Sai sót trong dồn điền đổi thửa ở Hà Nam: Nhiều trang trại bên bờ xóa sổ

Thứ tư, ngày 14/05/2014 06:21 AM (GMT+7)
Hàng chục trang trại đa canh ở xã Nhật Tân (Kim Bảng, Hà Nam) đang có nguy cơ bị xóa sổ, do sai sót trong việc dồn điền đổi thửa (DĐĐT). Nhiều hộ đã buộc phải bán vội lợn, cá, gà, vịt, phá dỡ chuồng trại do người dân đòi ruộng...
Bình luận 0
Phá nát trang trại

Ông Nguyễn Xuân Mạnh – Trưởng phòng NNPTNT huyện Kim Bảng cho biết, năm 2003 UBND tỉnh Hà Nam ra Nghị quyết 03/2003, cho phép các địa phương chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển trang trại đa canh. Theo đó, người dân được đào ao, làm nhà tạm để chăn nuôi trên diện tích chuyển đổi, với điều kiện trang trại phải rộng từ 0,5ha trở lên.

“Để giúp các hộ có đủ diện tích, chúng tôi đã vận động người dân tự đổi ruộng, thầu ruộng với nhau. Xã Nhật Tân dồn được khoảng 30ha, với hơn 20 hộ làm trang trại, trong đó có nhiều trang trại điểm của huyện, tỉnh, có thu nhập bình quân 500 – 600 triệu đồng/năm” – ông Mạnh nói.

Anh Lê Văn Mùi buộc phải bán lợn với giá rẻ để trả lại ruộng trước sức ép đòi ruộng của người dân.
Anh Lê Văn Mùi buộc phải bán lợn với giá rẻ để trả lại ruộng trước sức ép đòi ruộng của người dân.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Tình – Chủ tịch UBND xã Nhật Tân cũng khẳng định đây là một mô hình rất tốt, không chỉ giúp địa phương chuyển đổi, sử dụng hiệu quả diện tích đất lúa kém hiệu quả mà còn giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập khá. Tuy nhiên, những trang trại trên đang có nguy cơ bị xóa sổ do người dân đòi lại ruộng.

Gặp chúng tôi, anh Trần Thế Toàn - gương mặt điển hình tiên tiến cấp tỉnh nhiều năm liền buồn rầu nói: “Để có đủ diện tích lập trang trại theo quy định, tôi đã vận động 6 hộ tại xóm 10 dồn đổi với tổng diện tích 1,2 mẫu. Trang trại đang phát triển tốt thì năm 2013 địa phương thực hiện DĐĐT, bỗng các hộ này đòi lại diện tích cũ. Tôi đã nhiều lần thỏa thuận với 3 phương án “mua, đổi, thầu”, nhưng họ không nhất trí, khiến trang trại của tôi có nguy cơ phải tháo dỡ”.

Không riêng trường hợp anh Toàn mà toàn bộ hơn 20 trang trại ở khu chăn nuôi tập trung, đa canh này như anh Nguyễn Văn Thắng (xóm 7), anh Trần Thế Khoa (xóm 1), anh Nguyễn Như Tư (xóm 10)… đều rơi vào cảnh tương tự.

Trước sức ép của những người đòi trả ruộng, nhiều trang trại đã buộc phải bán vội lợn, gà, cá, vịt với giá rẻ chỉ bằng nửa giá thị trường, trong khi họ đang trả thầu với mức 280–300kg thóc/năm, cao hơn rất nhiều so với năng suất lúa của vùng này.

Như trường hợp nhà anh Trần Thế Khoa ở xóm 1, sau khi bị đòi ruộng, khi chưa kịp bán gà, vịt, cá thì ngày 20.3, anh Khoa đã bị 4 người dân đến phá tường rào, xây bịt cổng và đuổi đánh.

“Chưa hết, vào tối 26.3, khi tôi đang cho cá ăn thì lại bị một nhóm người phục kích đánh, may mà tôi chạy thoát. Tôi đã đầu tư cả tỷ đồng vào trang trại, nếu chính quyền không vào cuộc giải quyết thì chúng tôi phải chịu thiệt hại rất lớn” – anh Khoa phân trần.

Không thể thỏa thuận

Ông Tình cho biết, trong phương án hướng dẫn DĐĐT đầu tiên huyện ghi rất rõ: “Đối với vùng sản xuất đa canh, chăn nuôi tập trung (có quyết định của cấp có thẩm quyền) trước kia các hộ đã dồn đổi cho nhau thì giữ nguyên hiện trạng và giao cho chủ hiện tại và tính vào đất tiêu chuẩn của chủ hộ, phần thừa ra thì vận động anh em người thân nhận vào, hoặc tính vào phần đất ngân sách xã và cho khoán”.

Ông Phạm Anh Tuấn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nam cho biết: “Đây là một mô hình rất hiệu quả không chỉ ở Kim Bảng mà còn là mô hình điểm của tỉnh nên không thể để xóa sổ được. Chúng tôi đang đề nghị lãnh đạo huyện Kim Bảng sớm giải quyết, trên tinh thần tạo điều kiện cho các hộ tiếp tục phát triển kinh tế trang trại”.

Tuy nhiên, khi triển khai một số cán bộ của huyện đã “hiểu lầm”, dẫn đến hướng dẫn xã thực hiện sai.

“Từ phương án trên, họ đã cụ thể rằng: Đồng ý cho các hộ có đất tại khu chăn nuôi tập trung, đa canh được giữ lại, các hộ thuê, đổi đất làm trang trại với người dân thì tự thỏa thuận với nhau. Chính điều này đã dẫn đến việc người dân đòi lại ruộng mà không thể thỏa thuận được” – ông Tình nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, còn một nguyên nhân khiến người dân nhất quyết đòi lại ruộng là do trước đây công tác quản lý đất đai yếu kém, khiến nhiều hộ mặc dù không đủ diện tích (chỉ 2 – 3 sào) nhưng vẫn được đào ao và xây nhà trên diện tích chuyển đổi này như ông Nguyễn Như Tài, Nguyễn Như Cầu (xóm 10), Vũ Văn Bốn (xóm 15)…, dẫn đến nhiều hộ muốn đòi lại ruộng để làm ao, nhà nhằm tách hộ.

Anh Khoa cũng cho biết thêm: “Nhật Tân có gần trăm hộ sử dụng đất nông nghiệp sai, làm nhà trên đất nông nghiệp, nhưng mới có khoảng 30 hộ bị xử lý. Điều này đã tạo “tiền lệ” xấu, khiến các hộ muốn đòi lại ruộng”.

Việt Tùng (Việt Tùng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem