Tăng thuế xăng lên 8.000đ: Bộ chưa trình, Hiệp hội đã đề xuất với Chính phủ?

Hoàng Thắng Thứ ba, ngày 23/05/2017 07:00 AM (GMT+7)
Dù dự thảo tăng thuế BVMT của Bộ Tài chính còn chưa trình Chính phủ, song ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết phía Hiệp hội đã nhiều lần gửi đề xuất Chính phủ xem xét điều chỉnh tăng các sắc thuế nội địa của sản phẩm xăng dầu.
Bình luận 0

img

Bộ Tài chính chưa trình, Hiệp hội Xăng dầu đã đề xuất với Chính phủ tăng thuế xăng dầu?

Hiệp hội Xăng dầu “cầm đèn chạy trước ô tô”?

Theo lộ trình, trong 4.2017,  Bộ Tài chính tiến hành lấy ý kiến các đơn vị, tổ chức, cá nhân về dự án Luật thuế bảo vệ môi trường. Tới tháng 5 này, Bộ sẽ xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp về dự án Luật thuế bảo vệ môi trường. Sang tháng 6, Bộ tiếp tục trình Chính phủ dự án luật để Chính phủ trình Quốc hội.

Tiếp đó, tháng 8 sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật. Tới tháng 9.2017, dự án luật sẽ được gửi đến đại biểu Quốc hội sau khi đã có ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tháng 10.2017 trình Quốc hội xem xét thông qua.

Song mới cách đây 1 tuần, tại một cuộc hội thảo do  Hiệp hội Xăng dầu tổ chức, ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho  biết: Hiệp hội đã nhiều lần đề nghị với Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành nên có lộ trình điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế BVMT trước. Tới năm 2024, tiếp tục điều chỉnh thuế GTGT (VAT) trong lĩnh vực xăng dầu.  

Cụ thể, ông Ruệ cho rằng, dù chưa có lộ trình cụ thể, song cần sớm điều chỉnh tăng các sắc thuế nội địa, đưa thuế tiêu thụ đặc biệt và BVMT với xăng dầu lên nhằm bù đắp phần hụt thu do cắt giảm thuế nhập khẩu. Sao cho hai sắc thuế này chiếm trên 50% cơ cấu giá, đảm bảo nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Dù có nhiều ý kiến phản đối, song ông Ruệ giải thích: “Đây thực ra là vấn đề cân đối Ngân sách Nhà nước. Chỉ cần tăng thuế BVMT thêm 1.000 đồng/lít thôi, chúng ta đã thu hàng chục nghìn tỷ đồng rồi. Nếu tăng lên giới hạn 8.000 đồng/lít, số tiền thu về từ thuế BVMT rất lớn. Từ số tiền này, có thể giải quyết những vấn đề môi trường ở một số địa phương do xăng dầu gây ra.

Ngoài ra, dầu thô đang giảm giá như hiện nay khiến Nhà nước mất rất nhiều tiền. Cộng thêm lộ trình giảm thuế, Nhà nước sẽ còn mất thêm tiền nữa. Tỷ lệ thu từ xăng dầu thôi trước đây phải chiếm từ 14 – 15% thu Ngân sách, bây giờ chỉ còn từ 7 – 8%. Rõ ràng mức độ sụt giảm này làm giảm thu Ngân sách Nhà nước. Vì vậy chúng ta phải quan tâm tới 3 lợi ích của Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp. Trong đó, lợi ích của Nhà nước là quan trọng nhất vì cần có tiền để xây dựng và bảo vệ đất nước. Là công dân Việt Nam, ai cũng phải hiểu điều đó”.

Theo ông Ruệ, nếu giảm thuế nhập khẩu mà tăng thuế nội địa thì giá bán lẻ xăng dầu không thay đổi. Vì giá bán lẻ phụ thuộc vào nhiều loại thuế, tăng thuế này, giảm thuế kia thì giá vẫn không thay đổi.

Đề xuất mang nhiều dấu hỏi

Chỉ ít ngày sau, ông Ruệ lại tiếp tục chia sẻ trên một kênh truyền hình rằng, sự ủng hộ của mình chỉ theo xu thế vì Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ ô nhiễm môi trường.

img

Đề xuất của ông Phan Thế Ruệ vấp phải sự phản ứng dữ dội từ dư luận

Thậm chí, dù Hiệp hội Xăng dầu chưa nhận được thông báo của Bộ Tài chính về dự thảo tăng thuế môi trường song Hiệp hội Xăng dầu đã từng đề nghị với Bộ Tài chính nên đưa mức thuế môi trường với xăng dầu về 5.000 đồng/lít để tránh gây sốc cho người tiêu dùng và nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo thông tin từ ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính), tỷ lệ thuế gồm thuế nhập khẩu, thuế TTĐB, thuế BVMT, thuế GTGT trên giá cơ sở của Việt Nam đang ở mức 37,24% đối với xăng, 21,14% đối với diesel, 11,5% đối với dầu hỏa, 18,4% đối với mazút.

Lúc này, câu hỏi được nhiều độc giả đặt ra là: “Mức thuế BVMT xăng dầu 5.000 đồng/lít có đủ sức đáp ứng mục đích đưa thuế tiêu thụ đặc biệt và BVMT với xăng dầu chiếm trên 50% cơ cấu giá mà ông Ruệ đưa ra ban đầu?”

Một câu hỏi khác là:“Tại buổi hội thảo ngày 16.5, sau nhiều lần nhắc tới nghĩa vụ nộp thuế của người dân. Đồng thời, nhấn mạnh số tiền rất lớn thu về từ thuế BVMT nếu tăng thuế BVMT lên giới hạn 8.000 đồng/lít, dù phóng viên đã đặt vấn đề việc tăng thuế BVMT xăng dầu sẽ tác động tiêu cực tới chỉ số giá tiêu dùng và chỉ số lạm phát. Vì sao ông Ruệ lại bất ngờ đề xuất mức thuế BVMT xăng dầu 5.000 đồng/lít để tránh gây sốc cho người tiêu dùng và nền kinh tế?”.

Về phía Bộ Tài chính, xung quanh đề xuất tăng khung thuế BVMT xăng dầu từ 1.000 - 4.000 đồng/lít lên 3.000 - 8.000 đồng/lít, ông Phạm Đình Thi đã thông tin tới báo chí: “Căn cứ vào nhiều yếu tố như cam kết quốc tế về cắt giảm dần thuế nhập khẩu, giá xăng dầu của Việt Nam so với các nước trên thế giới, tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ xăng dầu, tại dự án Luật thuế BVMT sửa đổi, Bộ Tài chính chỉ đề xuất điều chỉnh khung thuế BVMT đối với xăng dầu. Mức thuế BVMT cụ thể đối với xăng vẫn áp dụng như hiện hành là 3.000 đồng/lít.

Trên cơ sở đánh giá tác động cụ thể đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tới giá bán lẻ xăng dầu và đời sống người dân, tùy vào điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ, Chính phủ sẽ trình UBTVQH quyết định mức thuế bảo vệ môi trường cụ thể đối với xăng dầu trong phạm vi khung quy định tại Luật cho phù hợp”.

Từ đây, một câu hỏi tiếp tục được đặt ra là: “Bộ Tài chính vẫn đề xuất mức thuế BVMT cụ thể đối với xăng vẫn áp dụng như hiện hành là 3.000 đồng/lít. Và dự án Luật thuế bảo vệ môi trường còn chưa trình Chính phủ. Vì sao Hiệp hội lại sốt sắng đề nghị với Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành sớm điều chỉnh tăng các sắc thuế nội địa với xăng dầu?”

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem