Mùi hôi từ Đa Phước đã được dự báo trước
Tại cuộc họp báo định kỳ tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của TP.HCM, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP.HCM cho biết Sở này đã dự báo được tình hình bãi rác Đa Phước gây ra mùi hôi cho khu vực, chứ không phải đến khi người dân phản ánh tình trạng ô nhiễm cơ quan này mới biết.
Theo đó, Sở TN-MT đã yêu cầu chủ đầu tư là Công ty Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) áp dụng nhiều giải pháp hạn chế mùi ở bãi rác Đa Phước, như: Điều chỉnh thời gian xử lý chất thải rắn sinh hoạt hàng ngày; Bố trí các khu vực tiếp nhận chất thải di động ở vị trí phù hợp để hạn chế khuếch tán mùi; Mua sắm, nhập khẩu thêm một số máy móc chuyên dụng, máy khử mùi, phun xịt thêm hóa chất thân thiện với môi trường để khống chế mùi… Đồng thời, đề nghị VWS tập trung áp dụng các biện pháp khống chế mùi hôi trong mùa mưa và đề xuất thêm giải pháp mới.
Liên quan đến kết luận thanh tra Công ty VWS, ông Thắng cho biết Bộ TN-MT đã xử phạt công ty này số tiền trên 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, Bộ TN-MT yêu cầu VWS phải nâng công suất xử lý nước thải từ 2.000 m3/ngày lên 6.280 m3/ngày và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2018.
“Chôn lấp rác có xử lý như thế nào cũng có mùi, chỉ có giải pháp giảm lượng chôn lấp, chuyển sang đốt mới giảm mùi hôi và việc quan trọng nhất là phải đổi mới công nghệ xử lý rác để đảm bảo môi trường cho thành phố”, ông Thắng nói.
Không trả lời cụ thể việc chuyên gia đề nghị chuyển 2.000 tấn rác/ngày từ Đa Phước trả về khu xử lý rác Phước Hiệp để giảm bớt mùi hôi, nhưng ông Nguyễn Toàn Thắng cho rằng: "VWS chôn lấp khoảng 5.000 tấn rác/ngày bằng hợp đồng ký kết với TP.HCM và các bên chịu trách nhiệm trên hợp đồng này".
Có thể thấy, người đứng đầu ngành tài nguyên môi trường của TP.HCM đã nhìn ra vấn đề gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng cho khu vực phía Nam. Tuy vậy, dư luận vẫn đặt nhiều nghi vấn về sự chậm chạp trong việc xử lý vấn đề ô nhiễm theo phản ánh của người dân.
Bởi lẽ, vụ việc được phát giác từ năm 2016, đến nay đã hơn 2 năm, mà những vấn đề liên quan đến ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại khu vực trên vẫn chưa được giải quyết triệt để, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống người dân.
Hợp đồng hay “vòng kim cô” 50 năm?
Phải chăng chiếc “vòng kim cô” hợp đồng đang làm chùn tay những người có trách nhiệm xử lý kiến nghị của người dân về mùi hôi ở bãi rác Đa Phước?
Qua tìm hiểu, được biết Hợp đồng giao, nhận và xử lý chất thải rắn do Sở TN-MT TP.HCM (được UBND TP.HCM ủy quyền tại Quyết định số 822/QĐ-UBND) ký kết với Công ty VWS có hiệu lực từ ngày 28.2.2006 và kết thúc vào năm 2055. Đại diện Sở TN-MT TP.HCM thời điểm đó là ông Trần Thế Ngọc – Giám đốc Sở còn phía VWS là ông David Trung Dương - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty.
Hợp đồng giao, nhận và xử lý chất thải rắn giữa Sở TNMT TP.HCM và VWS.
Nội dung hợp đồng cho thấy có việc ngân sách TP.HCM phải chi trước cho Công ty VWS của ông David Dương 9 triệu USD. Theo như bản hợp đồng, 9 triệu USD này là số tiền thanh toán trước đã được đưa vào tính và khấu trừ trong giá xử lý rác tính theo tấn (trung bình khoảng 0,547 USD).
Bên cạnh đó là việc giá xử lý rác tính theo tấn sẽ được điều chỉnh tăng lên mỗi năm một lần dựa trên chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Sở TNMT cam kết với VWS dù trong bất cứ trường hợp nào, bất cứ điều chỉnh nào đều sẽ không được dẫn đến mức giá xử lý rác tính theo tấn trở thành thấp hơn so với giá trước khi điều chỉnh, hoặc cao hơn 3% so với năm trước đó. Năm nào CPI không thay đổi thì giá xử lý rác sẽ được điều chỉnh ở mức cao nhất là tăng thêm 3%.
Như vậy, cho đến thời điểm ngày 1.11.2018 sắp tới đây (tròn 11 năm từ thời điểm nhà máy xử lý rác Đa Phước chính thức hoạt động), giá xử lý mỗi tấn rác mà ngân sách phải trả cho VWS tính theo giá công bố lúc ban đầu 16,4 USD/tấn sẽ là hơn 21 USD/tấn (mức giá 16,4 USD cộng thêm 3% mỗi năm, từ 1.11.2007 đến 1.11.2018). Đó là chưa tính con số 0,547 USD được cấn trừ vào mỗi tấn rác trong 9 triệu USD như đã thông tin ở trên.
Hợp đồng còn cho thấy đối với khu xử lý chất thải rắn Đa Phước, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cung cấp một khu vực hành lang bảo vệ xung quanh toàn bộ địa điểm có chiều rộng ít nhất là 300m tính từ ranh giới của địa điểm bãi rác trở ra hay còn gọi là vành đai cây xanh. Mọi chi phí duy trì, bảo dưỡng, phí tổn… cho hành lang bảo vệ này đều được Sở này chi trả.
Cận cảnh bãi chôn lấp rác Đa Phước
Riêng về công nghệ được áp dụng trong quá trình xử lý rác, trong bản hợp đồng này Sở TN-MT TP.HCM chỉ yêu cầu VWS “trang bị cho nhà máy các thiết bị chuyên dụng, mới, sử dụng công nghệ hiện đại phù hợp với môi trường làm việc của TP.HCM”. Điều đáng lưu ý là trong suốt bản hợp đồng dài 31 trang, chỉ tìm thấy hai chữ “công nghệ” duy nhất một lần.
Hợp đồng còn có những điều khoản khá ưu đãi đó là việc Sở TN-MT trả chi phí cho việc lọc lựa ra sản phẩm có thể tái chế nhưng lại giao cho VWS toàn quyền sử dụng, buôn bán. Trả phí cho việc làm phân compost nhưng sản phẩm làm ra thì Sở này cũng... cho luôn VWS.
Cụ thể, trong phần VI, mục j của hợp đồng, đối với việc xử lý sản phẩm có ghi rõ: “VWS sở hữu và có quyền bán vì lợi ích của riêng mình tất cả các vật liệu có thể tái chế, compost và những sản phẩm khác sản xuất hoặc thu được từ chất thải tại nhà máy của mình. Sở TN-MT thỏa thuận bảo đảm rằng mọi khoản thu nhập, lợi nhuận thu được từ việc bán hay định đoạt các sản phẩm sản xuất tại nhà máy sẽ được miễn trừ thuế theo quy định hiện hành.”
“Sở TN-MT sẽ yêu cầu các đơn vị vận chuyển chất thải, cho dù họ là tư nhân hoặc nhà nước, có thu gom rác trong những khu vực có chất thải hữu cơ cao vận chuyển chất thải này đến VWS. Trong tương lai, Sở TN-MT cũng sẽ đảm bảo loại chất thải cần thiết nhất cho nhà máy và VWS sẽ được ưu tiên trước, thay vì giao cho bất cứ nhà máy xử lý chất thải nào khác, cho dù là của tư nhân hay nhà nước”, trích chương VI, điều 2, khoản O của hợp đồng do ông Trần Thế Ngọc - nguyên Giám đốc Sở T-MT TP.HCM ký với VWS.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.