Không phải người vùng cao bê tha mà chẳng qua thiếu rượu thì họ không thể vượt qua được cái rét cắt da cắt thịt miền sơn cước.
Rượu ngô xã Bản Phố (Bắc Hà, Lào Cai) nổi tiếng có lẽ vì nó được nấu ở nơi lạnh gần như nhất miền núi phía bắc. Ngô hạt được luộc kỹ cho bung ra rồi tãi đều. Quả men được mài thành bột rồi rắc đều lên hai lượt. Sau 2, 3 ngày, ngô thơm mùi men và ấm lên, lúc này mới bỏ vào chum ủ thêm tuần nữa.
Cách nấu rượu của người Mông ở Bản Phố cũng đơn giản hơn nhiều so với xuôi. Cái chảo gang to được bắc trên bếp lò, tiếp theo đặt cái đõ bằng gỗ to như cái thùng và không có đáy. Ngô ủ kỹ đã ngấm men được cho vào cái đõ to ấy.
Bên trên đõ đặt một chảo gang đầy nước lạnh. Hơi rượu được đun bốc lên, gặp đáy chảo gang lạnh bên trên liền ngưng thành giọt rồi qua vòi mà chảy ra. Người Bản Phố mỗi tuần chợ lại nấu rượu bán phiên. Nhà nào nấu nhiều thì vài mẻ, ít thì một mẻ 60kg ngô được hơn 20 lít.
Bất cứ ai tới chơi chợ phiên Bắc Hà ắt hẳn đã từng nếm qua thứ rượu ngô có mùi men lá đặc trưng, sánh và cay tới tê cả lưỡi, nặng mà đằm chứ không sốc này. Thứ rượu tròn như vậy thì người sành rượu chẳng bao giờ quên được.
Rượu ngô Bản Phố bán tại chợ phiên Bắc Hà (Lào Cai).
Xã Bản Phố cách trung tâm huyện Bắc Hà khoảng 13km, hầu hết là người Mông và nhà nào cũng nấu rượu ngô nên bếp lò chẳng mấy khi tắt lửa.
Ông Lý Seo Tăng, cùng các con đang thử mẻ rượu mới cất.
Rượu ngô Bản Phố nặng và đằm, mới ra lò phải nặng tới 55 độ.
Men rượu được
làm từ hạt cây hồng my, tạo ra hương vị
thơm ngon nổi tiếng cho rượu Bản Phố.
Rượu để trong chum cả tháng vẫn giữ được 45 độ.
Chén rượu ngô Bản Phố bao đời nay vẫn ửng hồng khuôn mặt những người đàn ông vùng cao mỗi phiên chợ Bắc Hà.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.