Sản phẩm Việt Nam được doanh nghiệp nước ngoài mua về chế biến, dán nhãn hiệu khác rồi bán giá cao hơn hẳn

Vũ Quyền Thứ năm, ngày 29/06/2023 05:54 AM (GMT+7)
Để có thể xuất khẩu nông sản vào thị trường châu Âu và đạt giá trị cao, Việt Nam phải chú trọng tới sản phẩm sạch, ít độc hại, đồng thời áp dụng chế biến sâu.
Bình luận 0

Chiều 28/6, Diễn đàn Phát triển Nông nghiệp Việt Nam 2023 "Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp bền vững" đã diễn ra tại tỉnh Long An.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Paul-Antoine Croizé - Phó Chủ tịch Tiểu ban thực phẩm, nuôi trồng và thủy sản thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao thì trước hết cần phải áp dụng kỹ thuật, cùng với những giải pháp tiên tiến.

Việt Nam cần làm gì để nông sản xuất khẩu vào châu Âu và đạt giá trị cao? - Ảnh 1.

Diễn đàn Phát triển Nông nghiệp Việt Nam 2023 "Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp bền vững" được tổ chức tại Long An, chiều 28/6. Ảnh; V.Q

Ông Paul-Antoine Croizé cho biết, người dân châu Âu rất thích các sản phẩm của Việt Nam như cà phê, hạt điều, trái cây... Tuy nhiên, các nước châu Âu rất quan tâm đến việc đảm bảo sức khỏe cho người dùng. 

Do đó, để tận dụng những lợi thế hiện có, trước tiên Việt Nam phải chú trọng tới sản phẩm sạch, ít độc hại, ít hóa chất... để có thể sẵn sàng xuất khẩu vào thị trường châu Âu.

Việt Nam cần làm gì để nông sản xuất khẩu vào châu Âu và đạt giá trị cao? - Ảnh 2.

Ông Paul-Antoine Croizé (ngồi giữa). Ảnh: Vũ Quyền.

"Theo tôi được biết thì Bộ NNPTNT Việt Nam có hướng dẫn người dân và doanh nghiệp sử dụng hóa chất đối với các sản phẩm. Vì vậy, nếu Việt Nam tuân thủ nghiêm ngặt các khuyến cáo về sử dụng hoá chất trong nông nghiệp thì sẽ thành công, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn", ông Paul-Antoine Croizé nói.

Ông Paul-Antoine Croizé tin tưởng, nếu làm được điều này nhiều sản phẩm nông nghiệp và nguyên liệu thô của Việt Nam sẽ dễ dàng xuất khẩu vào thị trường châu Âu.

Đồng thời, Phó Chủ tịch Tiểu ban thực phẩm, nuôi trồng và thủy sản của EuroCham cũng chỉ ra rằng, để nâng cao giá trị các sản phẩm nông sản, doanh nghiệp Việt Nam cần áp dụng các biện pháp chế biến sâu hơn.

Ông Paul-Antoine Croizé cho hay, có đến 80% sản phẩm ông biết là của Việt Nam nhưng lại do công ty khác mua về chế biến. Sản phẩm của Việt Nam nhưng sau khi một công ty khác họ mua về chế biến sâu hơn, xử lý sâu hơn và làm lại thương hiệu, nhãn hiệu thì người tiêu dùng không hề biết đó là sản phẩm được mua từ Việt Nam. Những sản phẩm đó lại bán giá cao tại thị trường châu Âu.

"Để hàng hóa Việt Nam có thể sang thị trường châu Âu hiệu quả và đạt chất lượng cao thì Việt Nam phải chú trọng tới sản phẩm sạch, ít hóa chất, đầu tư cho chế biến sâu để dễ cạnh tranh hơn. Tôi tin Việt Nam có thể làm được điều này", ông Paul-Antoine Croize nhấn mạnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem