Tài đan mây, tre của người Khơ Mú

Thứ hai, ngày 25/07/2011 05:26 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - "Làm rẫy no ăn, đan mây ấm mặc". Trải qua bao thế hệ, đồng bào Khơ Mú ở miền tây Nghệ An đã đúc rút ra điều ấy.
Bình luận 0

Bản làng nằm giữa những ngọn núi điệp trùng, những lúc nông nhàn, nhà nhà, người người lại quây quần bên nhau cùng chẻ tre, ken mây đan lát. Nghề đan lát mây tre đã giúp đồng bào có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Các bậc cao niên kể rằng, vốn người Khơ Mú không biết thêu thùa, dệt vải nên xưa kia để có giày dép, áo quần phải dùng lúa gạo, ngô khoai đổi mới có. Từ khi nghề đan lát đến bản, những sản phẩm mây tre thủ công đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con.

img
Đan mây tre đem về thu nhập đáng kể cho đồng bào Khơ Mú.

Các loại sản phẩm từ gùi lúa, mâm, ghế, hòm đựng quần áo, hộp đựng xôi, hộp đựng kim chỉ... đều được những người thợ khéo tay làm rất công phu. Như chiếc gùi lúa (yăng) với miệng loe rộng được quấn mây thanh thoát, vừa có dây quàng qua trán vừa có ách tỳ vào gáy người đeo. Hay bộ ép xôi của đồng bào Khơ Mú có thể được coi là một trong những “kiệt tác” của nghệ thuật đan lát.

Nâng trên tay những sản phẩm tuyệt mỹ, mấy ai biết rằng để có những chiếc mâm mây thật đẹp, bà con phải lặn lội vào tận rừng sâu cả mấy ngày liền mới tìm được nguyên liệu với những đon tre nứa thẳng, những bó song đẹp, những cuộn mây tốt đem về.

Theo kinh nghiệm của bà con, muốn có sản phẩm đẹp, bền phải chặt tre, nứa vào những ngày cuối tháng, không có trăng, vì "tre đầu tháng thân chứa nhiều nước nên dễ bị hỏng". Mây phải chọn loại sợi già, có màu vàng hoặc xanh để đảm bảo độ dẻo và không bị mọt. Khi chế biến nguyên liệu, người thợ phải tôn trọng nguyên tắc "tre nứa chẻ từ ngọn xuôi, song mây lóc từ gốc ngược"...

Tùy từng loại sản phẩm, đồng bào sử dụng kỹ thuật đan lát khác nhau. Đan mâm dùng kỹ thuật xâu xiên rất ít người làm được. Đan gùi dùng kỹ thuật lóng đôi và lóng ba... Đồng bào Khơ Mú bảo, đan gùi lúa và hộp đựng xôi phải áp dụng nhiều kỹ thuật khác nhau để tạo thành hoa văn thì người sử dụng chúng mới "ăn nên làm ra".

"Đã là người Khơ Mú thì ai cũng biết đan. Để đan được một chiếc mâm đẹp và bền phải mất 5 ngày công. Với ghế mây thì chỉ 1 ngày có thể hoàn thành. Nhờ nghề này mà bà con đã có của ăn, của để..." - nghệ nhân Cụt Văn Áng ở bản Đình Sơn, xã Hữu Kiệm, Kỳ Sơn, Nghệ An chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem