Sau loạt bài “Triển vọng ứng dụng cây trồng công nghệ sinh học”, phóng viên Báo NTNN đã trao đổi với đại diện 2 đơn vị đã được cấp phép khảo nghiệm cây trồng công nghệ sinh học (CNSH) tại Việt Nam là Công ty TNHH Dekalb Việt Nam (thuộc Tập đoàn Monsanto) và Công ty TNHH Syngenta Việt Nam về vấn đề này.
Ông Phạm Đức Tuấn - Phụ trách Pháp chế và An toàn sinh học, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam: Giúp người nông dân có thêm lựa chọn
Ông đánh giá như thế nào về triển vọng phát triển cây trồng CNSH tại Việt Nam?
- CNSH nông nghiệp là một trong những giải pháp giúp cải thiện năng suất, bảo vệ cây trồng, đặc biệt là gia tăng được sản lượng. CNSH nông nghiệp là yếu tố then chốt giúp cho chúng ta duy trì một nền nông nghiệp phát triển bền vững.
|
Việc ứng dụng giống ngô CNSH vào sản xuất tại Việt Nam là khả thi hơn cả. |
Trong tương lai, nhu cầu về lương thực sẽ tăng cao nhằm đáp ứng sự thiếu hụt lương thực do dân số tăng, biến đổi khí hậu và đất nông nghiệp bị thu hẹp do đô thị hóa công nghiệp hóa. Khi đó, cây trồng CNSH sẽ là một sự lựa chọn tốt cho mô hình sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ ở Việt Nam.
Syngenta tin rằng, nông dân Việt Nam sẵn sàng lựa chọn các công nghệ tốt nhất, bao gồm cả cây trồng CNSH trong cơ cấu mùa vụ giúp tăng năng suất, chất lượng, chống xói mòn và thoái hoá đất cũng như cải thiện môi trường, đảm bảo sức khoẻ cho người lao động.
Theo định hướng phát triển cây trồng CNSH, Việt Nam lựa chọn 3 đối tượng là ngô, bông vải và đậu tương. Ông có thể đánh giá và so sánh triển vọng của các loại cây trồng này ở Việt Nam?
- Việt Nam hiện đang phải nhập khẩu cả 3 sản phẩm bông, đậu và ngô để đáp ứng cho nhu cầu sản xuất công nghiệp vải sợi, làm nguyên liệu trong chế biến thức ăn chăn nuôi (TĂCN) và công nghiệp thực phẩm. Diện tích trồng ngô và đậu tương ở Việt Nam không thể mở rộng thêm được nữa do sự cạnh tranh của các cây trồng khác như sắn, mía, cà phê, cao su…
Để đáp ứng nguồn cung thiếu hụt, thì ngô, bông và đậu tương chuyển gen là một giải pháp giúp mang lại những lợi ích như: Tăng năng suất và chất lượng cây trồng; chất lượng bảo quản nông sản tốt hơn vì chống chịu được với các điều kiện khắc nghiệt như lạnh, khô hạn, mặn và nhiệt độ cao.
Với những lợi ích từ các cây trồng đã được Chính phủ Việt Nam lựa chọn, chúng tôi tin rằng nông dân Việt Nam sẽ ứng dụng công nghệ này một cách nhanh chóng khi Chính phủ cho phép thương mại hóa cây trồng này.
Hiện ở Việt Nam còn nhiều quan điểm khác nhau về tính an toàn của giống cây trồng CNSH. Là một trong những công ty hàng đầu về lĩnh vực giống cây trồng, Syngenta sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?
- Cây trồng CNSH đã được thử nghiệm và thương mại trên toàn cầu trong hơn 15 năm qua, mà không có bất cứ tác động xấu nào đến môi trường hoặc sức khoẻ con người. Đối với môi trường, Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA) đã thực hiện các đánh giá rủi ro đối với môi trường một cách nghiêm ngặt như đánh giá khả năng giao phấn với các giống hoang dại; tiềm năng trở thành cỏ dại và khả năng gây hại cho các loài côn trùng có ích khác... Các kết luận của EFSA cho thấy, cây trồng chuyển gen không gây ra bất cứ ảnh hưởng bất lợi nào đến môi trường và đa dạng sinh học.
Đối với vấn đề an toàn để làm thực phẩm, những nghiên cứu của Trung tâm Hợp tác nghiên cứu (Joint Research Centre) kết luận rằng: Chưa có bất kỳ nghiên cứu nào cung cấp các bằng chứng thuyết phục về sự nguy hiểm khi ăn các sản phẩm chuyển gen đã được phê duyệt làm thực phẩm.
Đánh giá của các cơ quan quản lý trên khắp thế giới cũng kết luận rằng, cây trồng và sản phẩm chuyển gen không có sự khác biệt về dinh dưỡng, khả năng gây độc, dị ứng và gây bệnh cho người cũng như động vật so với cây trồng và sản phẩm truyền thống.
Là công ty cung cấp các sản phẩm và các giải pháp hữu ích cho nông nghiệp, Syngenta cam kết luôn thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, hỗ trợ việc sử dụng an toàn và có trách nhiệm đối với các sản phẩm nhằm cung cấp những bữa ăn an toàn, đa dạng, lành mạnh và giá cả phải chăng cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Hồng Chính - Giám đốc Đối ngoại Công ty TNHH Dekalb Việt Nam: Nâng cao thu nhập từ cây trồng CNSH
Tập đoàn Monsanto đánh giá như thế nào về cây trồng biến đổi gen và triển vọng phát triển loại cây trồng này ở Việt Nam?
- Nói đến nông nghiệp, tức là chúng ta đang đề cập đến sản xuất lương thực, thực phẩm và nguyên liệu dệt may nhằm đáp ứng những nhu cầu thiết yếu nhất cho cuộc sống của 7 tỷ người trên trái đất. Năm 2011 là năm thứ 16 cây trồng CNSH được đưa vào ứng dụng, trở thành công nghệ cây trồng được ứng dụng với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử phát triển nông nghiệp thế giới (từ 1,7 triệu ha năm 1996 lên 160 triệu ha năm 2011). Điều này đã khẳng định những ưu việt của loại cây trồng này.
Trong chiến lược phát triển cây trồng CNSH Việt Nam, Bộ NNPTNT cũng đã định hướng ưu tiên phát triển với 3 đối tượng cây trồng, đó là: Ngô, bông và đậu tương. Việc lựa chọn ứng dụng những cây trồng CNSH đã được thương mại hóa rộng rãi trên thế giới là một lựa chọn hết sức thông minh, giúp Việt Nam tận dụng được lợi thế “đón đầu” trong việc ứng dụng công nghệ mới, hướng tới giảm áp lực nhập siêu đối với những sản phẩm này.
Trong cơ cấu nông nghiệp nước ta, ngô là cây trồng có diện tích canh tác lớn thứ 2 sau cây lúa (khoảng 1,1 triệu ha), chủ yếu trên đất dốc, tỷ lệ sử dụng giống lai lên tới trên 90%. Tiềm năng ứng dụng ngô CNSH sẽ cải thiện đáng kể sản lượng cũng như chất lượng ngô thương phẩm, góp phần ổn định nguồn nguyên liệu TĂCN; nâng cao thu nhập cho nông dân nhờ sản lượng cao hơn, chất lượng ngô hàng hóa tốt hơn, với chi phí đầu tư hợp lý. Về lâu dài, sẽ giải được bài toán bảo vệ tài nguyên đất dốc, phát triển bền vững nhờ giảm thiểu xói mòn, rửa trôi thông qua áp dụng kỹ thuật làm đất tối thiểu cùng với ngô chống chịu thuốc diệt cỏ.
“Về lâu dài, ứng dụng cây trồng CNSH sẽ giải được bài toán bảo vệ tài nguyên đất dốc nhờ giảm thiểu xói mòn, rửa trôi thông qua kỹ thuật làm đất tối thiểu khi ứng dụng công nghệ ngô chống chịu thuốc diệt cỏ”.
Ông Nguyễn Hồng Chính
Sau 2 năm trồng thử nghiệm cây chuyển gen, công ty thu được những kết quả gì?
- Khảo nghiệm trong 2 năm qua hoàn toàn nhằm phục vụ yêu cầu đánh giá an toàn sinh học đối với 2 sự kiện chuyển gen trên cây ngô mà chúng tôi mong muốn phát triển tại Việt Nam. Tuy nhiên, còn rất nhiều việc phải làm để có thể đưa những giống ngô này đến người dân. Trong đó, vai trò tiên quyết thuộc về các cơ quan quản lý trong việc hoàn thiện quy trình pháp lý, phê chuẩn việc thương mại hóa các giống ngô này.
Theo ông, để Việt Nam sớm tiếp cận được với cây trồng CNSH và đạt mục tiêu đến năm 2020 diện tích của ngô, bông, đậu tương đạt 30-50%, cần phải làm gì?
- Yếu tố đóng vai trò quyết định là nhà nước cần tạo ra một hành lang pháp lý phù hợp để thúc đẩy phát triển. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ người dân tiếp cận với công nghệ, kỹ thuật mới, khuyến khích vai trò của doanh nghiệp thông qua đối tác công - tư để đưa ra những giải pháp ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao giá trị của chuỗi sản xuất hàng hoá nông sản bắt nguồn từ cây trồng CNSH.
Xin cảm ơn hai ông!
Thanh Xuân (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.