Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Trò chuyện với PV Dân Việt, ông Hoàng Văn Chất, sinh năm 1960, người dân tộc Thái cho biết, gia đình ông bắt đầu trồng cây ăn quả trên diện tích đất 5ha từ những năm 1988. Khu đất này nằm trên 1 quả đồi hẻo lánh, ít người lui tới. Muốn phát triển kinh tế, ông Chất cho rằng làm trang trại là phù hợp nhất.
Ban đầu, ông trồng mận, mơ, cà phê như hầu hết các hộ nông dân ở bản Củ 2. Tuy nhiên quá trình chăm sóc ông nhận thấy, khu vực này thường xuyên có sương muối vào mùa đông, vì vậy mơ mận cho năng suất rất thấp, phải tìm cây trồng khác thay thế.
Ngày đó tuy còn thiếu thốn, đường đi lại khó khăn nhưng ông Chất vẫn quyết tâm bỏ ra mấy triệu đồng để về Hà Nội tìm mua các tài liệu kỹ thuật, sách liên quan đến đất đai và cây trồng. Ông cũng đến Trường ĐH Nông nghiệp I (nay là Học viện Nông nghiệp VN) để tìm các cây giống phù hợp với đất.
Đến năm 2012, ông Chất đưa các giống cam V2, cam Cara, bưởi trồng xen vào hơn 2ha cà phê. Cây giống được ông tìm mua tại các cơ sở uy tín ở Hà Nội. Đến năm thứ 3-4, gia đình ông đã có thu nhập ổn định từ cam, bưởi.
Ông Chất quan niệm, mình trồng cây ăn quả không chỉ gia đình ăn, mà còn bán ra chợ cho người thân quen, họ hàng, vì vậy phải đảm bảo chất lượng, uy tín.
"Tôi đặt tiêu chí sạch, ngon lên hàng đầu nên thương lái gần xa rất thích mua. Tới mùa cam chín, thương lái các nơi tự vào tận vườn cắt cam, có lúc còn tranh nhau mua. Năm vừa rồi, tôi thu hoạch khoảng 200 tấn cam, trừ chi phí bình quân lãi khoảng 900 triệu đồng/ha. Nhìn chung từ ngày trồng cam, bưởi đến giờ, hầu như năm nào tôi cũng có lãi" - ông Chất vui vẻ kể.
Nhận thấy cây cam, bưởi phù hợp với đất đai Sơn La, ông đã hướng dẫn, tư vấn nhiều hộ đồng bào người Thái, người Mông ở Chiềng Ban cùng trồng theo. Đến năm 2018, ông Chất đã đứng ra thành lập Hợp tác xã Trường Tiến, do ông làm Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị, với 12 thành viên.
Để tìm đầu ra cho sản phẩm trái cây của các thành viên, đích thân ông Chất đã lặn lội đi Hà Nội, Hải Phòng, vào tận Bình Dương tìm khách hàng.
Kết quả là sau những chuyến đi đó, sảm phẩm trái cây của HTX đã được tiêu thụ tại siêu thị BigC, các doanh nghiệp buôn bán nông sản ở Hải Phòng, Bình Dương...
Đến nay, số thành viên của HTX đã tăng lên 32 người, diện tích trồng cây ăn quả hơn 30ha. Chủ yếu bà con trồng các giống cây có múi đang thịnh hành trên thị trường như cam Vinh, V2, cam Cara, cam Canh, bưởi da xanh, bưởi Diễn...
Bên cạnh đó, HTX còn liên kết với gần 500 hộ dân tại 7 huyện: Quỳnh Nhai, Sông Mã, Thuận Châu, Sốp Cộp... trồng trên 400ha cam các loại.
Vì vậy, sản lượng trái cây thu hoạch hàng năm rất lớn, lên tới hàng chục nghìn tấn. Khi xảy ra đại dịch Covid-19, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, việc tiêu thụ lượng trái cây của HTX cũng như bà con gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Chất, ưu điểm của một số giống cam là có thể lưu lại trên cây thời gian dài, nên nếu giá thấp quá bà con có thể chậm thu hoạch, đợi giá lên. Nhưng nhiều loại nông sản khác ở Sơn La khi chín bắt buộc phải hái, nếu không sẽ ảnh hưởng đến năng suất vụ sau như xoài, nhãn, thanh long...
"Thêm vào đó, khoảng cách từ Sơn La đến các thị trường tiêu thụ lớn còn khá xa, đi lại mất nhiều thời gian. Vì vậy có lúc giá xoài, nhãn giảm sâu mà tiêu thụ vẫn rất chậm. Phải tới khi Chính phủ ban hành quy định 128 về bình thường mới trong bối cảnh dịch Covid-19, những khó khăn trong tiêu thụ nông sản mới dần được tháo gỡ" - ông Chất cho hay.
Khi biết được thông tin sắp tới tại Sơn La sẽ diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân, ông Hoàng Văn Chất rất phấn khởi, vui mừng. Ông bày tỏ mong muốn được chia sẻ tâm tư, nguyện vọng với người đứng đầu Chính phủ.
"Cá nhân tôi rất mong Sơn La sớm có đường cao tốc, đi Hà Nội làm sao chỉ còn khoảng 2 giờ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong sân bay Nà Sản sớm được đầu tư, vì trái cây Sơn La không chỉ tiêu thụ ở Hà Nội, mà sẽ bay đi Đà Nẵng, TP.HCM, và xuất khẩu đi nước ngoài. Có đường cao tốc, nông sản sẽ đi nhanh hơn, bán được giá hơn" - ông Chất chia sẻ tâm tư.
Ngoài ra, ông Hoàng Văn Chất - nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020 cho biết: Giá cả vật tư đầu vào cho sản xuất hiện nay cao quá. Riêng với phân bón, chúng tôi đề nghị Nhà nước phải giám sát chặt chẽ hơn về chất lượng. Đừng để xảy ra tình trạng bao bì 1 đường, trong ruột một nẻo, hay có chuyện đơn vị kiểm định và doanh nghiệp sản xuất phân bón cùng "sân" với nhau. Bởi nếu phân bón không đạt chất lượng như công bố, người thiệt hại lớn nhất chính là nông dân.
"Sơn La hiện là thủ phủ cây ăn quả của miền núi phía Bắc, sản lượng trái cây rất lớn, vì vậy chúng tôi cũng mong Nhà nước và các doanh nghiệp quan tâm đầu tư mạnh hơn nữa vào chế biến sâu. Hiện nay trên địa bàn đã có Nhà máy chế biến hoa quả tươi của TH, Nafoods và một số cơ sở khác, nhưng công suất vẫn còn thấp" - ông Chất chia sẻ thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.