Sơn La: Một nghề thì sống, "ôm" đống nghề thì nông dân 9X thành tỷ phú

Mùa Xuân - Tuệ Linh Thứ tư, ngày 17/11/2021 06:31 AM (GMT+7)
Bằng sự năng động, nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh Nguyễn Văn Sự (sinh năm 1995), bản Văn Phúc Yên, xã Mường Thải, huyện Phù Yên (tỉnh Sơn La) đã thành công với mô hình chăn nuôi lợn, nuôi gà, trồng cây ăn quả trên đất dốc. Nhờ "ôm" đống nghề, mỗi năm anh Sự có thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Bình luận 0

Ấn tượng đầu tiên với chúng tôi khi gặp anh Sự, đó là một thanh niên cao ráo, nhanh nhẹn, hoạt bát. Rót chén chè mời khách, anh Sự kể: Năm 2013, sau khi tốt nghiệp cấp 3, tôi quyết định không nộp hồ sơ thi vào các trường Cao đẳng, Đại học như bao thanh niên cùng trang lứa khác. Tôi quyết định nghỉ học, ở nhà để khởi nghiệp trên chính mảnh đất mình đã được cha mẹ sinh ra.

Xuất phát từ niềm đam mê làm nông nghiệp, anh Sự đã bắt tay vào việc mở trang trại nuôi lợn với hơn chục con lợn nái sinh sản để bán lợn giống. Nhưng do thiếu kỹ thuật nuôi lợn nái và kinh nghiệm nuôi giống, nên anh gặp rất nhiều khó khăn.

Ôm đống nghề, 9X bỏ túi hàng trăm triệu đồng - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Văn Sự, bản Văn Phúc Yên xã Mường Thải (huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) đang vệ sinh chuồng trại nuôi lợn của gia đình. Ảnh: Mùa Xuân.

Bằng sự cần cù, chịu khó, ham học hỏi, anh Sự đã lặn lội xuống tận tỉnh Hưng Yên, nơi có nhiều chủ trang trại nuôi lợn nái sinh sản để học hỏi kinh nghiệm về kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ bệnh, cách thụ tinh cho lợn…

Sau một năm học hỏi kỹ thuật nuôi lợn ở Hưng Yên đã giúp anh Sự trang bị thêm kinh nghiệm chăn nuôi. Mặt khác, anh tự học kỹ thuật nuôi lợn trên sách, báo, internet. 

Trở về địa phương, anh Sự vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh huyện Phù Yên cộng với số vốn của gia đình để mua 30 con lợn nái sinh sản về nuôi.

Ôm đống nghề, 9X bỏ túi hàng trăm triệu đồng - Ảnh 2.

Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn lợn nái của gia đình anh Nguyễn Văn Sự luôn phát triển tốt. Ảnh: Tuệ Linh.

Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, đàn lợn nái của gia đình anh Sự luôn sinh trưởng và phát triển tốt. 

Trời không phụ lòng người, sau nhiều năm chăm sóc, anh Sự đã bán hơn 500 con giống cho bà con trong và ngoài huyện. Với giá bán lợn giống hơn 1 triệu đồng/con, sau khi trừ chi phí, anh Sự lãi trên 200 triệu đồng.

Đến năm 2017, anh Sự giảm số lượng lợn nái sinh sản và chuyển sang nuôi lợn thịt. Hiện gia đình anh đang duy trì 4 con lợn nái; 50 con lợn thịt. Từ đầu năm đến nay, gia đình anh Sự đã xuất bán ra thị trường 5 tấn thịt lợn hơi. Giá lợn hơi anh Sự bán là 50 - 65 nghìn đồng/kg, thu về trên 200 triệu đồng.

Ôm đống nghề, 9X bỏ túi hàng trăm triệu đồng - Ảnh 3.

Ngoài chăn nuôi gia đình anh Sự còn trồng cây ăn quả để nâng cao thu nhập cho gia đình. Ảnh: Mùa Xuân.

Anh Sự, cho biết: Mặc dù nuôi lợn nái sinh sản không yêu cầu diện tích đất quá rộng, lượng chất thải sau chăn nuôi cũng ít, nhưng do giá lợn hơi trên thị trường bấp bênh, yêu cầu người lao động phải có tay nghề kỹ thuật cao.

Hơn nữa, gia đình anh chuyển sang kinh doanh dịch vụ bán phân bón và tập trung vào việc chăm sóc cây ăn quả nên chỉ duy trì số lượng lợn nái sinh sản hiện có để có giống nuôi lợn thịt.

Ngoài chăn nuôi lợn, anh còn thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện về trồng cây ăn quả trên đất dốc. Năm 2014, anh Sự trồng 200 gốc ổi Đài Loan. Vụ năm nay gia đình anh Sự thu được trên 7 tấn quả, với giá ổi 10 nghìn đồng/kg, thu hơn 70 triệu đồng.

Ôm đống nghề, 9X bỏ túi hàng trăm triệu đồng - Ảnh 4.

Vườn cam đường Canh của gia đình anh Sự đang vào độ chín chuẩn bị cho thu hoạch. Ảnh: Tuệ Linh.

Bên cạnh đó, anh Sự còn trồng 500 gốc cam đường Canh. Hiện đã bắt đầu cho thu hoạch, dự kiến vụ cam đường Canh năm nay sẽ thu khoảng 30 tấn quả . Với giá bán cam Canh là 30.000 - 35.000 đồng/kg, thu gần 1 tỷ đồng.

Nói về định hướng trong phát triển kinh tế trong thời gian tới, anh Sự cho biết thêm: Hiện tôi đang hoàn thiện hồ sơ để liên kết các hộ dân trong bản tham gia thành lập Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp. HTX tập trung vào ngành nghề buôn bán phân bón, chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả trên đất dốc. 

Các thành viên HTX sẽ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm thị trường đầu ra để ổn định cho khâu tiêu thụ sản phẩm.

Có thể thấy, với sự kiên trì, quyết tâm, không ngại gian khổ, chàng thanh niên trẻ 26 tuổi Nguyễn Văn Sự đã gặt hái được thành công trong phát triển kinh tế gia đình.

Anh đã khẳng định được tinh thần dám nghĩ, dám làm, ý chí vươn lên của thế hệ trẻ hôm nay. Nhiều già làng trong bản Văn Phúc Yên đánh giá anh Sử là tấm gương tiêu biểu để các thanh niên khác học tập và noi theo; qua đó góp phần cùng Ban quản lý bản hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem