Tận dụng thời gian vàng để “bắt” virus corona nCoV

Diệu Linh Thứ bảy, ngày 01/02/2020 09:33 AM (GMT+7)
PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, bây giờ chính là thời gian vàng để sớm “bắt’ được các ca bệnh nhiễm nCoV và ngăn chặn dịch bệnh không bùng phát.
Bình luận 0

PV: Tại sao lại coi bây giờ là “thời gian vàng" để bắt virus corona nCoV, thưa ông?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Hiện nay, chúng ta đang làm tốt công tác kiểm tra, phát hiến sớm các ca bệnh nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV). Đồng thời, điều tra dịch tễ rõ “đường đi nước bước” của từng bệnh nhân, tìm được từng địa điểm bệnh nhân đã dừng, lên danh sách từng người tiếp xúc với bệnh nhân đề kịp thời khử trùng và theo dõi.

Cho đến nay, 5 ca bệnh nCoV mà Việt Nam phát hiện thì 4 ca là bệnh thâm nhập (1 bệnh nhân người Trung, 3 bệnh nhân Việt Nam đều đi đến Vũ Hán (Trung Quốc) và mang bệnh từ vùng dịch về). Một bệnh nhân người Trung Quốc (cha của người từ Vũ Hán đến) tiếp xúc gần nên lây bệnh. Chúng ta chưa phát hiện được ca bệnh nào khác bị lây nhiễm ở cộng đồng.

img

PGS.TS Trần Đắc Phu

5 ca bệnh đều được phát hiện ở bệnh viện, cho thấy tầm quan trọng của việc “canh cửa” ở các cơ sở y tế. Tuy việc kiểm soát thân nhiệt, kê khai y tế ở các cửa khẩu rất quan trọng nhưng tỷ lệ “bắt” được các ca bệnh ở đây rất nhỏ. Chưa kể trên thế giới đã có trường hợp uống thuốc giảm sốt để qua cửa hải quan, điều này gây khó khăn cho việc phát hiện ca bệnh sớm.

Do đó, các cơ sở y tế cần phải cảnh giác với các ca bệnh nghi nhiễm nCoV, thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng để thực hiện các biện pháp kiểm soát tình hình. Nếu chúng ta chặn được những ca bệnh sớm, dịch không lan ra cộng đồng sẽ thành công trong việc ngăn chặn dịch. Đây cũng là thời điểm vàng – thời điểm nhạy cảm khi người Trung Quốc đến Việt Nam và người Việt Nam từ Trung Quốc về đang trong thời gian ủ bệnh và bùng phát bệnh. Chúng ta phải nắm chặt thời gian này để phát hiện ca bệnh sớm.

img

Người dân cần tuân thủ khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng nCoV

Ông có thể đánh giá thế nào về mức độ nghiêm trọng của dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV?

- Tôi phải khẳng định, tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV đang diễn ra quá nhanh ở Trung Quốc với mỗi ngày hơn 1.000 ca mắc mới, vài ngày gần đây mỗi ngày còn gần 2.000 ca mắc mới. Số ca mắc đã vượt qua dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona SARs (2002-2003) khiến hơn 8.000 người mắc trên thế giới, gần 800 người tử vong (riêng Trung Quốc là hơn 5.200 ca và hơn 370 ca tử vong).

Mặc dù tỷ lệ tử vong không cao (chỉ 2-3%) so với SARs (hơn 9%), nhưng mức độ lây lan quá nhanh. Hơn nữa, thông tin, điều tra dịch tễ về virus nCoV vẫn còn là ẩn số với các chuyên gia thế giới và trong nước. Hiểu biết về căn bệnh này, về virus, nguồn lây bệnh... còn chưa rõ ràng... Chúng ta vẫn phải thận trọng, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa.

Tuy nhiên, người dân không nên quá hoang mang vì Việt Nam đã thực hiện các biện pháp cần thiết nhất để ngăn chặn dịch bệnh. Thậm chí các biện pháp như đo thân nhiệt ở cửa khẩu, kê khai y tế, tạm ngừng cấp thị thực cho người Trung Quốc, thành lập ban chỉ đạo, chuẩn bị cho nguồn lực, yêu cầu các ban ngành chính quyền vào cuộc... chúng ta đã làm sớm, trước khi có cảnh báo của Tổ chức y tế thế giới của WHO.

img

Một người Việt Nam mắc nCoV đang được điều trị ở BV đa khoa Thanh Hóa

Sau khi WHO tuyên bố dịch virus nCoV là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu đã khiến người dân lo lắng, hoang mang và mong muốn ngành y tế phải đề xuất các biện pháp “ráo riết, cấp tập, chặt chẽ” hơn. Ông nhận định ra sao về điều này?

- Như bà Satoko – đại diện WHO tại Việt Nam đã chia sẻ: Người dân cần hiểu rõ việc WHO thông báo tuyên bố dịch virus nCoV là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu không phải là nâng mức đe dọa, mức nguy hiểm của bệnh dịch đối với toàn cầu trong đó có Việt Nam mà chỉ nhằm mục đích khẳng định các nước cần hối hợp toàn cầu, cần sự hỗ trợ nhau để đáp ứng phòng chống dịch bệnh. WHO lo ngại bệnh dịch lan đến các nước có điều kiện y tế chưa đủ mạnh sẽ không thể ngăn chặn được dịch bệnh, do đó cần các nước chung tay hỗ trợ lẫn nhau khi cần. 

Hiện nay, Chính phủ đã chỉ đạo rốt ráo, các ban ngành, chính quyền địa phương cũng vào cuộc. Bộ Y tế quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng dịch. Hiện tình hình dịch bệnh cũng đang được kiểm soát tốt. Mức độ phòng dịch thế nào thì đáp ứng cho hợp lý chứ không phải là có bệnh dịch đi đến cùng tất các biện pháp. Vì ảnh hưởng an ninh xã hội, kinh tế là rất quan trọng, dù chúng ta quyết liệt phòng dịch nhưng phải cân nhắc thật thấu đáo.

Người dân cần bình tĩnh, đồng lòng tuân thủ các biện pháp phòng bệnh mà Bộ Y tế đề ra thì dịch bệnh sẽ sớm được ngăn chặn.

Vậy những ai có nguy cơ bị mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV? Liệu những người bị ho, sốt có nên lo ngại về việc mắc nCoV?

- Tôi xin nhấn mạnh rằng chúng ta chỉ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Theo những hiểu biết ban đầu, hiện nay, nguồn bệnh có thể là động vật mang mầm bệnh hoặc tiếp xúc với người mang mầm bệnh nCoV. Bệnh lây theo đường hô hấp nên có thể lây truyền qua giọt nước bọt qua ho, hắt hơi hoặc lây truyền qua tay chân, vật dụng mà virus bám vào.

Những người có nguy cơ cao bị lây nhiễm là người đi từ vùng dịch trở về, những người tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc gần với những người đi từ vùng dịch về mà nhiễm bệnh như những người cùng chung sống, sinh hoạt với những người nhiễm bệnh; Những người đi cùng máy bay, ôtô, tàu..., trong các đám tụ họp, trong bệnh viện mà có người bị nhiễm bệnh; Những người làm công tác ở sân bay, cửa khẩu mà phải tiếp xúc với những người nhập cảnh nhiễm bệnh...; Những người nhà, nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân...

Nói tóm lại, những người có nguy cơ cao là những người tiếp xúc với nguồn bệnh mà không thực hiện các biện pháp phòng bệnh một cách nghiêm ngặt vì bệnh do virus nCoV rất dễ lây.

Do đó, chỉ những người bị sốt, ho và đi từ vùng dịch về hoặc tiếp xúc với người bị bệnh mới “nghi nhiễm bệnh”. Khi đó, các bạn cần gọi điện cho cơ sở y tế, chính quyền sở tại để được tư vấn và đưa đi khám xác định có bị mắc nCoV hay không và được điều trị kịp thời.

img

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kiểm tra công tác phòng chống dịch nCoV tại Khánh Hòa ngày 30/1

Còn những người đi từ vùng dịch về mà không bị sốt, ho thì sao thưa ông?

- Bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV có thời gian ủ bệnh tới 14 ngày. Do đó, bạn từ vùng dịch về mà chưa phát bệnh không có nghĩa bạn không nhiễm nCoV. Do đó, người đi từ vùng dịch về cần khai báo y tế với chính quyền địa phương, tự cách ly tại nhà, hạn chế tiếp xúc với mọi người, kể cả người thân, thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi, tuân thủ rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác vì đây là bệnh có cơ chế lây qua đường hô hấp, qua không khí, qua giọt bắn khi hắt hơi. 

Trong thời gian cách ly tại nhà, nếu có các dấu hiệu như sốt, ho, khó thở... thì cần gọi điện thông báo cho ngành y tế theo số điện thoại miễn phí 19003228 ngay lập tức đến cơ sở y tế để được tư vấn, thăm khám và hướng dẫn cách ly y tế, điều trị kịp thời, tránh lây lan cho cộng đồng.

Tại các cơ sở y tế, khi bệnh nhân đã nghi ngờ mắc bệnh đang chờ kết quả xét nghiệm cũng cần tuân thủ quy trình về cách ly, điều trị và bảo hộ để tránh lây lan cho cộng đồng, đặc biệt lây nhiễm chéo sang nhân viên y tế. Việc điều trị cho những trường hợp bệnh nhân đã mắc bệnh sẽ tuân theo phác đồ của Bộ Y tế đã ban hành và dựa trên từng thể trạng của bệnh nhân.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem