Sống bằng lời đang Mường
Trên chiếc xuồng máy dập dềnh bên bến Vạn sông Đà, thuộc xã Tân Phong, huyện Phù Yên, anh Đinh Văn Dưởng (người dân tộc Mường), kể về chiếc máy cat-set cũ kỹ được sắm từ những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước: “Tôi đã sắm nó, ngay sau khi sắm chiếc xuồng này được 1 tháng và quyết định gắn bó cuộc sống của mình với nghề đánh cá. Nó hỏng tôi lại sửa. Nhiều ông thợ bảo vứt nó đi, sắm cái mới vì tiền sửa nhiều hơn tiền mua mới rồi, nhưng tôi nghĩ nó vẫn dùng tốt nên cứ sửa, cứ dùng”.
Cái cát-set này với anh Dưởng thì có 4 tác dụng chính: Theo dõi thời sự trong nước và quốc tế, nghe dự báo thời tiết, nghe các chương trình phát thanh tiếng dân tộc và để nghe những băng, đĩa hát về những câu ví, lời đang của người Mường, người Thái ở vùng núi phía Bắc này. “Lát nữa thả lưới xong tôi sẽ cho anh nghe đang Mường (một thể hát của người Mường), hay và vui lắm” - anh bảo với tôi vậy.
Khi những mét lưới đánh cá cuối cùng được thả xuống nước, anh Dưởng ghé thuyền vào một tán cây ven bờ phía tây để tránh nắng, ngả lưng và “thưởng thức món ăn tinh thần vô giá của người Mường” - như lời anh Dưởng. Nhẹ nhàng lựa chọn trong cái thùng gỗ nhỏ trong góc thuyền, anh lấy ra một cái băng cũ kỹ, vẫn rõ nhãn hiệu SONY loại dung lượng 60 phút mà một thời ai mê âm nhạc cũng từng mua được, nay đã trầy xước nhưng có vẻ được lau chùi kỹ nên chẳng có tý bụi bặm nào.
“Tôi còn hơn chục cái băng kiểu này, hầu hết là ghi những bài hát dân tộc quê mình. Có bài bằng tiếng Kinh, có bài đã chuyển thể sang cả tiếng Mường; có bài do ca sĩ “xịn” hát, nhưng nhiều bài do người dân chúng tôi hát trong những cuộc vui chung, tôi tranh thủ ghi lại để nghe cho đỡ thèm. Hình như con cá sông Đà này cũng nghiện nghe đang Mường, nghe hát ví. Cứ rải lưới xong mà rảnh rỗi là tôi tắt máy, gác chèo, nghe hát rồi ngủ lúc nào không biết. Có hôm cá quẫy ngay bên thuyền, bắn cả nước vào mặt, tỉnh dậy mới hay băng đã quay hết lúc nào, im tịt. Chắc cá thèm nghe nên nó gọi mình” - anh Dưởng say sưa nói.
Cũng theo anh Dưởng thì nhiều hộ người Mường, người Thái ở đây vẫn có đài để thường xuyên nghe dân ca, hát ví, đang Mường, khắp Thái, khèn Mông từ các chương trình tiếng dân tộc. “Bây giờ hiện đại, họ dùng máy kỹ thuật số, nghe từ đĩa, USB nên nghe được nhiều, chứ không lạc hậu như tôi. Nhưng tôi vẫn thích nghe từ băng cat-set”.
Lời đang vẫn còn vang...
Anh Dưởng bảo: “Tôi yêu nhà tôi, cô gái đẹp của vùng suốt 7 năm trời; trong đó có 5 năm quân ngũ, đi xa nhưng vẫn đợi chờ nhau, chung thủy bởi lời đang đấy. Lời thế này này: Yêu nhau! Yêu nhau yêu trọn thủy chung, đừng như con thuyền trôi giữa dòng sông. Dù có đi xa cách sông, cách núi, nơi quê nhà em vẫn đợi chờ anh...”.
Điệu đang Mường luôn gắn bó với cuộc sống hàng ngày của người dân nơi đây. Những khúc đang trở thành lời chào khách, chào chủ nhà khi gặp gỡ, lời mời cơm, mời rượu, đối đáp trao đổi trong cuộc vui, kể chuyện xưa, chuyện nay… “Người Mường chúng tôi ngày trước sống bằng đang đấy. Ông bà, bố mẹ dạy con cách sống, cách làm nương, làm ruộng cũng bằng đang. Trai gái yêu nhau tỏ tình bằng đang, ước hẹn bằng đang; lễ ăn hỏi, lễ cưới có đang. Lúc vui hát đang; khi buồn, mệt mỏi cũng nghe đang, hát đang” - anh Dưởng xúc động nói.
Chủ tịch UBND huyện Phù Yên - ông Đặng Ngọc Quang cũng thổ lộ: “Tôi cũng mê tiếng đang Mường từ bé. Bây giờ công tác bận rộn nhưng mỗi lúc đến cơ sở nếu đâu đó vẳng tiếng đang Mường là cố lắng nghe”.
Theo ông Quang, trong chính sách phát triển văn hóa của huyện Phù Yên, vấn đề bảo tồn và phát triển văn hóa người Mường luôn được chú trọng. Huyện đã đầu tư hàng chục tỷ đồng đê xây dựng hàng trăm nhà văn hóa xã, bản, lấy nơi cho người dân sinh hoạt, vui chơi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.