Tả Phìn đổi thay nhờ dệt thổ cẩm

Minh Nguyệt Thứ hai, ngày 24/10/2016 06:40 AM (GMT+7)
Vốn sẵn có nghề, giờ nhờ được học thêm những kỹ thuật phối màu, pha vải, cách tiếp thị sản phẩm tới tay khách du lịch, các sản phẩm thêu thổ cẩm truyền thống của người Mông tại bản Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai) được nhiều du khách lựa chọn. Từ đây, đời sống của người dân trong bản cũng khấm khá hơn.
Bình luận 0

Phát huy từ nghề truyền thống

Tổ nhóm thêu, dệt thổ cẩm truyền thống của chị em ở bản Tả Phìn có 30 người. Hiện nay, sản phẩm của tổ nhóm này khá đa dạng về mẫu mã, đẹp mắt. Ngoài thị trường có gì, tổ nhóm đều làm được cái đó. Chị Thảo Sung- Trưởng nhóm dệt may thổ cẩm bản Tả Phìn cho biết: Hiện nay, tổ có thể làm được 30 sản phẩm như ví thêu, ba lô, túi đựng máy tính, túi xách, khăn trải bàn, móc chìa khóa, quần áo… Dù có giá khá đắt, nhưng sản phẩm thêu thổ cẩm của nhóm vẫn được nhiều du khách lựa chọn, bởi mẫu mã đẹp, chất liệu tốt và thân thiện với môi trường.

img

Chị Thảo Sung (ngoài cùng bên phải) cùng thành viên trong tổ giới thiệu mẫu hàng với khách.  Ảnh: M.N 

Muốn thoát nghèo, ngoài việc triển khai đồng bộ các chính sách của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường việc dạy nghề, đặc biệt là phát huy sáng kiến của người dân trong việc giảm nghèo. Đẩy mạnh triển khai chương trình “mỗi làng một sản phẩm” theo mô hình của Nhật Bản là cách thoát nghèo hiệu quả nhất”.

 PGS-TS Trần Văn Ơn -
Trưởng Bộ môn Thực vật học,
Đại học Dược Hà Nội 

Chị Thảo Sung chia sẻ: “Nhờ học nghề dệt thổ cẩm kết hợp với phát triển dịch vụ du lịch sinh thái tại bản, giờ đây chị em không phải đi theo khách. Khách vào nhà xem ưng thì mua, không sợ khách nói xấu nữa. Hàng thổ cẩm đẹp, độc đáo, chất liệu thân thiện nên rất nhiều người mua. Có khách vào bản hàng hết, hôm sau lại chạy xe từ phố vào mua lại”.

Sản phẩm thêu dệt thổ cẩm thủ công rất đẹp, nhưng giá đắt. Vì vậy, để giảm giá thành cho sản phẩm, chị em trong bản chỉ gia công 1-2 mẫu thêu, dệt thổ cẩm trên sản phẩm. Ví như một chiếc ba lô, chất liệu thổ cẩm, được thêu 1-2 họa tiết có giá từ 300.000-350.000 đồng. Với những chiếc túi đựng laptop, giá của nó cũng không dưới 250.000 đồng.

Nâng cao kỹ thuật nhờ học nghề

Chị Sung kể, có được các sản phẩm đẹp, hút khách như hiện nay là nhờ chị em được học nghề bài bản. Trước kia, dù dệt, thêu thổ cẩm là nghề truyền thống của người Mông ở Tả Phìn, nhưng bà con chủ yếu sản xuất để tự cung, tự cấp, không sản xuất hàng hóa. “Trước đây, sản phẩm thủ công thêu tay rất đắt, chị em chúng tôi nghĩ gì làm nấy nên khách chê. Sau khi tham gia cuộc thi “Sáng kiến giảm nghèo” của chương trình giảm nghèo quốc gia được Bộ LĐTBXH tổ chức hồi tháng 8, chị em đã được hướng dẫn, thiết kế lại mẫu mã, cách phối màu, chọn vải… Chính vì vậy, các sản phẩm đa dạng, đẹp hơn, thời trang hơn. Hiện du khách hài lòng nên mua rất nhiều” - chị Lý Liềm Lý – một thành viên khác trong tổ dệt may thổ cẩm ở Tả Phìn cho biết.

Chị Vũ Hòa, một trong hai hướng dẫn viên, dạy nghề thiết kế thời trang – người trực tiếp giúp thành viên trong tổ nâng cao kỹ thuật chia sẻ: “Về cơ bản, tất cả chị em đã có kỹ thuật may, dệt thổ cẩm. Chỉ có điều chị em còn yếu trong khâu thiết kế thời trang, phối màu và tiếp thị hàng với khách du lịch. Sau 2 tuần dạy, “cầm tay chỉ việc”, cùng ăn, cùng làm với chị em, họ đã làm rất tốt”.

Mặc dù chất lượng hàng hóa được cải thiện, nhưng hiện tổ hợp vẫn gặp khó khăn. Cả tổ có 30 chị em, nhưng chỉ có 3 máy khâu. Vì vậy, nhiều chị em phải mang vải tới nhà văn hóa may sản phẩm rồi sau đó lại mang vải về nhà để gia công và thêu tiếp. Chị em rất mong muốn có điều kiện để mua thêm máy khâu, tạo cơ hội nâng cao thu nhập.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem