Sống khỏe với nghề mộc dân dụng

Thứ hai, ngày 17/09/2012 06:53 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cùng với trồng cây lúa, cây ớt, nuôi con heo, con bò, con gà nuôi sống gia đình, nông dân xã Bình Hòa (huyện Tây Sơn, Bình Định) còn mở mang làm nghề truyền thống, trong đó có nghề mộc dân dụng.
Bình luận 0

Yêu nghề truyền thống

Anh Nguyễn Ngọc Việt, 38 tuổi ở xóm 8, thôn Trường Định may mắn hơn các thanh niên khác ở địa phương là được học nghề mộc dân dụng qua anh ruột của mình từ năm 16 tuổi.

Sau khi học nghề xong, với quyết tâm phát triển nghề mộc dân dụng, năm 2010, Việt đã đầu tư hơn 200 triệu đồng để xây dựng cơ sở, lắp đặt máy móc, thiết bị chuyên dùng, kéo điện 3 pha, thuê công lao động, thuê thợ giỏi phục vụ cho làm nghề.

 img
Thanh niên học nghề mộc tại cơ sở mộc dân dụng của anh Nguyễn Ngọc Việt.

Sản phẩm của anh gồm bàn ghế tựa, giường nằm, tủ đứng, đồ thờ tự, các loại cửa ngõ, salon... Ngoài các sản phẩm mộc thông thường, cơ sở của anh Việt còn phục vụ theo đơn đặt hàng cao cấp như chạm khắc họa tiết hoa văn trang trí.

Được tiếng có tay nghề cao, có uy tín với khách hàng, luôn đảm bảo an toàn lao động nên cơ sở mộc dân dụng của anh Việt đã có 4 thanh niên nông thôn các nơi đến học nghề, trong số đó có 3 thợ lành nghề ra làm riêng. Bên cạnh dạy nghề cho lớp sau, anh Việt còn tạo công ăn việc làm cho 10 lao động với mức lương 3 triệu đồng/tháng.

Tiếp sức cho làng nghề

Ông Nguyễn Văn Giác- Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Hòa nhận xét: Anh Việt là hội viên nông dân ở địa phương. Có nghề trong tay, anh Việt đã tận tình truyền dạy nghề cho lao động nông thôn, nhất là lớp trẻ mới lớn lên. Không những dạy nghề, anh Việt còn khuyến khích thợ học nghề bằng cách nuôi ăn không tính tiền trong 1 năm đầu, năm thứ 2 cho tiền tiêu vặt bằng tiền công phụ, sang năm thứ 3, lúc ra nghề thì trả tiền công thợ chính thức.

Trong thôn Trường Định, cùng làm nghề mộc dân dụng như anh Việt còn có 15 anh em khác mở các cơ sở sản xuất rải rác trong các xóm và có thu nhập khá cao, cũng đã truyền dạy nghề cho thanh niên trên địa bàn, tạo việc làm tại chỗ.

Mặc dù hiệu quả của nghề mộc truyền thống ở xã Bình Hòa thấy rõ, nhưng đa số người làm nghề ở đây thường xuyên rơi vào tình trạng “đói” vốn. Ông Giác chia sẻ: “Anh em ngồi với nhau thường tâm sự, vốn cho mua ván, gỗ nguyên liệu, vốn để nâng cấp nhà xưởng, máy móc, thiết bị… là rất lớn nhưng khó tiếp cận ngân hàng để vay nên hoạt động cũng cầm chừng”.

Thông qua các hoạt động dịch vụ, chia sẻ khó khăn với bà con nông dân, tháng 8.2012, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Bình Định đã đồng ý quyết định hỗ trợ cho làng nghề mộc dân dụng xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn một dự án với tổng số tiền 300 triệu đồng, hỗ trợ cho 15 hộ làm nghề mộc trong thời gian 3 năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem