“Triết lý” gây sốc: Tàu rỉ sét do nước biển rất mặn!
Phải khẳng định rằng thời điểm Nghị định 67 của Chính phủ ra đời trong bối cảnh Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ về mặt kinh tế, mà còn để khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Có thể hiểu nôm na, chính sách này sẽ giúp ngư dân sở hữu được con tàu vững chãi để vươn khơi bám biển và bớt đi nỗi lo nơi sóng dữ. Khi Nghị định ra đời, cả hệ thống chính trị nước ta cùng vào cuộc quyết liệt để tuyên truyền, vận động. Đáp lại, ngư dân vui vẻ nhận lời và biết ơn khi được hiện thực hóa giấc mơ tàu vỏ thép hàng chục tỷ đồng nhờ chính sách ưu đãi của nhà nước.
Tuy nhiên, lỗ hỏng của Nghị định đã xuất hiện, hiện nay nhiều ngư dân đóng tàu 67 tại Bình Định đang gặp rắc rối lớn bởi doanh nghiệp đóng tàu làm ăn gian dối.
Ngư dân Nguyễn Văn Lý- chủ tàu BĐ 99004 TS cho biết: “Phía công ty TNHH Đại Nguyên Dương hứa sẽ đưa 400 triệu đồng để ngư dân tự sửa chữa tàu. Nhưng từ nay về sau không khiếu nại, tôi không đồng ý”.
18 con tàu “67” được đóng tại 2 công ty TNHH Đại Nguyên Dương và công ty TNHH MTV Nam Triệu có trị giá gần 20 tỷ đồng vừa ra khơi đã hư hỏng trầm trọng. Tàu gỉ sét, máy không thể hoạt động… buộc ngư dân phải nằm bờ trong sợ chờ đợi mỏi mòn.
Gánh nợ ngân hàng, viễn cảnh tù tội hiện ra trước mắt họ nhưng doanh nghiệp đóng tàu cứ mãi vòng vo, đổ hết trách nhiệm lên đầu ngư dân và đưa ra nhiều “triết lý” rất khó tin như: lỗi do thời tiết, nước biển rất mặn….Hàng loạt cuộc đối thoại được chính quyền tổ chức, kết cục mang lại chỉ là sự tranh cãi “nảy lửa” và nỗi thất vọng.
Cơn giận dữ của ngư dân quá lớn thực sự chúng tôi không thể nào dùng từ ngữ để diễn tả hết được. Bản thân tôi chỉ còn nhớ được vài ngôn từ có xúc cảm mạnh, phát ra trong sâu thẳm nỗi lo của họ như: “Các ông có biết chúng tôi bám biển nguy hiểm thế nào không?. Con tàu là cả gia tài của ngư dân đấy, làm ăn thiếu đạo đức, đừng lừa chúng tôi nữa”.
Khó ai có thể tin còn tàu gần 20 tỷ đồng vừa ra khơi đã xuống cấp như vậy. Ảnh: D.T
Ngư dân còn kể rằng, trước khi đóng tàu họ được công ty TNHH Đại Nguyên Dương “ru như ru con” với lời hứa hẹn sẽ chi tiền tỷ để họ mua đất cất nhà sau khi hoàn thành con tàu. Tiền chẳng thấy đâu, trong quá trình đóng tàu ngư dân phát hiện doanh nghiệp này làm ăn gian dối không đúng hợp đồng thì liền bị “dọa giết”, phải hì hục bỏ chạy thoát thân.
Cơn phẫn nộ lên đến đỉnh điểm khi ông Bùi Hữu Hùng - Phó Tổng giám đốc công ty TNHH MTV Nam Triệu thẳng tay phủi trách nhiệm, thẳng thắn đổ lỗi máy tàu bị hư hỏng do ngư dân sử dụng chưa thành thạo. Đặc biệt, tàu rỉ sét là do nước biển rất mặn với lý do đưa ra theo ông rất đúng logic khi doanh nghiệp cam kết dùng sơn chất lượng tốt.
Trước thái độ “ngang ngược”, thiếu trách nhiệm của các cơ sở đóng tàu, ngày 10.5, ông Trần Châu- Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định tuyên bố: “Nước biển nào không mặn, ông nói vậy là mị dân, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân làm những cái không đúng. Chính quyền sẽ hỗ trợ ngư dân kiện ra tòa”.
Đến cơn thịnh nộ khi định dùng tiền "bịt miệng" ngư dân
Lời tuyên bố của vị Phó Chủ tịch tỉnh UBND tỉnh Bình Định đã khiến ngư dân được an ủi phần nào khi trải qua cơn ác mộng tàu 67. Ngay sau đó, tỉnh Bình Định đã thành lập Tổ thẩm định và phát hiện hàng loạt sai phạm ban đầu của 2 doanh nghiệp đóng tàu như: thép không đúng chất lượng theo hợp đồng, máy tàu không phải chính hãng, thiếu trách nhiệm sửa chữa, thiết bị hàng hải chưa đúng thiết kế...
Ngư dân Nguyễn Văn Khỏe (trú huyện Phù Mỹ) “tố” bị nhân viên công ty TNHH Đại Nguyên Dương “dọa giết” khi phát hiện doanh nghiệp này làm ăn gian dối, dùng thép Trung Quốc để thay thế thép Hàn/ Nhật.
Để trốn tránh, 2 doanh nghiệp đóng tàu đã chi hàng trăm triệu đồng nhằm “bịt miệng” ngư dân với thỏa thuận yêu cầu ngư dân tự nguyện rút đơn khiếu nại, không cần thẩm định tàu. “Chiêu trò” này có được hiệu quả bước đầu khi 7 ngư dân đồng loạt gởi đơn đến cơ quan chức năng, đề nghị rút đơn khiếu nại không lý do.
Thế nhưng, đồng tiền mua sự im lặng của doanh nghiệp đã nhận cái kết quá đắng khi quan điểm của tỉnh Bình Định vẫn nhất quyết thẩm định tất cả tàu hư hỏng, dù ngư dân có đơn không yêu cầu thẩm định.
Tại cuộc họp gần đây nhất (ngày 9.6), Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám phát biểu dứt khoát: “Đối với 18 con tàu bị hư hỏng của tỉnh Bình Định, Bộ NNPTNT quyết định tạm đình chỉ việc nhận thêm hợp đồng đóng mới đối với 2 doanh nghiệp đóng tàu là Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Công ty TNHH MTV Nam Triệu để 2 cơ sở này có trách nhiệm cùng địa phương khắc phục sự cố. Những con tàu có vỏ bị gỉ sét do chất lượng thép không đúng theo hợp đồng thì cơ sở đóng tàu phải thay thép mới. Với mẫu tàu không đảm bảo mới nguyên chiếc thì phải thay máy mới”.
Chẳng hiểu vì lý do gì, chiều tối ngày 9.6, ông Lê Hoàng Phong- Giám đốc công ty TNHH TM XNK Hoàng Gia Phát- Đơn vị cung cấp máy Mitsubishi cho tàu 67 của ngư dân lại bất ngờ nhận trách nhiệm với cam kết: “Khi đưa vào sử dụng chúng tôi mới biết loại máy này không phù hợp với tàu cá của ngư dân. Tôi cam kết chịu trách nhiệm thay lại toàn bộ máy tàu thủy mới chính hãng Mitsubishi”.
Trong khi, trước đó doanh nghiệp này luôn khẳng định cung cấp máy Mitsubishi mới 100% và lên tiếng gay gắt đổ lỗi do ngư dân chưa biết sử dụng.
Trước phản ứng vội vã của đơn vị cung cấp máy, dư luận có quyền nghi ngờ rằng đây chỉ là chiêu trò nhằm “thanh lý máy dỏm”. Bởi lẽ, theo kết quả kiểm tra của Tổ thẩm định tỉnh Bình Định thì hàng loạt máy Mitsubishi được trang bị trên tàu của ngư dân không phải máy chính hãng.
Sự khẳng định này chắc như “đinh đóng cột” khi ông Teddy Trương Thưởng - đại diện Tập đoàn Xin Min Hua Pte Ltd (Singapore) là đơn vị độc quyền phân phối máy thủy của Hãng Mitsubishi (Nhật Bản) tại thị trường Việt Nam đưa ra thông tin, trong ngày 8.6, đơn vị này cùng chuyên gia nước ngoài đã kiểm tra 9 tàu cá vỏ thép có lắp máy Mitsubishi thì chỉ có 1 tàu lắp đúng máy thủy do đơn vị này cung cấp, 8 tàu còn lại lắp máy không phải hàng chính hãng và không phải do đơn vị này cung cấp. Qua kiểm tra ban đầu, 8 máy này có dấu hiệu cải hoán để phù hợp với môi trường hoạt động của máy thủy.
Tàu nằm bờ vì hư hỏng, ngư dân đứng trước nỗi lo món nợ ngân hàng . Ảnh: D.T
Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa rõ đây là “chiêu trò” hay sự sám hối của những kẻ làm ăn gian dối. Nhưng chắc chắn hành động trục lợi trên mồ hôi, nước mắt của ngư dân phải được đưa ra ánh sáng, đứng trước pháp luật.
Ngư dân âu lo trước đống nợ, lãnh đạo tỉnh Bình Định kêu gọi lương tâm của doanh nghiệp đóng tàu bồi thường cho ngư dân. Đồng thời, yêu cầu Bộ công an vào cuộc điều tra để xử lý hình sự những kẻ lợi dụng để trục lợi từ Nghị định 67. Ngay sau tuyên bố này, việc doanh nghiệp vội vã thay mới máy hoặc dùng tiền để “bịt miệng” ngư dân đã không còn “hiệu lực”.
Thông điệp “cầu cứu” tàu 67 hư hỏng đã được địa phương phát đi. Ngư dân, chính quyền và hàng ngàn người dân Bình Định đang chờ đợi câu trả lời từ Trung ương. Ngay lúc này, dư luận vẫn đang “sục sôi”, phẫn nộ!.
Trong lúc 18 con tàu vỏ thép có giá trị lên đến cả 20 tỷ đồng mỗi tàu, thì ngoài khơi xa mùa đánh bắt cá đang vào thời điểm cao trào. Họ, những người ngư dân vốn cả đời ăn sóng vượt gió với biển, nay lại bị "trói chân, trói tay" không thể ra khơi. Ngày này, qua ngày khác họ phải theo đuổi vụ việc: Thép dỏm, máy giả của những công ty đóng tàu gây ra. Và có xót xa không khi 18 "cột mốc" chủ quền phải nằm bờ, để ngoài kia biển khơi đang đón chờ những ngư dân Việt cưỡi sóng ra Biển Đông...
Đây không phải chỉ là hành trình của sự gian dối, mà đó còn là hành trình của tội ác, mà nói như ĐB Quốc hội Trương Minh Hoàng: Cần phải điều tra xem có hành vi phá hoại trong vụ việc này hay không?.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.