Tăng tốc khôi phục sản xuất nông nghiệp sau dịch (bài cuối): Đảm bảo đủ lương thực phục vụ trong nước và xuất khẩu

Khánh Nguyên Chủ nhật, ngày 17/10/2021 06:30 AM (GMT+7)
9 tháng năm 2021, ngành trồng trọt đã duy trì được đà tăng trưởng ấn tượng. Theo ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT, việc cung ứng đủ lương thực, thực phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu của ngành vẫn đảm bảo đúng kế hoạch.
Bình luận 0
Tăng tốc khôi phục sản xuất nông nghiệp sau dịch (bài cuối): Đảm bảo đủ lương thực phục vụ trong nước và xuất khẩu - Ảnh 1.

Theo ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT, việc cung ứng đủ lương thực, thực phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu của ngành vẫn đảm bảo đúng kế hoạch. Ảnh: CTV.

9 tháng qua, so với các lĩnh vực khác trong ngành nông nghiệp, lĩnh vực trồng trọt đã đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng dù dịch Covid-19 tác động nhiều đến việc lưu thông, tiêu thụ nông sản. Ông đánh giá như thế nào về kết quả này?

- Phải khẳng định, trong điều kiện dịch Covid -19 diễn biến phức tạp nhưng ngành trồng trọt vẫn thực hiện nghiêm túc theo kế hoạch của ngành đã đề ra từ đầu năm 2021, sản xuất lúa đông xuân, hè thu, thu đông đều đảm bảo diện tích đề ra, trong khung thời vụ được khuyến cáo; diện tích các loại cây công nghiệp, rau màu vẫn phát triển ổn định, theo các kế hoạch đã đặt ra.

Trong khi đó, thời tiết, khí hậu năm nay khá thuận lợi cho sản xuất, giúp năng suất nhiều loại cây trồng cao hơn năm trước, giúp duy trì được tốc độ tăng trưởng của ngành trồng trọt.

Đối với lúa, tính đến trung tuần tháng 9, cả nước gieo cấy được 7,13 triệu ha, giảm 5.700ha so với cùng kỳ.

Trong đó, các địa phương phía Bắc đã gieo cấy được 2,3 triệu ha, giảm 0,8%; địa phương phía Nam đã gieo cấy được 4,83 triệu ha, tăng 0,3%.

Diện tích đã thu hoạch đạt khoảng 5,3 triệu ha, sản lượng khoảng 33,5 triệu tấn thóc.

Chỉ tính riêng vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL, theo báo cáo từ các Sở NNPTNT, năm 2021 diện tích lúa toàn vùng Nam Bộ đạt 4,16 triệu ha, năng suất ước đạt 61,8 tạ/ha, sản lượng ước đạt 25,7 triệu tấn, tăng 515.000 tấn so với cùng kỳ năm 2020.

Tăng tốc khôi phục sản xuất nông nghiệp sau dịch (bài cuối): Đảm bảo đủ lương thực phục vụ trong nước và xuất khẩu - Ảnh 1.

Thị xã Chí Linh (Hải Dương) tổ chức thành công xuất khẩu nhãn sang EU. Ảnh: C.L

Tăng tốc khôi phục sản xuất nông nghiệp sau dịch (bài cuối): Đảm bảo đủ lương thực phục vụ trong nước và xuất khẩu - Ảnh 2.

9 tháng qua, sản lượng và giá trị xuất khẩu các sản phẩm của ngành trồng trọt như tiêu, cà phê, cao su, sắn và sản phẩm từ sắn… đều tăng. Theo ông, điều gì làm nên thành công này?

- Báo cáo của Bộ NNPTNT, 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 35,5 tỷ USD, trong đó có nhiều mặt hàng của ngành trồng trọt tăng cả về giá trị và sản lượng xuất khẩu, điển hình như sắn và sản phẩm từ sắn, cao su, tiêu, cà phê…

Riêng xuất khẩu gạo, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, lũy kế đến nửa đầu tháng 9 đạt 4,23 triệu tấn, trị giá 2,26 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2020 giảm 12,09% về lượng và giảm 4,53% về giá trị.

Tôi cho rằng sản xuất trồng trọt có những điểm đặc thù hơn so với những ngành khác. Ví dụ với các loại cây công nghiệp, bà con nông dân có thể linh động trong việc chăm sóc, thu hoạch, có thể chăm sóc muộn hoặc sớm hơn một chút miễn là đảm bảo chất lượng.

 Sản xuất lúa cũng vậy, có thể linh động trong vấn đề gieo cấy, miễn là trong khung thời vụ được khuyến cáo.

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 khiến người dân thay đổi thói quen sinh hoạt, tiêu dùng, cộng với nhu cầu thị trường ngày càng cao giúp các sản phẩm của ngành trồng trọt có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu.

Dù đã đạt được kết quả khả quan nhưng theo ông ngành trồng trọt vẫn đang gặp phải khó khăn gì để duy trì đà tăng trưởng?

- Theo tôi, khó khăn lớn nhất vẫn là vấn đề về lưu thông, tiêu thụ sản phẩm. Ví dụ, với sản xuất lúa, mục tiêu đến cuối năm 2021 là sản xuất đủ 43,3 triệu tấn thóc cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Với tình hình hiện tại thì ngành hoàn toàn có thể đảm bảo.

Tuy nhiên, cũng phải tính đến sự bất thường của thời tiết, diễn biến của dịch Covid - 19. Cục Trồng trọt đã xây dựng phương án khôi phục sản xuất sau dịch Covid-19, đang trình lãnh đạo Bộ NNPTNT xem xét ban hành. Sau khi ban hành các địa phương bám vào đó để có kế hoạch tổ chức khôi phục sản xuất hiệu quả.

Để đảm bảo sản xuất thuận lợi, các địa phương cần có giải pháp đồng bộ, quyết liệt theo tinh thần Chỉ thị 26 của Thủ tướng, đảm bảo khâu lưu thông thông suốt, các địa phương không thể áp dụng quy định riêng mà phải thực hiện theo chính sách chung vì các sản phẩm của ngành trồng trọt đều có tính thời vụ.

Ông đánh giá như thế nào về khả năng cung ứng lương thực, rau màu của ngành trồng trọt từ nay đến cuối năm?

- Với tình hình sản xuất hiện tại, chúng tôi đảm bảo cung ứng đủ lương thực cho thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu. Hiện, chúng tôi đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa thu đông; triển khai kế hoạch vụ đông xuân 2021 - 2022.

Xin cảm ơn ông!

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem