Sau nhiều cuộc gọi, chúng tôi cũng hẹn gặp được nhóm bạn sinh viên Lào đang theo học ở Học viện Báo chí Tuyên truyền tại khu ký túc xá của trường. Lân la nói chuyện, hỏi về các phong tục Tết cổ truyền ở Việt Nam, bạn nào cũng hào hứng kể hàng loạt phong tục của Việt Nam như lì xì mừng tuổi, truyền thuyết về bánh chưng, bánh dày, tục xông đất, món dưa hành, củ kiệu…
Thấy chúng tôi ngạc nhiên, các sinh viên Lào cười bật mí, tất cả những thông tin trên được biết đến là nhờ chương trình học tiếng Việt ở Lào. “Trong nhóm mình, nhiều người qua Việt Nam mới được 6 tháng nên chưa bạn nào có dịp trải nghiệm Tết Nguyên Đán ở Việt Nam”- Kettavanh Xaypanya, sinh viên Khoa Xuất bản cho biết.
Các bạn sinh viên Lào trong bữa tiệc cuối năm
“Tết cổ truyền ở Việt Nam giống Tết
té nước của người Lào ở chỗ trong những ngày Tết, các gia đình quây quần
bên nhau, con cháu ở xa cũng về nhà sum họp với gia đình. Mấy hôm nay ở
trên lớp các bạn đều bàn tán xôn xao việc về quê đón Tết làm mình rất
háo hức và nhớ nhà” - Xipaxay Vongpasert nói.
Câu
chuyện của chúng tôi bị cắt ngang khi bất ngờ có một nữ sinh viên năm cuối
khoa Xây dựng Đảng lên tiếng. Som Bonum hào hứng khoe cô từng được đón Tết
Việt tại gia đình người bạn cùng lớp khi đang theo học năm thứ hai.
"Tôi được mẹ bạn ấy chỉ
làm mấy món ăn truyền thống như bánh chưng, cách muối dưa hành, và đặc
biệt dạy tôi cách gói nem… tôi thích lắm. Nhưng tôi nhớ nhất là đêm 30
Tết, sau lễ giao thừa, cúng tổ tiên tôi được bố mẹ bạn, các anh chị lì
xì và chúc những điều tốt lành, tôi thấy xúc động và thiêng liêng.
Sáng mùng một, tôi được đi chúc Tết cùng mọi người trong nhà bạn, thăm
họ hàng ông bà hai bên nội ngoại nhà bạn ấy”, Som Bonum hồ hởi nói.
Dù ăn Tết ở xứ người nhưng trong đêm giao thừa, các sinh viên Lào cho biết họ sẽ gọi điện về nhà hỏi thăm và chúc sức khỏe gia đình.
Lê Thùy (Lê Thùy)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.