De Heus hiến kế xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi
Tập đoàn Hoàng gia Hà Lan sẵn sàng xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi khổng lồ tại Tây Nguyên
Thiên Hương
Chủ nhật, ngày 20/03/2022 19:00 PM (GMT+7)
Trước tình hình giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, lãnh đạo De Heus Việt Nam cho biết, doanh nghiệp sẵn sàng phối hợp xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, nhà máy sơ chế, kho trữ tại Tây Nguyên, nhằm giảm áp lực nhập khẩu.
De Heus sẵn sàng phối hợp xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, nhà máy sơ chế, kho trữ
Ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, do giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao từ năm 2021 đến nay, nên giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm đã tăng 18 - 22%.
"Mặc dù giá lợn giống đã hạ xuống khá hợp lý: từ 2,6 triệu giảm xuống 1,2 triệu/con, nhưng việc tăng chi phí thức ăn chăn nuôi đã làm cho lợi nhuận của người chăn nuôi lợn giảm mạnh, thậm chí không ít nông dân và chủ trang trại đang bị thua lỗ", ông Dương Tất Thắng nhận định.
Cục Chăn nuôi dự báo giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ vẫn duy trì và tăng đến hết năm 2022. Lí do là giá chào hàng nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam giao hàng sau tháng 8 vẫn ở mức tăng. Trong khi đó, năng lực năng lực sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước còn hạn chế, phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Tại Hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi heo và tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi do Bộ NNPTNT tổ chức mới đây, các đại biểu cho rằng lời giải cho bài toán này chính là từng bước chủ động sản xuất nguồn nguyên liệu trong nước, giảm áp lực nhập khẩu thức ăn chăn nuôi.
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH De Heus Việt Nam (thành viên của Tập đoàn Hoàng gia De Heus - Hà Lan) cho biết, bản thân các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi rất khó khăn vì giá nguyên liệu, logistics phi mã.
"Trong bối cảnh này, chúng tôi kiến nghị Bộ NNPTNT thông tin cho doanh nghiệp về kế hoạch xây dựng vùng sản xuất thức ăn chăn nuôi trọng điểm, vùng nào trồng cây gì để doanh nghiệp chủ động liên kết với địa phương. De Heus sẵn sàng phối hợp, xây dựng nhà máy sơ chế, kho trữ nguyên liệu thức ăn chăn nuôi… để góp phần chủ động nguồn nguyên liệu trong nước, hạ nhiệt giá thức ăn chăn nuôi", ông Hiếu nói.
Trong mảng chăn nuôi heo, ông Hiếu cho biết De Heus đang có vùng chăn nuôi, nhà máy giết mổ quy mô 2.500 con/ngày ở tỉnh Nam Định. Doanh nghiệp đang hướng đến xuất khẩu thịt heo tươi và sản phẩm chế biến.
Năm 2021, De Heus cùng đối tác đã chính thức đưa vào hoạt động Tổ hợp Nông nghiệp công nghệ cao DHN Đắk Lắk, quy mô 200ha; tiếp tục khởi công các Tổ hợp Nông nghiệp công nghệ cao DHN Gia Lai, Kon Tum, Tây Ninh...
Tại các tổ hợp này, ngoài trang trại chăn nuôi heo, gà, De Heus cùng đối tác xây dựng nhà máy giết mổ, xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, nhằm phục vụ hệ thống nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi mà De Heus đang sở hữu.
Cũng trong năm 2021, De Heus đã mua lại 14 nhà máy thức ăn chăn nuôi và premix của Tập đoàn Masan. Sau thương vụ này, De Heus trở thành doanh nghiệp có nhiều nhà máy thức ăn chăn nuôi nhất tại Việt Nam trong mảng thị trường độc lập. Vì vậy, hàng năm De Heus cần rất nhiều nguyên liệu thức ăn chăn nuôi để cung cấp cho hoạt động của các nhà máy.
Ông Nguyễn Quang Hiếu cho biết, De Heus đang lên kế hoạch để phát triển vùng trồng sắn nguyên liệu ở khu vực Tây Nguyên để làm thức ăn chăn nuôi trong vòng 2 - 3 năm tới.
Hiện tại nguồn nguyên liệu trong nước mới chỉ chiếm 10 - 15% trong cơ cấu nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi của công ty.
Trước đó, trả lời phỏng vấn của Báo Dân Việt, ông Johan van den Ban - Tổng Giám đốc De Heus Việt Nam và Campuchia cho biết, tính từ lần tăng giá đầu tiên vào cuối năm 2020, đến nay giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 10 lần và chưa có dấu hiệu dừng lại. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến cả doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi và người chăn nuôi.
"Việc chúng ta bị phụ thuộc vào nguyên liệu ngoại nhập đã khiến giá thức ăn chăn nuôi trong nước liên tục tăng "phi mã". De Heus vẫn luôn chủ động tìm nguồn nguyên liệu nội địa, thu mua từ các nhà sản xuất trong nước để giảm nhập khẩu. Chúng tôi đang mua cám gạo, cám mì, bột cá basa, bột cá biển, đường, một phần bắp từ nguồn cung nội địa…" - ông Johan van den Ban cho biết.
Cũng theo ông Johan van den Ban, hiện nay nhà máy của De Heus ở Bình Định đang thu mua rất nhiều bắp của Việt Nam. "Tuy nhiên, chúng tôi rất tiếc là sản lượng bắp nội địa hiện nay vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thu mua của chúng tôi" - vị Tổng Giám đốc này cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.