Sớm tổ chức lại ngành chăn nuôi

Thứ năm, ngày 23/05/2013 10:14 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trước tình trạng người chăn nuôi trong nước phải treo chuồng trong khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn “đổ bộ” vào Việt Nam, các cơ quan chức năng cho rằng, đã đến lúc phải tổ chức lại hoạt động ngành chăn nuôi.
Bình luận 0

Chăn nuôi vẫn còn nhiều hy vọng

Dù phải đối mặt với tình trạng giá bán sản phẩm thấp dẫn tới thua lỗ kéo dài từ đầu năm 2012 đến nay, nhiều đại biểu tại Hội nghị “Phát triển chăn nuôi khu vực các tỉnh phía Nam, giai đoạn 2013 – 2015” do Bộ NNPTNT tổ chức tại Đồng Nai ngày 22.5 cho rằng, vẫn còn nhiều cơ hội phát triển cho ngành chăn nuôi trong nước.

 img
 

Theo ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, trong 3 năm từ 2010 – 2012, đàn lợn cả nước có nhiều biến động do ảnh hưởng của giá cả, dịch bệnh. Tuy vậy, các khâu giống, phương thức chăn nuôi... được cải thiện khiến số vòng quay chăn nuôi tăng kéo theo sản lượng thịt xuất chuồng hằng năm liên tục tăng lên đáng kể.

Ông Nguyễn Chí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, hiện tại, một sản phẩm chăn nuôi từ trang trại đến tay người tiêu dùng phải qua ít nhất 5 khâu trung gian khiến giá bán đẩy lên rất nhiều.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Ngọc – Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Bình Phước cho biết, Việt Nam trong những năm gần đây trở thành thị trường “béo bở” cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong hoạt động chăn nuôi, chế biến và kinh doanh gia súc, gia cầm. Số lượng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam tăng lên hằng năm.

Cần mạnh tay tổ chức lại ngành

Ông Nguyễn Xuân Dương cho biết, trong giai đoạn 2013 – 2015, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu tạo bước chuyển đổi nhanh về phương thức chăn nuôi. Chăn nuôi nhỏ lẻ từng bước tổ chức lại theo hướng chuyên nghiệp, có kiểm soát, bảo đảm an toàn sinh học và bền vững.

“Để giữ vững mức tăng trưởng 5 – 6%/năm, tăng tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp từ 27% lên 32%, ngành chăn nuôi cũng xác định các sản phẩm thế mạnh, gồm heo, vịt và gà thả vườn. Trong đó, phát triển tăng quy mô đàn gia cầm và bò sữa, giữ vững quy mô đàn heo, trâu, bò thịt như hiện có”- ông Dương cho biết.

Ông Nguyễn Đăng Vang - Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam lại cho rằng, để giải quyết tình trạng người chăn nuôi đang phải “tự bơi”, cần thành lập ít nhất 2 trung tâm huấn luyện chăn nuôi cho nông dân. Ông Vang cũng đề nghị thành lập Chi cục Chăn nuôi – Thú y tại các tỉnh. “Cả nước hiện có 183 cán bộ phụ trách toàn ngành chăn nuôi, nghĩa là mỗi tỉnh có khoảng 3 cán bộ chịu trách nhiệm điều tiết tất cả các hoạt động. Với lực lượng mỏng như vậy, không thể nào vực dậy được ngành chăn nuôi trong tình hình hiện nay”- ông Vang nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cũng cho rằng, trong 3 năm tới, ngành chăn nuôi phải phát triển theo hướng chăn nuôi nhỏ lẻ có áp khoa học kỹ thuật cao. Đồng thời, tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, kể cả chuỗi ngang, liên kết giữa các cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm chăn nuôi để có thể đưa ra định hướng thị trường chính xác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem