Ra ngõ đụng hàng cơ khí Trung Quốc

Thứ bảy, ngày 07/06/2014 06:40 AM (GMT+7)
Đã đến lúc Chính phủ cần phải có chính sách ưu đãi doanh nghiệp cơ khí, khuyến khích nông dân sử dụng hàng nội địa để từng bước giảm phụ thuộc hàng Trung Quốc.
Bình luận 0
Đầu năm 2012, công ty V của ông H (trụ sở tại TP.HCM) nhập liên tiếp hai dây chuyền sản xuất hộp giấy từ Trung Quốc, tổng cộng khoảng 400.000 USD. Đầu tư được gần ba năm, nhưng mỗi khi nhắc đến những ngày lặn lội sang Trung Quốc tìm mua máy, ông H không thể quên cách đón tiếp ấn tượng của vị tổng giám đốc công ty cơ khí người Quảng Đông…

“Tiếp khách hàng như tổng thống!”

Sau khi nhận được thông tin đặt mua máy qua email, đối tác đề nghị “bao” ông H trọn gói chuyến sang thăm nhà máy. Hôm sang đến sân bay, ông H được đích thân tổng giám đốc tập đoàn ra đón, họ đưa ông về khách sạn 5 sao sang trọng bậc nhất thành phố. Sau cuộc làm việc tại văn phòng, ông H được tập đoàn cơ khí này thiết đãi long trọng như… tổng thống.

Một cửa hàng trên đường Lý Thường Kiệt (quận 10, TP.HCM), tràn ngập những chiếc máy phát điện không rõ thương hiệu, chỉ biết được  sản xuất ở Trung Quốc. Ảnh: Minh Phúc
Một cửa hàng trên đường Lý Thường Kiệt (quận 10, TP.HCM), tràn ngập những chiếc máy phát điện không rõ thương hiệu, chỉ biết được sản xuất ở Trung Quốc. Ảnh: Minh Phúc

“Ra đến nhà hàng, tui hoa mắt với cách đón tiếp của họ. Đường đi vào nhà hàng được họ trải thảm đỏ, bố trí hoa tươi lộng lẫy, có khoảng mười cô gái chân dài xinh đẹp mặc áo dài Việt Nam xếp thành hai hàng. Khách đi vào họ liền vỗ tay, nhoẻn miệng cười và liên tục nói “xin chào quý khách” bằng tiếng Việt”, ông H kể. Chưa hết, khi vào bàn tiệc, ông H không khỏi ngạc nhiên vì

cả nhà hàng rộng lớn hôm đó chỉ có duy nhất một bàn. Sau này tìm hiểu ông mới vỡ lẽ tập đoàn đã “bao” hết nhà hàng này để đãi mình.

Đi nhiều nước, tiếp xúc với vô số khách hàng nước ngoài, nhưng ông H thừa nhận cách tiếp thị của doanh nghiệp Trung Quốc luôn mang bản sắc riêng. Sản phẩm của họ quá rẻ và có nhiều mẫu để lựa chọn. Chính vì vậy, không khó hiểu khi máy móc thiết bị nhập khẩu từ Trung Quốc có mặt ở khắp nơi.

Không chỉ doanh nghiệp ưa chuộng mà còn len lỏi đến từng hộ gia đình. Một dây chuyền giết mổ gia cầm khoảng 500 con/giờ, giá hàng nội địa khoảng 1,6 – 1,7 tỉ đồng, còn nhập từ Trung Quốc chỉ có… khoảng 1 tỉ đồng bao công lắp ráp, vận chuyển.

“Doanh nghiệp Việt Nam thường khó tiếp cận vốn, phải vay lãi suất cao nên họ có tâm lý chọn hàng Trung Quốc cho rẻ, giảm được đồng nào hay đồng đó”, giám đốc một doanh nghiệp thừa nhận.

Hàng Trung Quốc chiếm 50%

Trong chiến lược có “tầm nhìn” đến năm 2020 cho ngành cơ khí, những người có trách nhiệm phê duyệt chiến lược này xác định mục tiêu “50% sản phẩm cơ khí cho ngành nông nghiệp do các doanh nghiệp trong nước sản xuất”. Cả nước hiện có 1.680 công ty cơ khí chế tạo, trong đó có 137 công ty chuyên về chế tạo máy và các thiết bị cơ khí nhưng tạo ra sản phẩm phục vụ cho ngành nông nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Quan sát trên thực tế, nhóm sản xuất những sản phẩm cơ khí cho ngành nông nghiệp như máy nổ, máy cày, máy xới, gặt đập, máy bơm… chỉ có vài chục doanh nghiệp, trong đó chủ lực thuộc về các công ty thành viên trực thuộc tổng công ty Máy động lực và nông nghiệp Việt Nam (VEAM) như: Vikyno Biên Hoà, Sông Công, Trần Hưng Đạo, Máy kéo và máy nông nghiệp…; phần còn lại là các doanh nghiệp cơ khí ở các địa phương.

Theo một chuyên gia về chế tạo và kinh doanh máy nông nghiệp, trong vài năm gần đây, một số mặt hàng do các doanh nghiệp trong nước sản xuất đã từ từ nâng thị phần, nhưng tỷ lệ thị phần máy móc có xuất xứ bên Trung Quốc vẫn xấp xỉ 50% so với 30% hàng Việt Nam, phần còn lại là nhóm máy nhập khẩu (máy mới và máy đã qua sử dụng) từ các quốc gia khác. Tỷ lệ trên không có sự khác biệt so với những số liệu mà chúng tôi đã tìm hiểu vào năm 2009!

Dù ý thức người dân trong việc chọn những sản phẩm cơ khí trong nước sản xuất cũng như “một chút ý thức giành lấy thị trường” của các nhà sản xuất nông cụ trong nước, nhưng theo đánh giá của giới kinh doanh sản phẩm nông cụ, thị trường nông cụ Việt Nam vẫn phụ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp Trung Quốc. Cựu giám đốc một doanh nghiệp sản xuất nông cụ tại Đồng Nai, nhận định:

“Doanh thu, thị phần có tăng nhưng nhìn chung, tình hình về sản xuất và tiêu thụ của các thương hiệu chuyên sản xuất nông cụ của Việt Nam vẫn chưa sáng”. Còn ông H thừa nhận “cỗ máy” sản xuất hộp giấy Trung Quốc có giá rẻ hơn1/3 so với hàng Nhật, châu Âu. Các thiết bị không quá khó, doanh nghiệp cơ khí trong nước hoàn toàn có thể chế tạo được, nhưng khi doanh nghiệp cần họ lại không đáp ứng được.
Đặng Hoàng – Minh Phúc (Thế giới Tiếp thị) (Đặng Hoàng – Minh Phúc (Thế giới Tiếp thị))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem