Sắp đến 8/3, chị em bắt đầu xôn xao hỏi nhau về chuyện chồng
hay bạn trai sẽ tặng quà gì, sẽ có những trò nịnh đầm như thế nào… Tâm lý chung
là hồi hộp và chờ đợi. Thế nhưng với không ít phụ nữ, niềm vui ngày 8/3 của họ
không phụ thuộc vào sự chu đáo của đàn ông.
Ngày của phụ nữ, chị em được quyền cầm trịch
Còn mấy ngày nữa là đến 8/3, buổi sáng trước khi chào nhau để
ai đến cơ quan người nấy, Quỳnh Hoa (28 tuổi, nhân viên văn phòng), bảo chồng:
“Anh! Thứ 7 này là ngày 8/3, anh nhớ không?”. Chồng cô trong lòng kêu khổ, thầm
nghĩ đúng là đàn bà, chờ mấy ngày cũng chờ không nổi, hỏi trước thế này thì còn
gì là kế hoạch bất ngờ. Nhưng đã bị hỏi, anh cũng đành bảo là nhớ, và sắp sửa
miễn cưỡng khai ra ý định sẽ tổ chức thế nọ thế kia cho vợ thì Hoa đã cất lời với
vẻ vừa hớn hở vừa trịnh trọng: “Hôm đấy anh dẹp hết công việc lại nhé. Em mời
anh đi ăn đồ Nhật”.
Anh chồng mắt trợn tròn, mồm há hốc, nhớ ra một lát mới hỏi:
“Sao lại ngược đời thế? Ngày phụ nữ thì phải để đàn ông mời chứ?”. Cô vợ tỉnh
queo: “Em hỏi anh, mùng 8 tháng 3 có phải là ngày của phụ nữ không? Ngày của
em, em làm những gì em thích. Em thích đi ăn nhà hàng với anh, thì em mời”.
“Nhưng anh cũng định mời em đi ăn mà, để anh mời có phải lãng mạn, đúng kiểu hơn
không?”, anh chồng vẫn ngơ ngác. “Ai mà biết anh có mời hay không, biết đâu anh
chỉ tặng mỗi cái nhẫn kim cương thì sao”, Hoa nhăn mũi trêu chồng. “Với cả ngày
phụ nữ, đàn ông mời thì cũ quá, phụ nữ phải làm chủ, phải cầm trịch chứ. Tóm lại
em mời anh, anh có nhận lời hay không?”.
Ảnh minh họa
Chồng Hoa gật lia lịa: “Có có. Nhận lời. Nhận lời”. Thế là,
trong khi các bạn gái còn đoán già đoán non, có phần lo lắng không biết chàng sẽ
đối xử với mình thế nào trong ngày 8/3, liệu có “tử tế” hay không, hay lại lờ tịt
hoặc quên béng mất, hoặc chỉ qua loa đại khái gọi là có, thì Hoa đã nắm chắc
ngày vui của mình.
Nhưng bài viết cùng chuyên đề:
|
Không biết có phải ý tưởng lớn gặp nhau không, khi Hoa tâm sự
chuyện này với Duyên, một người bạn gái lớn hơn cô 12 tuổi, Duyên kêu lên: “Ồ
thế hả? Nhà chị cũng vậy đấy”. Duyên làm việc ở một nhà xuất bản, lấy chồng
cùng tuổi, có hai đứa con trai đều đang học cấp hai. Thường thì những ngày như
8/3, 20/10, mẹ - kẻ xinh gái nhất nhà – trở thành trung tâm cho mấy bố con xoay
quanh nịnh đầm, nào tặng quà nào chúc tụng nào rước ra nhà hàng ăn đồ Tây theo
sở thích của chị.
Nhưng năm nay, bố con chưa kịp động tĩnh gì, chị Duyên đã
thông báo: “Cuối tuần là 8/3, mẹ mở tiệc mời mấy bố con. Ai thích ăn gì thì
đăng ký nhé”. Ông xã ngạc nhiên, trêu: “Ngày đấy em là nữ hoàng, sao phải lụi cụi
nấu nướng?”. Duyên bảo: “Nữ hoàng mở tiệc mời thần dân, không đúng à?”. Cả nhà
vỗ tay nhiệt liệt. Thằng con lớn tuyên bố sẽ nhặt rau giúp mẹ, thằng lớn nói sẽ
vẽ tặng mẹ một bức tranh. Bố thì bảo bà đưa chân giò ông thò chai rượu, mẹ mở
tiệc thì bố tặng rượu vang cho nó thêm phần lãng mạn và long trọng, và dĩ nhiên
không thể thiếu hoa – quà chung của ba bố con. Cũng như Hoa, chị Duyên không cần
tưởng tượng cũng biết ngày 8/3 của mình sẽ vui như thế nào. “Tội gì phải dài cổ
mà đợi chứ?”, hai chị em tâm đắc nói.
Chị em đang tự hạ thấp mình trong ngày 8/3?
Không ít người quen của Hoa và chị Duyên khi nghe kể về kế
hoạch 8/3 của họ đã cho rằng họ lập dị, hoặc “làm hàng”, biết là hết thời long
lanh rồi, chồng không thèm xun xoe nịnh nọt như với gái trẻ nữa nên bày trò như
vậy cho khỏi hụt hẫng nếu chẳng may “không có gì”, coi như một cách tự sướng.
“Cứ cho là thế, thì tự sướng chả hơn là khổ sở, khắc khoải
chờ đợi rồi thất vọng, than thở, oán trách chồng sao?”, chị Duyên nói. “Tôi thấy
tội nghiệp cho những chị em khoe trên Facebook rằng là hú hồn, cuối cùng thì
hóa ra chồng cũng nhớ tặng quà. Cô nào được nhiều anh tặng hoa và quà thì tự
hào nghĩ mình thật đáng kiêu hãnh, cô nào quan hệ không rộng, ít có quà thì mặc
cảm tự ti. Đã là giờ nào rồi mà chị em còn trao vào tay đàn ông cái quyền định
giá mình như vậy? Chồng bạn quên béng mất ngày 8/3 là do anh ta vô tâm chứ đâu
phải tại bạn không phải là người phụ nữ đáng giá? Ngược lại, những cô nhận được
nhiều hoa chắc gì đã hạnh phúc và được yêu nhiều bằng bạn?”.
Quả thật, phấp phỏng đợi quà của chồng, bạn trai hay những
người đàn ông gần gũi đang là tâm lý chung của nhiều chị em. Hằng, 31 tuổi,
nhân viên kế toán, tâm sự: “Không biết 8/3 năm nay ông xã có nhớ mà tặng mình
cái gì không. Những năm trước, lão toàn im tịt, mình bóng gió xa gần cũng chẳng
ỉ ôi gì, đến tối mùng 8 cũng có bông hồng hoặc bộ đồ lót. Biết là lão ấy thích
bất ngờ nhưng vẫn đứng tim quá”.
Còn Vân Anh, cô sinh viên năm thứ tư, sống ở ký túc xá, thì
cho biết: “Hơn chục đứa con gái sống trong phòng với nhau, đến ngày đó đứa nào
không được bạn trai tặng gì thì mất mặt lắm. Có đứa chỉ vì người yêu quên mất,
khiến nó nhục nhã với bạn bè quá mà đòi chia tay đấy”.
Cũng là sinh viên, nhưng Hải My, 20 tuổi, lại cho rằng, cái
cách mà đa số phụ nữ Việt đang đón nhận ngày 8/3 có vẻ như đang hạ thấp vị trí giá
trị của phụ nữ. “Chị em đang đòi bình đẳng, nhưng trong chuyện này chính họ đã
từ bỏ quyền bình đẳng của mình. Ngày 8/3 là ngày phụ nữ vùng lên, chứng tỏ sức
mạnh, giá trị và sự độc lập của bản thân trước nam giới, độc lập cả về vật chất
lẫn tinh thần. Thế nhưng cái tâm lý chờ đợi rất thụ động đó, để cho niềm vui của
mình lệ thuộc vào lòng tốt, mức độ tử tế, chu đáo của đàn ông đó, đã khiến cho
chị em trở nên tội nghiệp”.
Hải My cho biết, cô thường không có nhiều hoa hay quà tặng
trong ngày 8/3, nhưng không vì thế mà nghĩ mình kém hấp dẫn: “Không nên nhìn
vào những biểu hiện phù phiếm bề ngoài như vậy. Năm nay, tôi vừa chia tay bạn
trai nên chắc chẳng có quà, nhưng có sao. Con cháu bà Trưng bà Triệu, chẳng lẽ
không đủ mạnh mẽ để tự mình tạo ra niềm vui?”.
Tại sao không thử “vứt” chồng đi để sống?
"Vứt" chồng - Là vứt bỏ nỗi ám ảnh của "phụ thuộc" và "ràng buộc",
đôi khi chỉ là 30 phút mỗi ngày của từng năm..., là để tự được tận hưởng
đúng nghĩa cuộc sống của mình, để được thỏa mãn những đam mê của bản
thân... để rồi sau 30 phút ấy, vun đắp, dựng xây một tổ ấm ngọt ngào với
năng lượng sống mới.
"Vứt" chồng - Là sự tự chủ và chẳng "tôn thờ" người đàn ông ấy như
chỗ dựa dẫm, bấu víu, mà hãy khiến mình tự trở thành một bờ vai mềm mại,
nhưng vững chắc bên cạnh người bạn đời.
Và "vứt" chồng đôi khi phải là dám buông bỏ, dám chia tay để tìm tới
cuộc sống đúng nghĩa; Là dám bắt đầu lại, đủ can đảm và sức mạnh để đứng
lên từ nỗi đau, mất mát để tìm cho mình một hạnh phúc mới. Hãy
gửi những suy nghĩ, hãy bày tỏ quan điểm hay chỉ đơn giản là cùng kể lại câu chuyện đời mình để được sẻ chia... ... Bài cộng tác của bạn đọc với chuyên đề “Vứt chồng đi để sống” xin được gửi về địa chỉ mail loisongsuckhoe@gmail.com. Những bài
viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy định.
|
Khám Phá (Theo Khám Phá)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.