Khó khăn lớn nhất hiện nay là giải quyết cán bộ dôi dư
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, bên cạnh sắp xếp các đơn vị hành chính không đủ 50% tiêu chuẩn về diện tích, dân số theo quy định, một số tỉnh còn khuyến khích sắp xếp thêm. Cụ thể, Hoà Bình sắp xếp thêm 24 xã, Thanh Hoá, Hà Tĩnh thêm 10 xã, nhiều địa phương sắp xếp 3 xã thành một như Hà Tĩnh, Thái Bình
Theo đề án đang được các tỉnh xây dựng, Cao Bằng sẽ giảm được 2/13 huyện, 4/199 xã; Hòa Bình giảm 1 huyện, 59 xã; Hà Tĩnh giảm 47 xã; Thanh Hóa giảm 76 xã.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân. (Ảnh: Quochoi)
Về việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, Bộ trưởng Nội vụ cho hay, đến nay, có 4 tỉnh là Bạc Liêu, Bắc Ninh, Hà Giang, Lào Cai giảm 5 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh; 15 tỉnh thí điểm sắp xếp cơ quan chuyên môn cấp huyện, đã giảm 185 phòng chuyên môn.
Tuy nhiên, theo phản ánh của các địa phương, khó khăn lớn nhất hiện nay là giải quyết cán bộ dôi dư. “Cả Nghị quyết 653 và Nghị quyết 32 đều đã đưa ra một số giải pháp sắp xếp cán bộ, nhưng những giải pháp này chưa thực sự hấp dẫn. Thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các cơ quan thuộc Chính phủ ban hành một số chính sách theo nhu cầu thực tiễn của địa phương”, ông Tân nói.
Bộ trưởng Nội vụ thông tin, thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, xây dựng biện pháp cụ thể nhằm giúp các địa phương sắp xếp số lượng lớn cán bộ dôi dư, nhất là cán bộ lãnh đạo.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị Ban Tổ chức Trung ương, các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội, Mặt trận Tổ quốc hướng dẫn sắp xếp đơn vị tương ứng.
Đối với việc sắp xếp cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện, Bộ trưởng Nội Vụ cũng cho biết: Nguyên tắc là sau sắp xếp số cơ quan không nhiều hơn hiện có và chia theo nhóm cơ quan thống nhất chung, cơ quan sắp xếp cho phù hợp, cơ quan thực hiện thí điểm và nhóm đặc thù. Khung biên chế tối thiểu và số lượng cấp phó tối đa giao HĐND tỉnh quyết định.
"Lần này đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho địa phương. Đây là vấn đề mới, phức tạp nên Chính phủ đã có nhiều cuộc họp. Để tạo sự đồng thuận giữa bộ, ngành trung ương, Chính phủ sẽ thảo luận và cho ý kiến việc sắp xếp đơn vị cơ quan chuyên môn thuộc cấp tỉnh, huyện tại cuộc họp thường kỳ chiều 31/5", ông Tân nói.
Sáp nhập sát Đại hội Đảng ảnh hưởng đến nhân sự
Trước thông tin sáp nhập huyện, xã, sở ngành, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ lo lắng: nếu không giải quyết kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người dân, dễ tạo bức xúc và ảnh hưởng đến công tác nhân sự Đại hội Đảng sắp tới.
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ - Cao Đình Thưởng cho rằng, chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã là đúng, hợp lý và cần thiết nhằm giảm đầu mối, tinh giảm biên chế kể cả chuyên trách và không chuyên trách.
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ Cao Đình Thưởng. (Ảnh: Quochoi)
Tuy nhiên, ông Thưởng bày tỏ vướng mắc: Đến nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể của Chính phủ trong khi còn nhiều vấn đề nảy sinh như việc kiện toàn các tổ chức trong hệ thống chính trị. Nhất là vấn đề sắp xếp lại cán bộ trong đội ngũ công chức và cán bộ không chuyên trách của tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ, các hội đoàn thể, việc xử lý cán bộ dôi dư và chế độ chính sách đối với họ.
Ngoài ra, ông Thưởng cũng lưu ý, việc này còn liên quan đến quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, giấy tờ công dân và các nguồn lực khác để giải quyết các vấn đề phát sinh khi sáp nhập, nhất là nguồn lực tài chính và giải quyết chính sách đối với cán bộ.
“Đặc biệt, cần có giải pháp cụ thể để xử lý mối quan hệ sau sáp nhập khi các đơn vị được sáp nhập có những điều khác biệt. Tôi lấy ví dụ như trong đó có 1 xã nông thôn mới, 1 xã trung bình, 1 xã đang hưởng chính sách 135 thì thực hiện chế độ chính sách như thế nào đối với đội ngũ cán bộ và người dân nơi đây”, ông Thưởng đặt vấn đề.
Theo ông, điều này đang rất cần phải có văn bản hướng dẫn và quy định thống nhất cho các địa phương trong cả nước. “Nếu không giải quyết kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người dân, dễ tạo bức xúc, thậm chí thành điểm nóng”, ĐB Thưởng cảnh báo.
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Phú Thọ đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể giải quyết những vướng mắc này. Mặt khác cần có văn bản hướng dẫn việc sắp xếp các sở, ngành, phòng, ban ở cấp tỉnh, cấp huyện để các địa phương sớm thực hiện.
“Trước mắt, đảm bảo nhân sự cho Đại hội Đảng và bầu đại biểu HĐND các cấp sắp diễn ra trong năm 2020 - 2021”, ông Thưởng nói.
ĐBQH Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh).
Cũng bày tỏ lo lắng về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã lại triển khai đúng trước thềm đại hội Đảng và bầu cử QH và HĐND các cấp, ĐBQH Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) đề nghị Chính phủ, QH, Bộ Nội vụ và các cơ quan cần kịp thời ban hành các quy định hướng dẫn cụ thể để tạo hành lang pháp lý và cơ chế để các địa phương thuận lợi cho việc triển khai thực hiện sao cho việc sắp xếp lại phải căn bản, cách làm phù hợp.
“Đặc biệt nhiều nơi có điều kiện thuận lợi làm trước và phù hợp với quy hoạch tổng thể, yêu cầu phát triển, đảm bảo ổn định chính trị xã hội. Chúng tôi cũng nghĩ rằng, ngoài các chỉ tiêu cần đặc biệt quan tâm các tiêu chí phù hợp với phong tục tập quán và điều kiện địa lý của cộng đồng”, ông Sơn nói.
Bên cạnh đó, Phó trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh cho biết, hiện nay Hà Tĩnh đã sáp nhập hàng nghìn thôn, xóm và giảm được hàng ngàn cán bộ, tiết kiệm cho ngân sách một năm trên 40 tỷ đồng. Còn việc thực hiện sáp nhập huyện, xã theo ông, “thực sự trong giai đoạn này cũng có áp lực”.
Thiếu văn bản quy phạm pháp luật
Đánh giá cao sự quyết liệt của Chính phủ trong cải cách hành chính, từ đó đã thu được nhiều kết quả quan trọng, ĐBQH Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) cho rằng, trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính cũng nảy sinh một số khó khăn, bất cập, vì đây là vấn đề lớn, vừa khó, vừa phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến quyền lợi, tâm tư, tình cảm của cán bộ công chức, viên chức, người lao động và nhân dân.
Một trong những khó khăn là thiếu văn bản quy phạm pháp luật làm căn cứ pháp lý cho việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, thiếu cơ chế chính sách đối với cán bộ bị tác động do sắp xếp.
ĐBQH Phạm Xuân Thăng (Hải Dương).
Theo ông, trong Nghị quyết 56 của Quốc hội xác định trách nhiệm và lộ trình cụ thể khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cần hoàn thành trong năm 2018, nhưng đến nay một số văn bản chưa được ban hành.
Ông Thăng đề nghị Chính phủ, QH đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này. Đặc biệt, cần tạo sự thống nhất cao về nhận thức và cách làm trong quá trình thực hiện Nghị quyết 56 của QH đó là “sáp nhập đơn vị hành chính, hợp nhất, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế không đơn giản là giảm đầu mối hành chính” hay “giảm số lượng cán bộ lãnh đạo, quan trọng hơn là kiện toàn tổ chức, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, đổi mới phương thức lãnh đạo, phân cấp mạnh hơn, nâng cao trách nhiệm kỷ cương công vụ, trình độ cán bộ để nâng cao hiệu quả hoạt động”.
Theo nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019-2021, đơn vị thuộc diện sắp xếp gồm các huyện, xã có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn; khuyến khích việc sắp xếp các đơn vị hành chính còn lại để giảm số lượng.
Tiêu chuẩn của huyện miền núi, vùng cao là dân số 80.000 người và diện tích 850 km2 trở lên; huyện đồng bằng từ 450 km2; quận từ 35 km2 với dân số ít nhất 150.000 người. Còn quy mô dân số của xã là 5.000 người đến 8.000 người trở lên, diện tích từ 30 km2.
Hiện có khoảng 16 quận, huyện và 631 xã, phường, thị trấn có cả hai yếu tố diện tích và dân số chưa đạt 50% so với tiêu chuẩn.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.