Từ
những đêm giao thừa xa xứ…Cái Tết đầu tiên
xa quê nhà, đọc vài dòng thư viết tay của anh của chị mà nước mắt lưng tròng.
Cầm gói quà với
vài hạt dưa, cái phong bao lì xì và cánh thiệp xuân của cô bạn thân gửi sang,
tưởng cây cỏ xung quanh là mai đào đang lung linh trong nắng lạ xứ người.
Ảnh minh họa.
Làm gì thì làm,
học gì thì học, anh em lưu học sinh năm nào Tết đến cũng phải dành ra vài ngày
hội hè. Cũng bánh chưng xanh, cũng câu đối đỏ, cũng áo dài khăn đóng, cũng à ơi
những làn điệu quê nhà.
“Đêm giao thừa
nghe một khúc dân ca”, chao ôi sao mà nhớ mà thương. Nhớ ai? Thương ai? cái tết, với hương của trời với hoa của đất, với mâm cơm gia đình, với em thơ khoe
áo mới, với đồng nội thoảng gió heo may… Tất cả, dù giản dị đơn sơ, đã trở
thành tình tự dân tộc chảy mãi trong dòng đời vần xoay miên viễn.
“Đêm giao thừa nghe một khúc dân ca”, chao ôi sao mà nhớ mà thương. Nhớ ai? Thương ai? cái tết với hương của trời, với hoa của đất, với mâm cơm gia đình… Tất cả, dù giản dị đơn sơ, đã trở thành tình tự dân tộc chảy mãi trong dòng đời vần xoay miên viễn.
|
Ấy
thế mà ngày càng có nhiều người bàn chuyện bỏ Tết Ta, ăn Tết Tây… Rằng phải thoát
khỏi ảnh hưởng Trung Hoa; rằng phải tiết kiệm; rằng phải văn minh; rằng phải
hội nhập… phải ăn Tết từ Noel đến Tết Tây cho nó... giống Nhật.v.v..
Sống giữa thế
giới đại đồng ngày nay thì có nhiều thứ loài người phải thống nhất dùng chung,
không thì khó làm ăn với nhau được, tiêu biểu nhất là lịch. Nhưng bảo rằng
Dương lịch và Âm lịch cái nào hay hơn thì cũng khó trả lời.
Có bao giờ ta tự
hỏi sao Âm lịch cứ đến ngày rằm là trăng tròn trĩnh trên đỉnh đầu còn tới giao
thừa là … tối như đêm ba mươi? Cái độc đáo của người Việt là sống hài hòa giữa
hai nhịp thời gian, Âm và Dương, không mâu thuẫn, không câu nệ, hài hòa như đất
với trời, như chính triết lý sống ngàn đời của ông cha.
Khi ăn Tết cổ
truyền dân tộc, chẳng người con dân đất Việt nào nghĩ mình đang ăn Tết của
người Trung Hoa. Đó là chưa nói Trung Hoa nó có cái bản sắc của Trung Hoa, Việt
có cái bản sắc của Việt. Ví như Hoa ăn Tết con bò, ta ăn Tết con trâu, Hoa ăn Tết
con thỏ, ta ăn Tết con mèo. Rằng tương đồng thì tương đồng thật, như kiểu láng
giềng gần thì có những phong tục giống nhau, nhưng cái hồn bên trong thì đã khác
nhiều lắm, bởi tiếng nói, bởi lời ca, bởi làn khói hương nhẹ nhàng gửi tâm sự
của cháu con cho tổ tiên nguồn cội.
“Tết nhất”, mà
khởi nguồn là “tiết nhất”, hay “Nguyên đán” - buổi sáng đầu tiên, tức nói đến
cái đổi thay đầu tiên của đất trời. Gió mới, nắng mới, đúng theo cách nói “Tết
đến xuân về”, do đó mà cây cối đâm chồi nảy lộc. Mùa màng cũng theo đó mà có
chạp, có giêng hai để biết phải vun xới ra sao, trồng trọt ra sao.
Lịch của nền
văn minh lúa nước chú ý đến sự hài hòa giữa những đổi thay của tiết trời. Tết
Nguyên đán mang ý nghĩa đó. Ngày nay, ta có thể bắt hoa nở lúc nào thì nở, cây
đâm chồi lúc nào thì đâm, rồi có người nhân đó mà muốn thay luôn cái “Tết nhất”
theo cách của ông bà!
Về phương diện
kinh tế, có người bảo ăn Tết là lãng phí, là kìm hãm sự phát triển. Thôi thì
đồng ý nôm na theo cách nghĩ bình dân, không vĩ mô vi mô gì cả: ăn Tết Ta là
lãng phí. Nhưng liệu chuyển Tết này qua Tết nọ thì có tránh được phải mua này
sắm kia? Đó là chưa kể Tết Ta xưa nay là một cơ hội kích cầu lớn lao cho sản
xuất hàng hóa và dịch vụ. Hơn nữa, cần có bánh nhưng cũng cần có hoa hồng, cứ
lợi nhuận mãi, tăng trưởng mãi, rồi loài người như những chiếc máy kiếm tiền
chăng?
Gần ba mươi năm
đổi mới, lại cùng nhịp với sự đổi thay chưa từng có về công nghệ của xã hội
loài người, thế giới bỗng nhiên trở nên nhỏ xíu và từng góc cạnh của nó hiện
lên rõ mồn một trước mắt mỗi người khiến người ta muốn sắp đặt lại nó theo một
trật tự mới, thay cái này, đổi cái kia, dễ dàng như một cái nhấp chuột.
Vài ông
Tây tới làm ăn nhăn mày nheo mắt là đã tính tới chuyện bỏ truyền thống của ông
cha; vài chuyến xe đò khó nhọc đưa những người con từ thành thị về quê ăn Tết
là đã bàn chuyện bỏ đất lề quê thói. Đừng dại dột! Nhập gia thì tùy tục! Yếu
kém thì phải nâng cấp! Nhân viên lơ là thì siết chặt quản lý! Sao không tính
chuyện làm sao quảng bá để Tây đến đây hòa nhập với Ta, ăn Tết với Ta, đem lại
nguồn lợi cho Ta?
Liên quan đến đề xuất gộp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, quan điểm của bạn là:
|
Không vì chiếc giày chật mà phải gọt bỏ gót chân để đi đứng
cho vừa. Tết Việt cùng với những gì liên quan đến Âm lịch là một tài sản về sự
đa dạng văn hóa của nhân loại mà không ai có quyền hủy hoại. Buồn thay,
có những người Việt đang muốn như thế. Cái nhìn thô thiển của lý tính mới ghê
gớm làm sao!
Một ngàn năm
sau, dù có ra sao, ta vẫn hít thở không khí Việt. Làn gió phương Tây đã hơn một lần thổi đến, cơn bão toàn
cầu đang làm rung cành rụng lá muôn phương. Nhưng hãy tin đi, một ngàn năm sau,
cứ Tết đến xuân về là mai đào lại nở trên quê hương Việt Nam!
Nhớ những đêm giao
thừa xa xứ, lòng không đủ lớn để nghĩ ngợi đến Tây đến Tàu, để so đo chuyện
thiệt chuyện hơn, chỉ ước ao như trẻ thơ được trở về nằm thả mình trên đồng cỏ
quê hương để nghe tình tự dân tộc vút lên ngút ngàn từ bao la đất mẹ.
Còn bây giờ,
lòng đang rộn ràng chờ đón Xuân sang…
Để rộng đường cùng bạn đọc sẻ
chia ý kiến và quan điểm trước đề xuất Liệu có nên gộp chung Tết dương
lịch và Âm lịch vào làm một, Dân Việt xin mở Diễn đàn: "Có nên gộp chung Tết Dương lịch và Tết Âm lịch". Mọi đóng góp và ý kiến sẻ chia xin gửi vào hòm thư baodanviet@gmail.com Bài viết của bạn đọc sẽ hưởng nhuận bút theo quy định.
|
Trần Phước Lĩnh ( TP. Hồ Chí Minh) (Trần Phước Lĩnh ( TP. Hồ Chí Minh))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.