Tâm sự của cô giáo dạy nhạc, xoay xở không nổi với dịch Covid-19

Thùy Anh Thứ ba, ngày 10/08/2021 06:00 AM (GMT+7)
Thất nghiệp, không có thu nhập, không có tiền trả thuê phòng trọ... là những gì đang diễn ra đối với Quỳnh Phương - một giáo viên trẻ dạy thanh nhạc trong thời dịch Covid-19.
Bình luận 0

Những ngày ở nhà phòng dịch Covid-19, Quỳnh Phương vẫn luôn luyện giọng, chơi đàn piano. Giọng hát đầy ấm áp, dịu dàng của cô được rất nhiều bạn trẻ yêu thích. Video: Quỳnh Phương

Mất việc làm, không có thu nhập do dịch Covid-19

Quỳnh Phương, 23 tuổi, sau 1 năm tốt nghiệp Khoa sư phạm nhạc, Trường ĐH Sư Phạm Trung ương nhưng cô vẫn chưa thể xin được việc làm. Cô chọn cách  đi dạy thêm piano và thanh nhạc kiếm sống.

Cô kể, năm ngoái mỗi ngày còn đi dạy được 1-2 ca, thu nhập mỗi tháng cũng được tầm 7-10 triệu đồng/tháng, nhưng những tháng có dịch Covi-19, cô gần như không có thu nhập. Hà Nội giãn cách thì cô cũng thất nghiệp luôn.

"Gia đình khó khăn nên từ lúc đi học em cũng tự lo. Lúc tốt nghiệp đi làm, em mua xe máy trả góp nên suốt từ lúc đó tới giờ thu nhập chỉ đủ ăn, trả tiền nhà trọ, tiền nợ mua xe máy", Phương kể.

Chính bởi vậy nên suốt thời gian đi làm, cô giáo trẻ không có tích lũy. Giờ Hà Nội giãn cách phòng dịch Covid-19, tiền không có, cô không thể bám trụ được nơi đô thị này. Cô mong giờ được về quê để giảm chi phí sinh hoạt nhưng không thành hiện thực.

Tâm sự của cô giáo dạy nhạc, thất nghiệp gặp khó trong dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Bố Quỳnh Phương trông cháu cho anh trai hiện cũng đang kẹt lại Hà Nội vì dịch Covi-19. Ảnh: NVCC

"Công việc không có, thu nhập cũng không mà ở Hà Nội chi tiêu tốn kém quá. 2 tháng nay, em đã phải trả phòng trọ về nhà trọ của anh trai ở nhờ. Sinh hoạt, ăn uống cũng rất tốn kém phải nhờ hết vào anh. Vì thế, em chỉ mong được về quê cùng mẹ để đỡ chi tiêu mà không về được", Quỳnh Phương chia sẻ.

Cô cũng cho biết, gia đình anh trai cũng không dư giả gì. Anh cô làm thiết kế đồ họa nhưng cũng đang thất nghiệp, chị dâu thì mới đi làm chỉ có lương thử việc, giờ lại nghỉ giãn cách phòng dịch Covi-19. Chưa kể bố cô ra chăm con cho anh trai cũng đang mắc kẹt tại Hà Nội chưa về được.

Cả nhà 5 miệng ăn mà không một ai có thu nhập, công việc ổn định. Thương anh trai mà cô giáo trẻ cũng không biết làm gì.

"Hôm rồi, em qua một số group tìm thông tin để về quê nhưng mọi người nói giãn cách không về được, hoặc nếu có về phải làm xét nghiệm Covid-19. Tiền không có, nếu phải làm xét nghiệm rồi đi cách ly cũng tốn vài triệu đồng, nên em lại thôi", Quỳnh Phương tâm sự.

Không chỉ đàn giỏi, hát hay, cô giáo trẻ còn vẽ tranh rất đẹp. Ảnh: N.V

Ngoài đàn hát, Quỳnh Phương còn rất thích tham gia hoạt động vẽ tranh cùng bạn bè. Ảnh: NVCC

Hiện tại Quỳnh Phương ở nhà trọ cùng anh trai ở Cổ Nhuế - Phạm Văn Đồng (Hà Nội). Ở nhà rảnh nên cô vẫn nhận sửa bài trực tuyến cho các học trò. Tuy nhiên, công việc này cũng không mang lại thu nhập. 

Hà Nội: Sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm, có hoàn cảnh khó khăn vẫn được hỗ trợ

Chiều ngày 9/8, trao đổi với phóng viên báo Dân Việt, ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó giám đốc Sở LĐTBXH TP Hà Nội cho biết, hiện nay, ngoài hỗ trợ nhóm đối tượng theo Nghị Quyết 68 và Quyết định 23, Sở LĐTBXH cũng đã tham mưu cho thành phố hỗ trợ cho một số đối tượng đặc thù, trong đó có học sinh, sinh viên, người vừa tốt nghiệp chưa có việc làm. Những cô giáo trẻ vừa tốt nghiệp, kiếm sống nhờ dạy thêm nhưng lại đang thất nghiệp như Quỳnh Phương cũng thuộc nhóm đối tượng đặc thù được hỗ trợ. 

Hiện UBND thành phố có văn bản gửi các quận, huyện, chỉ đạo địa phương căn cứ vào tình hình kinh tế, xã hội, dịch bệnh ở từng nơi để từ đó quyết định các hình thức hỗ trợ. "Phương châm là không để một ai bị bỏ lại phía sau, không để một ai thực sự khó khăn mà không được hỗ trợ", ông Khánh nói.

Tâm sự của cô giáo dạy nhạc, thất nghiệp gặp khó trong dịch Covid-19 - Ảnh 4.

Đại diện Sở LĐTBXH thông tin có nhiều trường hợp là sinh viên vừa tốt nghiệp chưa có việc làm, gặp khó khăn trong dịch Covid-19 cũng đã được các quận, huyện thuộc thành phố hỗ trợ kịp thời. Ảnh: NVCC

Cũng theo ông Khánh, vừa qua quận Hà Đông (Hà Nội) cũng đã hỗ trợ cho mấy chục lao động thuộc nhóm đối tượng là người vừa tốt nghiệp chưa có việc làm ổn định như trường hợp của cô Quỳnh Phương.

Ông Khánh cũng thông tin thêm: "Các sinh viên khó khăn, người vừa tốt nghiệp chưa có việc làm có thể liên hệ với chính quyền địa phương hoặc quận đoàn, hoặc Thành đoàn để được hỗ trợ nhanh nhất có thể".

Báo cáo của sở LĐTBXH TP Hà Nội cũng cho thấy, tính đến hết ngày 6/8, các cơ quan chức năng Thành phố đã hỗ trợ cho gần 1,48 triệu người lao động bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19. Tổng kinh phí đã phê duyệt hỗ trợ là gần 97,4 tỷ đồng.

Ngoài các chính sách hỗ trợ chung theo Nghị quyết 68 và Quyết định 32, thành phố còn hỗ trợ cho 3.180 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn không có người tham gia thị trường lao động với kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Các quận, huyện, thị xã cũng hỗ trợ 22.000 người có hoàn cảnh khó khăn không thuộc đối tượng Nghị quyết 68 với tổng số tiền hơn 8,8 tỷ đồng. Đến thời điểm này, đại đa số trường hợp đủ điều kiện đã được thụ hưởng chính sách, nguồn lực hỗ trợ. Tổng số kinh phí đã chi hỗ trợ chung là hơn 89 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem