cực triển khai đa dạng các hình thức hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất. Trong đó, vốn vay ưu đãi của Quỹ Hỗ trợ nông dân với phương thức cho vay theo hộ hội viên đã giúp hình thành nên các HTX, tổ hội sản xuất, tổ liên kết, tổ hợp tác phát triển sản xuất.
Clip: Quỹ Hỗ trợ nông dân giúp hình thành kinh tế tập thể - hợp tác
Hiệu quả từ quỹ hỗ trợ nông dân
Trước đây gia đình ông Hoàng Văn Chất ở bản Củ, xã Chiềng Ban (Mai Sơn, Sơn La) chỉ canh tác nhỏ lẻ ngô, sắn… nên thu nhập của gia đình thấp. Nhờ tham gia HTX Trường Tiến, gia đình ông được vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân để đầu tư phát triển trồng cây ăn quả theo quy trình VietGAP và sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ.
Ông Chất chia sẻ: Sau khi có nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, gia đình tôi đã chuyển đổi một phần diện tích đất trồng cà phê sang trồng cây ăn quả có múi. Đến nay, gia đình tôi đã trồng được khoảng 4.000 cây trên diện tích 4 ha gồm 7 loại: Cam Vinh lòng vàng, cam V2, cam C36, cam đỏ, cam Mỹ, bưởi da xanh, cam đường; đồng thời duy trì 2 ha cà phê trồng xen cam, bưởi, bơ đã cho thu hoạch, mang lại thu nhập cả tỷ đồng/năm.
"HTX Trường Tiến đã vận động các hộ trồng cây ăn quả tại địa phương tham gia thành lập HTX Trường Tiến. Đến nay, HTX có 15 thành viên, với diện tích sản xuất 20 ha cây ăn quả có múi, 30 ha cà phê, ngoài ra các thành viên còn có 4,6 ha lúa 2 vụ đảm bảo lương thực tại chỗ và chăn nuôi đại gia súc nhốt chuồng tăng gia sản xuất. Hàng năm, HTX đã bán ra thị trường trên 150 tấn cam các loại, trong đó, cung cấp 30 tấn cam và quýt đường cho hệ thống siêu thị Big C tại Hà Nội; 300 tấn quả cà phê tươi, doanh thu trên 5 tỷ đồng", ông Chất nói.
Cũng được hưởng lợi từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, gia đình anh Bùi Văn Việt, bản Chiềng Thi, xã Chiềng Pằn (Yên Châu, Sơn La) đã có nguồn vốn để xây dựng mô hình nuôi bò sinh sản, vỗ béo.
Anh Việt chia sẻ: Được hỗ trợ của Hội Nông dân về vốn vay, gia đình tôi đã đầu tư mở rộng chuồng trại, với 3 khu chăn nuôi riêng biệt cho đàn bò mẹ sinh sản, bê con và bò đực vỗ béo. Ngoài đầu tư khu chuồng nuôi, gia đình còn đầu tư hệ thống xử lý chất thải, hầm biogas nhằm làm giảm ô nhiễm môi trường, đảm bảo vệ sinh thú y trong chăn nuôi. Toàn bộ chất thải trong chăn nuôi bò sẽ được gia đình tận dụng làm phân bón cho đồng cỏ.
"Với kỹ thuật nuôi bò khoa học, đàn bò của gia đình tôi lớn nhanh, cho năng suất cao và bán được giá cao. Một năm, gia đình tôi xuất bán từ 30-35 con bò giống và 10-12 bò vỗ béo. Sau khi trừ chi phí, gia đình thu lãi trên 400 triệu đồng", anh Việt chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Điện, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Với nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân huyện Yên Châu đã đầu tư triển khai 18 dự án, 148 hộ vay, với số tiền 6,340 tỷ đồng. Nguồn vốn chủ yếu cho vay triển khai các dự án trồng và chăm sóc cây ăn quả, chăn nuôi trâu bò sinh sản. Nhờ đó trên địa bàn hình thành các mô hình kinh tế tập thể làm ăn hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới, phát huy được được hiệu quả nâng cao thu nhập cho nông dân.
"Thời gian tới, để giúp các hội viên nông dân nâng cao thu nhập. Huyện Yên Châu sẽ tập trung hướng dẫn xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ mới theo chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn. Nâng cao nhận thức của người dân trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tạo ra chuỗi liên kết giá trị bền vững. Thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn chính sách", ông Điện nói.
Đáng chú ý, nhiều mô hình, dự án vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện đang chuyển dịch theo hướng thành lập các tổ, nhóm liên kết để cùng sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, giúp gia tăng giá trị...
Trao đổi với phóng viên, ông Bạc Cầm Khuyên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La cho biết: Tổng nguồn Quỹ Hỗ trợ Nông dân toàn tỉnh đạt 70 tỷ đồng, đầu tư cho 877 lượt dự án vay, với 2.833 hộ được vay; thành lập mới 42 Hợp tác xã và trên 109 Tổ hợp tác đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển bền vững chung của tỉnh. Cùng với đó, nguồn vốn hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp Sơn La tiêu biểu.
"Chúng tôi đưa nguồn vốn về cho hội viên nông dân xây dựng các mô hình sản xuất. Từ đó nâng cao được tiếng nói của Hội Nông dân và thu hút được các hội viên nông dân, tổ chức hội. Việc hỗ trợ nguồn vốn cho hội viên nông dân hiệu quả đã nhân rộng được nhiều mô hình kinh tế, qua đó nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân trên địa bàn toàn tỉnh", ông Khuyên cho biết.
Cần có giải pháp triển khai hiệu quả Quỹ Hỗ trợ nông dân theo Nghị định 37
Cũng theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La: Việc triển khai Quỹ Hỗ trợ nông dân theo Nghị định số 37/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ đang được Hội Nông dân tỉnh Sơn La tiến hành triển khai tuyên truyền đến tất cả các cán bộ hội viên nông dân trong hệ thống, từ tỉnh tới cơ sở. Hiện tại các huyện sẽ tiếp tục triển khai tuyên truyền Nghị định 37 đến tất cả các cấp hệ thống chính trị được biết.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La chia sẻ: "Việc thực hiện Nghị định số 37/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành, về tổ chức hoạt động quỹ hỗ trợ nông dân chúng tôi cảm thấy có quy định chặt chẽ hơn, có hiệu lực pháp lý cao hơn trong tổ chức thực hiện".
Cũng theo ông Khuyên, việc triển khai Nghị định số 37/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ chưa có hướng dẫn chi tiết, cụ thể nên việc triển khai Nghị định đăng gặp phải những khó khăn nhất định. Bên cạnh đó, để xây dựng đề án theo Nghị định đưa ra để trình HĐND tỉnh phê chuẩn sáp nhập, kiện toàn tổ chức lại bộ máy của Qúy hỗ trợ nông dân trên địa bàn tỉnh và các huyện cũng chưa có chi tiết, do đó các cấp Hội nông dân trên địa bàn tỉnh Sơn La cũng chưa thể triển khai xây dựng đề án một cách hợp lý.
"Sau khi nghiên cứu quán triệt, triển khai hiện Nghị định số 37/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ chúng tôi nhận thấy sẽ khó khăn. Thứ nhất là về tổ chức nhân sự cho Quý hỗ trợ cấp huyện sẽ gặp khó khăn, vì nhân sự Hội Nông dân cấp huyện chỉ có từ 3-4 người. Còn cấp tỉnh ta có thể có cán bộ kiêm nhiệm, học bố trí sắp xếp có thể được", ông Khuyên nhấn mạnh.
Để triển khai Nghị định số 37/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 sớm và hiệu quả, lãnh đạo Hội Nông dân Sơn La kiến nghị với Bộ Tài chính sớm ra hướng dẫn về thực hiện thi hành nghị định số 37. Kiến nghị với Trung ương Hội nông dân Việt Nam sẽ có hướng dẫn chi tiết việc xây dựng các đề án, xây dựng điều lệ hoạt động Quỹ hỗ trợ nông dân của các cấp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.