Sân khấu thử nghiệm: Ai dám chơi đây?

Chủ nhật, ngày 29/03/2015 10:42 AM (GMT+7)
Cuối năm nay, Liên hoan sân khấu thử nghiệm toàn quốc sẽ diễn ra tại HN để chọn vở diễn tốt nhất tham gia Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế 2016. Như vậy sau 7 năm (kể từ năm 2008), sân khấu thử nghiệm mới lại được trình diễn một cách quy mô. NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu VN đã chia sẻ về vấn đề này.
Bình luận 0

Ông có thể cho công chúng biết sân khấu thử nghiệm thực chất là gì?

- Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần biết lịch sử sân khấu có từ thời Hy Lạp cổ đại, thậm chí là sớm hơn trong lễ Thần Rượu nho. Những hình thái sân khấu có cách đây vài ngàn năm như sân khấu cổ đại Hy Lạp, sân khấu Hy - La, sân khấu cổ đại Ấn Độ, Trung Quốc... và những kiệt tác của nhân loại như “Prômêtê bị xiềng”, “Êđip làm vua” (Sophocle), “Romeo và Juliet”, “Hămlet” (W.Shakespeare)… cho đến giờ vẫn không ai vượt qua được. 

Dĩ nhiên là “Thời thế tạo anh hùng” do sự xoay vần vũ trụ, con người giao hòa với thiên nhiên và sáng tạo nên những tác phẩm vĩ đại. Về sau có những kịch tác gia lừng danh khác như Molier, Chekhov và những nhà văn lớn như Maksim Gorki, Lev Tonstoi cũng để lại nhiều tác phẩm sân khấu lớn.

Là sản phẩm của con người, sân khấu thay đổi theo sự đi lên của cuộc sống.

Cách đây nhiều nhiều năm, đã xuất hiện“trường phái thể hiện”, đi tìm và vươn tới những động tác đẹp nhất như những trình thức để biểu đạt tình cảm, nó quan tâm tới hình thức hơn nội dung.

Nhưng sân khấu như phong vũ biểu của cuộc sống, và những nhà cải cách sân khấu như Konstantin Stanislavsky (Nga) và Arthur Miller (Mỹ) lại đi cùng chủ nghĩa hiện thực và hướng vào thế giới nội tâm của con người. Hệ thống sân khấu thể nghiệm tâm lý của Stanislavsky (Nga) từ đầu thế kỷ XX, “đặt” người diễn viên phải nhập thân - sống trong trạng thái tâm lý của nhân vật - khai thác, đẩy tình cảm con người đến tột đỉnh.

Cùng với các tên tuổi lớn như: B.Brếch, Pitơ Bruc... thì nước Nga còn có nhiều đạo diễn lừng danh như các nhà Cách tân sân khấu thế kỷ XX như: Tairốp, Liubimov, Tốpxtônôgov. Và sân khấu Nga đã đào tạo cho sân khấu chúng ta một đội ngũ sân khấu có tư duy và sáng tạo luôn... mới.

Ở VN thuật ngữ “thử nghiệm” trước đây chỉ dùng trong các hoạt động giao lưu quốc tế. Sân khấu nhỏ chính là tiền đề của sân khấu thử nghiệm.

Năm 2002, Hội Nghệ sĩ sân khấu VN đã tổ chức LH sân khấu thử nghiệm lần thứ nhất, năm 2006 lần thứ 2, năm 2008 lần thứ 3.

 Nhưng từ đó đến nay sao lại có sự đứt đoạn kéo dài vậy thưa ông? Phải chăng sân khấu ở ta không khuyến khích “thử nghiệm”?

- Vì có sự lẫn lộn về nhận thức, có một số ý kiến cho rằng không nên dùng chữ thử nghiệm vì sợ công chúng không hiểu. Thực ra, thử nghiệm là đi sâu tìm cái mới.

Như Chekhov nói “đừng mất công đi mở những cánh cửa mà đã có người mở trước”, còn các cụ ta nói dân dã hơn là hãy làm người “khai sơn phá thạch” chứ đừng “nhai lại”.

Cái khó của sân khấu thử nghiệm là nhiều khi không có người xem. Như những vở diễn của Chekhov, trừ vở “Cầu hôn” - vở hài kịch đến mức náo kịch dễ hiểu, cần sự phô trương, còn lại như kịch “Ba chị em”, “Cậu Vania”, “Chim hải âu”... có chiều sâu lại chưa có người xem. Tâm lý nhân vật và người xem tiếp nhận thế nào khi nghe 1 tiếng đàn đứt dây, 1 tiếng lá rơi, trong bối cảnh cuộc sống xô bồ và ồn ã như thế này?

Vậy thì sắp tới phải tổ chức LH sân khấu thử nghiệm, ông có lo lắng sẽ ít vở tham gia?

- Lo và cũng không lo. Không lo vì vẫn có những tác giả như Lê Duy Hạnh miệt mài với sân khấu thử nghiệm với những vở diễn như “Hoàng hậu của 2 vua” (Thái hậu Dương Văn Nga), “Độc thoại đêm” (Lý Chiêu Hoàng)…Nhiều đạo diễn, diễn viên tâm thế cũng sẵn sàng. 

Lo vì các lãnh đạo nhà hát nào sẽ tiếp nhận những tiêu chí của sân khấu thử nghiệm, “liều mình như chẳng có”, lao vào cuộc “đi tìm” sân khấu mới cả về hình thức lẫn nội dung. Và băn khoăn về diễn viên với yêu cầu về kỹ thuật, kỹ năng biểu diễn tinh thông, đồng bộ ở nhiều ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau (nhảy múa, chơi nhạc cụ, đánh võ…)

Và lo về khán giả nữa?

- Không, giờ tôi không lo, chỉ nên là có qui trình: Phải cho khán giả “biết” có sân khấu thử nghiệm, làm cho khán giả “hiểu” và từ đó khán giả sẽ tự cảm nhận: Thích hay không thích.

Xét đến cùng, Liên hoan là cuộc chơi nghề một cách nghiêm túc và khoa học vì Người làm và Người xem hôm nay; Ai dám chơi đây? Chơi thì phải dám đổi mới. Đổi mới phải đồng bộ từ nội dung, hình thức đến tư duy người xem, nhưng trước tiên phải từ người trong cuộc.

Vì sao sân khấu ngày nay không còn hấp dẫn nhiều khán giả? Ông đừng nói lý do là nhiều phương tiện, nhiều loại hình khác lấn át nhé!

- Trong nghệ thuật cũng như sân khấu, tính dự báo luôn phải đặt lên hàng đầu.

Cuộc sống thay đổi, nghệ thuật ở biệt khu “thượng tầng kiến trúc” cũng cần phải thay đổi, thậm chí nghệ thuật phải đi trước cuộc sống. Sân khấu ngày nay, ít vở diễn có tính dự báo, như GS-TS Đình Quang nói phần lớn vở diễn chỉ phản ánh hiện thực khách quan.

Với tôi, đã nói đến văn học nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng là phải nói đến sự sang trọng, sang trọng không phải chỉ ở hình thức. Sang trọng ở tầm nghĩ, cách phản ánh vấn đề theo quan điểm thẩm mỹ và triết học chính thống và đương nhiên cần cả sự sang trọng ở cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, và một đối tượng người xem tương tác. Kết cục tác phẩm phải làm con người tốt đẹp hơn, dù nó có phản ánh tột cùng cái ác, cái xấu xa, hoặc tham ô, tham nhũng, thoái hóa biến chất, đạo đức giả...

Con người lớn lên về nhận thức cùng sân khấu!

Trên nền tảng của những giá trị truyền thống đã có, chúng ta cần đi tìm và bổ sung cho sân khấu những giá trị mới, đương đại - sân khấu thử nghiệm… là quá trình sáng tạo đó.

(Theo Lao Động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem