Sau học nghề, có việc làm ổn định, thu nhập “trong mơ”

Cửu Long - Mạnh Hùng Thứ năm, ngày 12/12/2019 19:05 PM (GMT+7)
Để tiếp tục thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) trong 2 năm cuối (2019-2020), thành phố phấn đấu thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 0,7%/năm và giảm tỷ lệ hộ cận nghèo bình quân 0,9%/năm. Đến cuối năm 2020, hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn thành phố giai đoạn 2019-2020 và thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng 3,5 lần so với năm 2011.
Bình luận 0

Một trong những giải pháp được thành phố đặt ra là gắn công tác giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), trong đó chú trọng công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người nghèo và lao động nông thôn. Theo báo cáo của UBND TP.HCM, sau 10 năm thực hiện tiêu chí lao động nông thôn trong chương trình xây dựng NTM, TP.HCM đã có con số tỷ lệ người lao động qua đào tạo có việc làm đáng mơ ước: hơn 90%.

Tạo công ăn, việc làm cho hàng chục ngàn lao động

Tại huyện Cần Giờ, nếu như khi bắt đầu làm NTM (năm 2010), huyện chỉ có 20,3% lao động trên địa bàn qua đào tạo có việc làm, thì hiện nay, tỷ lệ này đã đạt 96%.

Huyện ủy và UBND huyện Cần Giờ xác định nhiệm vụ giảm nghèo với 2 giai đoạn: Giảm nghèo tăng hộ khá và giảm nghèo bền vững gắn với công tác đào tạo, giải quyết việc làm và xây dựng NTM. Theo đó, huyện đẩy nhanh tuyên truyền, phổ biến về chế độ, chính sách học nghề, thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động của các đơn vị trong và ngoài huyện. Riêng trong giai đoạn 2016 - 2018, huyện đã giải quyết việc làm cho 17.252 lao động, lao động tham gia làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có 17 lao động/năm.

Ông Lê Minh Dũng - Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, đến nay tỷ lệ lao động qua đào tạo có việc làm trên địa bàn huyện đạt 96,4% (34.923 lao động có việc làm/36.218 lao động trong độ tuổi), riêng tại 6 xã đạt hơn 96% (28.356/29.495).

img

Mô hình trồng rau công nghệ cao của nông dân huyện Hóc Môn. Ảnh: T.L

Trong khi đó, tại huyện Củ Chi, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Hoài Phú thông tin, giai đoạn 2016 - 2018, huyện đã thực hiện giải quyết việc làm cho 34.137 lao động, nâng tổng số lao động nông thôn có việc làm trên toàn huyện lên 179.844/181.866. “Thời điểm bắt đầu thực hiện Chương trình xây dựng NTM (năm 2011), huyện có 7 xã đạt tiêu chí lao động có việc làm. Kết thúc giai đoạn 1 (năm 2011 - 2015) huyện có 20 xã đạt tiêu chí lao động có việc làm. Theo bộ tiêu chí về NTM theo đặc thù vùng nông thôn TP.HCM (giai đoạn 2016 - 2020), hiện nay huyện có 20 xã đạt tiêu chí lao động có việc làm” - ông Phú cho biết.

Theo bà Lê Ngọc Sương - Chủ tịch UBND xã Thái Mỹ (Củ Chi), thời điểm bắt đầu thực hiện Chương trình NTM, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn xã đạt 60%. Hiện dân số có khả năng tham gia lao động trên địa bàn xã là 7.479 người, trong đó lao động đã qua đào tạo, có việc làm là 6.829 người.

Ông Trần Tử Bình (xã Long Thới, huyện Nhà Bè) - nông dân đang trồng 800m2 hoa lan cắt cành cho biết, ông được Trung tâm Khuyến nông TP.HCM chuyển giao kỹ thuật và cây giống nhằm thực hiện xây dựng mô hình sản xuất hoa lan cắt cành. Sau hơn một năm đưa vào trồng các giống lan như mokara, dendro, vũ nữ, cattleya… đã cho thấy những tín hiệu kinh tế khá tích cực. Hiện ông Bình có lãi hơn 200 triệu đồng/năm – con số mà trước đây, “trong mơ ông cũng không dám nghĩ tới”.

Đồng bộ nhiều chính sách, chương trình

Theo Ban chỉ đạo của Thành ủy TP.HCM về Chương trình xây dựng NTM, từ năm 2010 đến nay, tổng số lao động có việc làm thường xuyên tại 5 huyện là 1.790.520 lao động, chiếm tỷ lệ 95,4% so với tổng số lao động trong độ tuổi lao động (1.790.520/1.876.259).

Trong giai đoạn 2010-2015, tổng số lao động có việc làm thường xuyên tại 5 huyện của TP.HCM là hơn 931.000 (trong tổng số lao động trong độ tuổi lao động là 994.754). Giai đoạn 2016 - 2019, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên trên lực lượng lao động tại các xã xây dựng NTM đạt 97,5%. Đến nay, 56/56 xã xây dựng NTM đều hoàn thành đạt tiêu chí từ 95% trở lên.

Ông Thái Quốc Dân - Phó Chánh văn phòng điều phối NTM thành phố đánh giá, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố và các sở, ngành trong công tác triển khai chương trình, đề án, kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Các hội đoàn thể đã tích cực triển khai công tác tuyên truyền, vận động người lao động, đoàn viên, hội viên tham gia học nghề, giới thiệu việc làm sau học nghề cho người lao động. Đồng thời, thông tin rộng rãi các cơ chế chính sách của thành phố và T.Ư, hỗ trợ pháp lý nhằm giúp người lao động tiếp cận được các chính sách xã hội, vốn vay để mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập. Ngoài ra, Trung tâm dịch vụ việc làm thành phố cũng tổ chức thành công sàn giao dịch việc làm nhằm kết nối cung cầu lao động. Qua đó, người lao động đã tìm kiếm được việc làm phù hợp, có việc làm ổn định, đảm bảo tiền lương, thu nhập và đời sống.

Sau 3 năm triển khai Chương trình giảm nghèo bền vững của thành phố giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo của TP.HCM đã giảm đạt so với mục tiêu của Nghị quyết số 15 mà Hội đồng nhân dân thành phố đề ra. Cụ thể, số hộ nghèo, cận nghèo toàn thành phố tính đến cuối năm 2018 là: 3.767 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,19% tổng dân số thành phố (Năm 2016 là 67.090 hộ, chiếm tỷ lệ 3,36%; hộ cận nghèo toàn thành phố là 22.882 hộ, chiếm tỷ lệ 1,15% (năm 2016 là 48.154 hộ, chiếm tỷ lệ 2,41%).

Về hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn Quốc gia: Thành phố không còn hộ nghèo có thu nhập trong chuẩn nghèo Quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 (vào cuối năm 2016); cuối năm 2018, còn 94 hộ nghèo có thu nhập trong chuẩn cận nghèo Quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, chiếm 0,005% tổng hộ dân thành phố.

“Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông và giảm nghèo về thông tin năm 2019 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững  giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem