Tăng 1.000 đồng thuế BVMT xăng dầu, ngân sách có thêm hàng chục nghìn tỷ

Hoàng Thắng Thứ ba, ngày 16/05/2017 13:31 PM (GMT+7)
“Chỉ cần tăng thêm 1.000 đồng/lít tiền thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, ngân sách Nhà nước đã có thêm hàng chục nghìn tỷ đồng. Nếu tăng lên tối đa là 8.000 đồng/lít, số tiền thu về cho ngân sách Nhà nước rất lớn” – ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp Hội Xăng Dầu Việt Nam chia sẻ.
Bình luận 0

imgTăng 1.000 đồng thuế BVMT xăng dầu, ngân sách có thêm hàng chục nghìn tỷ

Ủng hộ chủ chương tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với mặt hàng xăng dầu, ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp Hội Xăng Dầu Việt Nam cho rằng, dù chưa có lộ trình cụ thể, song cần sớm điều chỉnh tăng các khoản thuế nội địa, đưa thuế tiêu thụ đặc biệt và BVMT với xăng dầu lên sao cho chúng chiếm trên 50% cơ cấu giá, nhằm đảm bảo nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Dù có nhiều ý kiến phản đối, cho rằng việc tăng thuế BVMT với xăng dầu khiến giá xăng dầu tăng, đồng thời sẽ tác động tiêu cực tới chỉ số giá tiêu dùng và chỉ số lạm phát, song ông Ruệ cho rằng, mỗi công dân đều phải có trách nhiệm nộp thuế.

“Việc tăng mức thu thuế BVMT với xăng dầu các quốc gia khác đều làm. Ví dụ, tôi lấy mức thuế nhập khẩu xăng dầu hiện tại là 20%. Nếu sau này thuế nhập khẩu xăng dầu giảm xuống 0% thì phải tìm một khoản thu khác bù đắp vào khoản 20% bị hao hụt này. Đây rõ ràng là trách nhiệm của công dân với Nhà nước. Còn với doanh nghiệp, nếu bây giờ thuế nhập khẩu xăng dầu từ 20% giảm xuống còn 10% - bằng mức giá Hàn Quốc đang áp dụng, sau đó tăng thuế nội địa lên thì mức giá bán xăng dầu sẽ không thay đổi” – ông Ruệ giải thích.

img

Ông Phan Thế Ruệ ủng hộ tăng thuế BVMT xăng dầu lên 8.000 đồng/lít

Theo ông Phan Thế Ruệ, Hiệp hội Xăng Dầu đã nhiều lần đề xuất Chính phủ xem xét điều chỉnh tăng các sắc thuế nội địa của sản phẩm xăng dầu để đảm bảo nguồn thu ngân sách Nhà nước, bù đắp phần hụt thu do cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết quốc tế, đồng thời cùng xử lý hài hòa 3 lợi ích của Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp. Đồng thời, nhất quán trong chủ trương đường lối phát triển thị trường xăng dầu trước mắt cũng như lâu dài của Việt Nam.

Ông Ruệ cho biết: “Đây là vấn đề cân đối ngân sách của Nhà nước. Chỉ cần tăng thêm 1.000 đồng/lít tiền thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, ngân sách Nhà nước đã có thêm hàng chục nghìn tỷ đồng. Nếu tăng lên giới hạn là 8.000 đồng/lít, số tiền thu về cho ngân sách Nhà nước rất lớn. Từ số tiền này, có thể giải quyết những vấn đề môi trường ở một số địa phương do xăng dầu gây ra”.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng: “Sớm muộn gì thuế nhập khẩu xăng dầu cũng về 0%, điều này có nghĩa chúng ta phải tăng các khoản thu trong nước. Chúng ta có thể tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế BVMT với xăng dầu. Đây là xu thế phát triển tất yếu của tất cả các quốc gia trên Thế giới. Đặc biệt là khi nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế Thế giới, chúng ta phải thay đổi cơ cấu thu, từ thu thuế nhập khẩu sang thu thuế nội địa là chủ yếu”.

TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, tình hình thị trường xăng dầu trên thế giới biến đổi khá nhanh. Còn ở trong nước, việc quản lý, điều hành thị trường xăng dầu đang tồn tại nhiều vấn đề. Đó là nghị định cũ chưa hết hiệu lực, nghị định mới đã xuất hiện. Từ đó, TS. Doanh kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước cần hoạt định những chính sách mang tính chất lâu dài hơn, nhằm giữ cho các điều kiện kinh doanh ổn định hơn.

Về việc điều hành, quản lý giá xăng dầu, TS. Lê Đăng Doanh cho biết: “Nhà nước can thiệp quá sâu vào thị trường về giá cả, không theo kịp diễn biến thị trường thế giới, hiệu lực và hiệu quả của giá cơ sở và Quỹ bình ổn giá cần được xem xét một cách cầu thị từ thực tế. Ngoài ra, thị trường thiếu tính cạnh tranh, các công ty xăng dầu chỉ có một giá thống nhất là không phù hợp với cơ thế thị trường.

Theo tôi, cần xem xét cho nên cho phép có giá xăng dầu cạnh tranh trong một biên độ nhất định không? Tránh tình trạng tất cả Tổng Công ty, Tổng đại lý, các cửa hàng đều có giá bán như nhau. Điều này không thể thúc đẩy cạnh tranh. Về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đây là quỹ do tiền của người dân góp vào. Nhưng việc quản lý quỹ lại không có sự tham gia của người dân. Vậy sau này có nên để đại diện Hội Người tiêu dùng, hay một tổ chức, Hiệp hội nào đó tham gia không?”.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem