Dự kiến trong ngày 24.6, lãnh đạo của các đảng phái chính trị lớn trong Nghị viện châu Âu sẽ họp vào lúc 7 giờ sáng tại Brussels, và sau đó lãnh đạo tất cả các đảng sẽ có cuộc họp với Chủ tịch Nghị viện Martin Schulz vào lúc 8 giờ. Các ngoại trưởng và đại sứ từ các nước thành viên EU sẽ họp thường kỳ tại Luxembourg vào lúc 13 giờ. Cuộc họp này được cho là cơ hội đầu tiên để các nước bày tỏ thái độ sau cuộc trưng cầu dân ý.
Trong ngày đầu tuần 27.6, thị trường tài chính thế giới sẽ chứng kiến cảnh giới đầu tư cũng như các cử tri hối thúc giới hữu trách trả lời câu hỏi về việc nước Anh và châu Âu đang hướng đến cái gì. Dư luận kỳ vọng hai bên bảo đảm các cuộc thảo luận với các công ty và người dân diễn ra một cách có trật tự.
Ông Jean-Claude Piris, từng là cố vấn pháp lý cho EU trong các cuộc họp thượng đỉnh trong vòng 12 năm có cho rằng : "Về mặt hình thức, Anh quốc có lẽ sẽ tìm lại được chủ quyền quốc gia của mình. Nhưng nước Anh cũng sẽ mất đi chủ quyền thực sự, chủ quyền mà họ đang thực thi chung với 27 nước thành viên khác trong EU. Trong câu lạc bộ các cường quốc, Anh dường như sẽ mất đi vị trí của mình trong các bàn họp ra quyết định".
Toà nhà Quốc hội Anh ở thời điểm có kết quả kiểm phiếu cuối cùng.
Người ta lo ngại sau khi Anh rời bỏ, EU sẽ rạn nứt. Ngoài hệ quả trước mắt như thị trường tài chính rối loạn, đồng bản Anh mất giá, Brexit còn đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ của Vương quốc Anh. Scotland, vì quyền lợi sống còn, thực hiện dự án trưng cầu dân ý và dân tộc tự quyết để độc lập và gia nhập EU, thì nước Anh ra sao ?
Một hệ quả nữa, chắc chắn là EU sẽ áp dụng đường lối cứng rắn hơn với Anh trong các cuộc đàm phán tương lai. Bruxelles lo ngại một vài thành viên khác như Thụy Điển, Hà Lan hay Đan Mạch lợi dụng thời cơ bắt chẹt để đòi ưu quyền, nên phải chận trước.
Các hiệp ước thành lập EU chắc chắn cho phép nước Anh được rút khỏi liên minh này. Tuy nhiên, việc rời khỏi EU sẽ không diễn ra dễ dàng. Một loạt vấn đề sẽ cần được giải quyết. Đó là lý do tại sao điều khoản 50 yêu cầu việc rời khỏi EU phải được đàm phán giữa Liên minh và nước thành viên đưa ra tín hiệu rút lui.
Một trong những vấn đề cần được giải quyết đó là việc nhập cư hiện nay diễn ra trong nội bộ EU. Trong các năm qua, nhiều công dân các nước thành viên đã nhập cư vào Anh. Ngược lại, rất nhiều công dân Anh đã nhập cư vào các nước thành viên khác. Họ có thể làm vậy là bởi họ có tư cách công dân EU mà hiệp ước thành lập Liên minh trao quyền cho bất kỳ công dân nào của nước thành viên EU.
Trên thực tế, một phần lý do tại sao cuộc thảo luận về việc rời khỏi EU lại ngay từ đầu diễn ra ở Anh đó là một số lượng lớn các công dân chuẩn bị nhập cư vào EU đang lợi dụng các phúc lợi xã hội hào phóng của Anh. Rõ ràng đạo luật về tư cách công dân EU không trao quyền cho bất kỳ ai được di cư để tìm kiếm phúc lợi xã hội. Ngược lại, đạo luật này yêu cầu các công dân EU phải làm việc ở nước tiếp nhận họ hoặc có đủ nguồn lực tài chính để không trở thành gánh nặng cho nước đó.
Vấn đề nhập cư cuối cùng sẽ được giải quyết bằng các cuộc đàm phán rời khỏi EU có liên quan đến các công dân EU đang hiện diện ở Anh.
Việc Anh rời khỏi EU cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các kỳ vọng chính đáng của các công dân EU. Hiện chưa có cách nào để tránh rắc rối này.
Ấy vậy, vẫn có quan điểm rằng, không nên ngại nước Anh đi ra, không nên sợ châu Âu tan rã. Mô hình cũ không thể tồn tại được. Trưng cầu dân ý tại Anh là một cú sốc để EU đổi mới.
Và hẳn là, dù những người ủng hộ Brexit đã chiến thắng, thì trong vòng 2 năm tới, các nhà lập pháp của Anh vẫn sẽ tiếp tục làm việc ở Nghị viên châu Âu, và hàng ngàn người Anh sẽ vẫn tiếp tục làm việc như là một công chức của EU, theo như điều luật của thành lập EU quy định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.