Rục rịch nhà đất sôi động trở lại: Đừng thấy lãi ngân hàng thấp mà đánh liều

Minh Khôi Thứ tư, ngày 22/09/2021 06:41 AM (GMT+7)
Thị trường bất động sản đang rục rịch sôi động trở lại khi việc giãn cách xã hội dần nới lỏng, kéo theo đó, các nhà đầu tư cũng gia tăng vay vốn để mua nhà đất. Nhưng, vốn vay lãi suất thấp từ ngân hàng được ví như "con dao hai lưỡi".
Bình luận 0

Vay mua nhà đất với lãi suất thấp

Bên cạnh dự báo về giá bất động sản tăng, nhiều chuyên gia cho rằng, thời điểm cuối năm, các ngân hàng thường đẩy mạnh dịch vụ giải ngân cho vay vốn. Theo đó, các nhà đầu tư, hộ gia đình đều có cơ hội vay tiền tiền mua nhà, kể cả vay tiền thuê hay mua đất.

Theo khảo sát của PV Dân Việt, trong tháng 9 tại nhiều ngân hàng trong nước, lãi suất vay mua nhà nhìn chung vẫn khá thấp. Phạm vi lãi suất cho vay tại các ngân hàng đang dao động từ 5 - 8,3%/năm.

Có thể thấy mức lãi suất vay mua nhà thấp nhất đang được triển khai là 5%/năm được áp dụng trong 6 tháng đầu tại ngân hàng PVcomBank. Từ tháng thứ 7 trở đi, ngân hàng này áp dụng lãi suất ở mức 12%/năm. Thời gian tối đa khách hàng có thể đăng ký vay là 20 năm với số tiền lên đến 85% giá trị tài sản đảm bảo.

Rục rịch nhà đất sôi động trở lại: Đừng thấy lãi ngân hàng thấp mà đánh liều - Ảnh 1.

Nhà đầu tư đổ xô đi "săn" đất trong cơn "sốt đất" đầu năm nay. Ảnh: M.K

Hai ngân hàng TPBank và VPBank đang cùng đứng ở vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng với mức lãi cho vay từ 5,9%/năm. Khách hàng của TPBank có thể vay ngân hàng tới 90% giá trị tài sản cùng thời gian cho vay kéo dài đến 30 năm.

Tại VPBank, khách hàng có thể lựa chọn 1 trong 3 gói cho vay ưu đãi là 5,9%/năm trong 3 tháng đầu, 8,1%/năm trong 6 tháng hoặc 8,9%/năm trong 24 tháng đầu. Tỷ lệ cho vay tối đa tại VPBank là 75%/năm và thời gian vay là 25 năm.

Bên cạnh đó, khách hàng có thể tham khảo lãi suất vay mua nhà tại các ngân hàng khác như: Woori Bank (6,1%/năm), Shinhan Bank (6,2%/năm), BIDV (6,2%/năm), HSBC (6,2%/năm)...

Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, anh Ngô Tuấn Anh, nhân viên sàn giao dịch Việt Land cho hay: "Cùng với lãi suất ngân hàng thấp thì nhu cầu thanh lý nhà đất vào cuối năm để đáo hạn, trả nợ hay đổi nhà mới cũng là cơ hội để người mua có thể vay gom hàng vào lúc này.

Cũng có rất nhiều môi giới và nhà đầu tư dùng đòn bẩy vốn ngân hàng để đầu tư kinh doanh bất động sản hoặc "lướt sóng". Đương nhiên với hoạt động "lướt sóng" thì vận may luôn đi kèm với rủi ro".

Bán tháo vì nợ ngân hàng

Trên thực tế, nhiều người vay ngân hàng để đầu tư bất động sản, mua nhà, mua đất với dự định bán lại kiếm lãi cũng đang rơi vào tình cảnh chật vật khi khoản tiền phải trả hàng tháng cho ngân hàng không nhỏ, trong khi thu nhập bị giảm, thậm chí đóng băng vì dịch bệnh.

Chị Nguyễn Thúy Quỳnh (quận Cầu Giấy) nhớ lại, năm 2018, vợ chồng chị chị quyết định mua căn hộ 50m2 với giá 1,9 tỷ đồng sau 7 năm đi làm văn phòng dành dụm. Khi đó, vợ chồng chị chỉ có sẵn 900 triệu đồng tiền mặt và phải vay thêm của ngân hàng 1 tỷ đồng với kỳ hạn 20 năm. Khoản thanh toán hàng tháng mà gia đình phải trả hiện nay khoảng 13 triệu đồng (cả lãi và gốc).

Với thu nhập của hai vợ chồng tầm 30 triệu đồng/tháng, gia đình chị Quỳnh vẫn đảm bảo tài chính để duy trì thanh toán khoản vay trong suốt 3 năm qua. Tuy nhiên, sau hai năm bị tác động bởi dịch covid-19, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội hiện tại khiến tình hình kinh doanh lẫn thu nhập của gia đình chị giảm xuống. Trong khi đó khoản vay mua nhà vẫn được giữ nguyên lãi suất khiến áp lực trả tiền vay ngân hàng mỗi tháng đè nặng lên vai.

Rục rịch nhà đất sôi động trở lại: Đừng thấy lãi ngân hàng thấp mà đánh liều - Ảnh 3.

Cảnh mua bán nhộn nhịp tại một dự án nhà ở tại Phú Thọ trong khoảng thời gian đầu năm 2021. Ảnh: Nguyễn Minh.

Chị Quỳnh cho hay: "Vay mua nhà những nằm đầu tiên lãi suất khá thấp nhưng từ năm thứ 2 trở đi lãi suất gần như khá cao, lên đến hơn 10%. Mặc dù ngân hàng nói có giảm lãi suất để hỗ trợ người vay, nhưng thực chất giảm chỉ 0,1%, 0,2% nên cũng chẳng ăn thua".

Chị Quỳnh cũng chia sẻ thêm, Hà Nội hiện tại đã nới lỏng giãn cách, vợ chồng chị đã có thể đi làm lại bình thường sau hơn 2 tháng nghỉ nhận lương bảo hiểm xã hội. Chị mong rằng, thu nhập của hai vợ chồng trở lại như trước để gánh nặng nợ nần giảm bớt.

Còn theo chia sẻ của vợ chồng chị Tú Anh (Nam Từ Liêm, Hà Nội), năm 2019, vợ chồng chị gom góp được hơn 500 triệu đồng và mượn của người thân thêm 500 triệu đồng nữa để mua một nền đất ở Bắc Ninh. Chỉ sau vài tháng, vợ chồng chị sang tên lại mảnh đất và lãi được 250 triệu đồng. Thấy kiếm tiền quá dễ, đầu năm 2020, chị tiếp tục gom góp và dùng sổ đỏ vay ngân hàng để tiếp tục lướt sóng theo đất.

Lần này "chơi lớn", vợ chồng chị đầu tư hẳn 2 lô đất hơn 3 tỷ đồng. Thế nhưng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường đi xuống khiến giá trị mảnh đất sụt giảm. Chị Tú Anh đã chủ động bán cắt lỗ nhưng không được, trong khi hàng tháng lãi suất ngân hàng là 12%.

Anh Ngô Tuấn Anh chia sẻ thêm, có rất nhiều khách hàng như chị Tú Anh đang phải gánh nợ từ ngân hàng do trước đó vay lãi suất thấp để lướt sóng bất động sản. Nhiều chủ nhà đất đã nhờ anh tìm khách để bán các lô đất, căn hộ có giá trị cả tỷ đồng nhưng do dãn cách kéo dài 2 – 3 tháng nay, việc tìm khách không hề dễ dàng.

Bằng kinh nghiệm của mình, anh Tuấn Anh cho hay: "Người mua nhà đất cần hết sức tỉnh táo khi vay nợ ngân hàng. Đặc biệt, với các mức lãi suất thì ngoài năm đầu tiên lãi suất thấp thì cần quan tâm những năm sau biên độ lãi suất có cố định không hay thả nổi theo thị trường lãi suất".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem