Lan truyền từ vị thuốc dân gian
Dân gian có lưu truyền câu chuyện về một ngôi làng gặp phải đại dịch. Người dân cứ mắc bệnh rồi chết dần mà không có loại thuốc nào chữa khỏi. Khi đó, một cô gái trong làng bỗng nhớ lại câu chuyện cha kể khi ông còn sống về một loại chim đặc biệt sống trên núi Trường Bạch. Loài chim này sống được trong thời tiết khắc nghiệt mà vẫn khỏe mạnh nhờ ăn rễ của một loài cây nhỏ, kỵ nước và sợ ánh sáng. Cô liền lên đường, tiến thẳng về phía dãy núi Trường Bạch.
Chim sâm cầm tại hồ Tây.
Vượt qua bao chặng đường gian truân, núi rừng hiểm trở trong tiết trời lạnh giá, cuối cùng cô cũng đã đến được nơi cần tới. Nhưng thân con gái yếu ớt, cô gần như kiệt sức và thiếp đi lúc nào không hay. Lúc tỉnh lại, cô bỗng thấy một con chim đang đào bới và ăn rễ của một cây cỏ gần đó. Lập tức cô cố dùng sức lực cuối cùng tới chỗ cây cỏ, bới rễ và ăn ngấu nghiến sau nhiều ngày chịu đói rét.
Một lúc sau, cô bỗng thấy người nhẹ nhõm và khỏe mạnh hẳn lên. Cô vui mừng nhận ra rằng hành trình tìm kiếm của mình đã có kết quả. Cô lấy rất nhiều rễ cây đó mang về làng cho người bệnh ốm yếu dùng. Nhờ vậy, cả làng cô đã khỏe mạnh trở lại và dịch bệnh cũng không còn. Cũng từ đó, cây cỏ nọ mang tên nhân sâm và loài chim kia được người dân gọi là sâm cầm.
Đến món ăn đại bổ dành cho vua chúa
Sâm cầm là loài chim di cư từ phương Bắc và sống thành đàn ở những nơi có nước. Đầu đông mỗi năm khi trời se lạnh, chúng lại bay qua nước ta, nhẩn nha đỗ lại hồ Tây để ăn giống sen quý nơi này, nên nhiều người thường gọi chúng với cái tên sâm cầm hồ Tây. Chính sự gắn bó đặc biệt đó đã khiến cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đưa hình ảnh gần gũi, đời thường đó vào tuyệt phẩm Nhớ mùa thu Hà Nội: “Hồ Tây chiều thu mặt nước vàng lay, bờ xa mời gọi. Màn sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời".
Sâm cầm đã xuất hiện trong khá nhiều tác phẩm thi ca từ xưa tới nay.
Sâm cầm còn được biết tới là đặc sản của đất Hà thành xưa. Do ăn nhân sâm quý trên dãy Trường Bạch nên đây được coi là món ăn đại bổ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngay cả phần lông, cặp chân, mật cho đến da thịt của loại chim này đều mang lại giá trị dinh dưỡng cao cho con người.
Do đó, tương truyền vua Tự Đức (1857), sức khỏe yếu, hiếm muộn liền yêu cầu người dân trong cả nước, đặc biệt là vùng Nghi Tàm (Tây Hồ) cống nạp 10 đôi chim sâm cầm, được tuyển chọn kỹ lưỡng, vào dịp Tết Nguyên đán mỗi năm. Từ đó, Sâm cầm còn được gọi với tên món ăn của vua chúa.
Sâm cầm là món ăn bổ dưỡng, sang trọng.
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, sâm cầm vẫn được biết đến là món ăn quý và bổ. Tuy nhiên, chúng thường xuất hiện trong những bữa tiệc lớn, dành cho người giàu có, sang trọng. Thịt của chúng mềm, đỏ tươi và chế biến rất cầu kỳ, có thể rán, hầm, quay, nướng quả hoặc kết hợp với một số vị thuốc quý như hạt sen, đương quy, kỷ tử…để tạo thành món ăn bổ dưỡng, thơm ngon.
Những món ăn từ sâm cầm còn có tác dụng tăng cường sinh lực, chống lão hóa.
Món ăn này đặc biệt thích hợp với những người lao động trí óc, quá sức hoặc bị thiếu máu, suy dinh dưỡng, phụ nữ mới sinh, người cao tuổi, thể tạng suy yếu. Thêm vào đó, thức ăn chế biến từ chim sâm cầm còn giúp nam giới tăng cường sinh lực, phụ nữ có thể kéo dài tuổi xuân, chống lão hóa và có làn da mịn màng, trẻ đẹp, vóc dáng thon gọn hơn.
Sơn Trà (News Zing)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.