Sơn La: Lên Hang Hóc xem cả bản mắc "bệnh nghèo"

Quốc Định Thứ tư, ngày 14/03/2018 18:15 PM (GMT+7)
Cái nghèo như một căn bệnh nan y bám lấy bản Hang Hóc. Bởi từ ngày thành lập bản đến nay, chưa có hộ nào thoát được cái nghèo.
Bình luận 0

Hang Hóc là bản nằm ở nơi xa nhất, cao nhất của xã Chiềng Hặc (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La), cả bản 100% là đồng bào dân tộc Mông. Từ ngày lập bản đến nay, bản chưa có hộ nào thoát được nghèo và cái nghèo như một căn bệnh nan y bám riết lấy dân bản bấy lâu nay.

Để đến được Hang Hóc chúng tôi phải mất gần 1 giờ đồng hồ đánh vật với con dốc dài gồ gề, treo leo nơi vách núi. Vào đến bản lúc trời chiều, cảnh hiện ra trước mặt là những ngôi nhà lụp sụp trông như túp lều.

Cả bản nhà nào cũng im ắng, vắng tanh, tìm gặp ai cũng khó vì người lớn đang lên nương, chỉ thấy mấy đứa trẻ nhỏ chơi đùa nghịch đất ven đường.

img

Bản Hang Hóc nằm treo leo trên sườn đồi cao

Chúng tôi may mắn gặp trưởng bản Mùa A Páo đang làm việc gần nhà. Ông đang cầm chiếc cưa máy, bạt gốc cây cổ thụ cỡ lớn ở đầu bản vừa bị gió quật đổ vào dây điện cao áp thế từ đêm hôm trước. Vị trí cây đổ nằm sát cổng điểm trường tiểu học Hang Hóc gây nguy hiểm cho học sinh hay chơi gần đó.

Ông Páo nói: "Bản Hang Hóc này nghèo lắm. Bản thành lập năm 1990, mới đầu chỉ có 13 hộ, đến nay tăng lên 37 hộ nhưng hộ nào cũng nghèo".

Vì sao cái nghèo cứ bám riết lấy Hang Hóc?

Ông Páo nghẹn lời: "Cái nghèo ở đây như một căn bệnh nan y ẩn sâu trong từng câu chuyện, việc làm, đời sống của bà con mà tựu chung lại là nghèo do thiếu hiểu biết, nghèo do chưa biết làm ăn… trong đó, nghèo do đông con là bài toán khó giải đáp nhất".

Trước đến nay, người dân trong bản chỉ biết trồng cây ngô, sắn, do đất khô cằn nên chỉ làm được một vụ. Cả mùa ngô, sắn chỉ bán được vài tạ và năm nào bà con cũng bị lỗ, thu nhập không đủ trả tiền phân, giống.

Thậm chí có nhà còn bị các chủ đại lý phân giống đến gán nợ lấy đất, lấy nhà… Cứ như thế nợ nần đeo bám dân Hang Hóc từ năm này sang năm khác.

Bản Hang Hóc đã có điện, có đường nhựa chạy qua bản nhưng bệnh nghèo cứ đeo bám lấy bà con mãi. Tuy cả bản đều nghèo nhưng bà con luôn sống đoàn kết, chấp hành quy ước, hương ước của bản, không có trộm cắp, không có người nghiện hút ma túy.

Trưởng bản Páo dẫn chúng tôi đến nhà anh Thào A Chua là hộ nghèo nhất nhì của bản. Ngôi nhà lụp sụp, trong nhà tối om. Nghe tiếng gọi, 2 vợ chồng bước ra, anh Chua năm nay mới 32 tuổi mà trông như cụ già. Anh Chua kể: "Tôi ấy vợ năm 2007, đến nay đã có 5 con. Trước đó tôi đã có một đời vợ và 1 đứa con...".

Người vợ trước bỏ đi Trung Quốc để lại cho anh Chua một đứa con, giờ không thấy về. Anh lấy vợ mới và có với nhau 5 đứa con, cộng lại là 6 là đứa (5 gái và 1 trai), trong đó 5 đứa đang đi học.

Do muốn có con trai nên vợ chồng anh đẻ nhiều, “nghèo thì nghèo rồi nhưng đông con vui hơn, trong nhà phải có con trai, nếu không sẽ bị hàng xóm chê”, anh Chua bảo thế.

img

Gia đình anh Chua sống trong ngôi nhà gỗ lụp sụp. Cả hai vợ chông còn trẻ nhưng trông như tuổi trung niên

Con gái đầu của vợ chồng anh là cháu Thào Thị Sinh, năm nay 13 tuổi mới học hết lớp 5 đã phải bỏ học ở nhà làm nương, chăn bò giúp bố mẹ vì nghèo không đủ tiền học tiếp.

Khi chúng tôi đến nhà, cháu Sinh đang lên rừng chăn bò chưa về. 2 con bò cái được Nhà nước hỗ trợ theo hình thức xoay vòng cách đây 3 năm, nay 1 trong 2 con bò mẹ mới sinh sản được một con bê đầu tiên. Đó là món tài sản lớn nhất của gia đình anh hiện nay.

Cả 37 hộ dân trong bản, mỗi hộ có một hoàn cảnh và một câu chuyện khác nhau nhưng giống nhau ở cái nghèo. Đông con cùng tập quán trồng trọt lạc hậu khiến Hang Hóc chưa biết bao giờ mới khỏi bệnh nghèo. 

img

Cuộc sống của bà con ở bản Hang Hóc cũng nghèo giống như cuộc sống của vợ chồng anh Chua

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem