Mặt trời vừa lóe lên, cả khu rừng tràm mênh mông (nay là “Khu du lịch sinh thái – Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư”) sau một đêm dài yên giấc đã bừng tỉnh dậy. Những tia nắng sớm bắt đầu lướt nhanh trên những lùm cây, tràn xuống các dòng kênh và nhảy nhót lung linh trên tấm thảm xanh lục bình, tạo nên một bức tranh thiên nhiên kỳ ảo. Trên không, từng đàn chim, cò xoải cánh, lượn lờ rồi nhí nhảnh đáp xuống những mảng xanh, ríu ra ríu rít như đón chào những người khách lạ vừa mới đến.
Trà Sư nay thuộc xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên – An Giang, cách TP.Long Xuyên 90 km, cách biên giới Việt Nam Campuchia 10 km.
Đàn chim trời kiếm ăn giữa khu rừng hoang sơ. (ảnh: PL)
Chiếc tắc ráng chở chúng tôi rẽ nước phăm phăm hướng về các vạt rừng tràm, nơi có dòng họ nhà chim, nhà cò đang cư trú, bỏ lại sau lưng những giề lục bình xanh mướt và những gốc tràm trơ bộ rễ già nua giống như những bộ râu ria xồm xoàm.
Vì nước cạn nên anh hướng dẫn viên du lịch đã mời chúng tôi bước sang những chiếc xuồng nhỏ, cứ 3 – 4 người một xuồng, tiếp tục bơi theo những dòng kinh để khám phá cuộc sống hoang dã của các loài chim nước như le le, còng cọc, bìm bịp, trích cồ... Xuồng từ từ luồn lách qua những thân tràm ngả nghiêng, cong vẹo khiến cho những chú cò trắng, cò quắm, cò rằn giật mình bay lên, vừa sải rộng đôi cánh, vừa chao liệng một vài vòng rồi xà xuống bãi đáp, tụm năm tụm ba bù khú, miệng ríu ra ríu rít, thỏ thẻ trông thật gợi tình.
Trà Sư có một hệ sinh thái rừng tràm dầy đặc với những màu xanh huyền thoại, ẩn chứa nhiều sông, rạch, lung, bào, trũng… vô cùng hấp dẫn. Đứng từ tháp cao 25 mét, du khách sẽ bị hút hồn bởi màu xanh của nước, của rừng, của những đầm sen, đầm súng và của những thảm bèo giống như một dãy lụa ngút ngàn.
Nhân viên Trạm kiểm lâm rừng tràm Trà Sư cho biết từ nhiều năm qua Trạm không những đã kiểm soát, bảo vệ chặt chẽ các loài động vật hoang dã mà còn tổ chức trồng rừng và nuôi thả những loài động vật quý hiếm đặc thù của hệ sinh thái rừng tràm, làm cho rừng ngày càng xanh thẳm và tỏa bóng lên đất rừng, đồng thời phục vụ cho công tác nghiên cứu và du lịch.
Nhiều người kể rằng nơi này xưa rất nhiều thú rừng, tôm cá đầy đồng vào những mùa nước nổi, nhưng đến mùa khô hạn, các lung bàu nhiễm phèn khiến cho một số loài cá không sống nổi. Giờ đây, nhờ đê bao khép kín và công tác bảo vệ rừng nghiêm nhặt nên rừng đã bắt đầu trả ơn người bằng một màu xanh quyến rũ, cá đồng tung tăng, chim muông quần tụ, sinh cảnh thực vật ngày càng đa dạng và phong phú, tạo nên một sức hấp dẫn kỳ diệu.
Sau gần một tiếng đồng hồ lãng đãng trên các dòng kênh và luồn sâu vào ruột rừng, chúng tôi dừng lại ở một lán trại để nghỉ ngơi và thưởng thức một bữa tiệc giữa rừng gồm toàn những món ăn mộc mạc, đậm chất vị quê nhà: cá lóc nướng trui cuốn lá sen non, ốc nấu tiêu… Sau buổi tiệc no nê, ai thích thư giãn cứ tha hồ nằm võng mà nghe tiếng quốc gọi bầy và gió rừng xào xạc để thả hồn về một chốn bình yên, mọi người như được hồi sinh và tỉnh táo.
Trà Sư có tiềm năng du lịch rất lớn, đặc biệt là du lịch sinh thái với các loại hình vui chơi giải trí, thám hiểm, dã ngoại. Với vẻ đẹp êm đềm và trầm mặc của thiên nhiên cũng đủ cho mỗi du khách tới đây nghe được tiếng vọng sâu lắng của núi rừng, hấp dẫn nhất là mùa nước nổi.
Các xuồng du lịch sẵn sàng đưa rước khách luồn sâu vào ruột rừng. (ảnh: PL)
Đường vào rừng tràm Trà Sư (ảnh: PL)
Khám phá rừng tràm Trà Sư (ảnh: PL)
Đường vào sân chim rừng tràm Trà Sư (ảnh: PL)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.