Teo tóp rừng Tây Nguyên - bài 1: Phá rừng như… trẩy hội

Đặng Trung Kiên Thứ ba, ngày 01/08/2017 06:00 AM (GMT+7)
Diện tích rừng ở Tây Nguyên đang teo tóp với tốc độ chóng mặt do sự bất lực, thậm chí là “buông tay” của nhiều đơn vị quản lý rừng. Nhiều điểm nóng tranh chấp phát sinh, việc thu hồi đất rừng theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng vô cùng nan giải.
Bình luận 0

Rừng bị phá, bị lấn chiếm nhưng có không ít lãnh đạo công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng im lặng, khi thanh tra vào cuộc mới phát hiện rừng chỉ còn trên… giấy.

“Nhảy dù” xuống đất rừng

img

Người dân dựng lều “cố thủ” tại tiểu khu 1500  do Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên quản lý. Ảnh: T.K

Hàng trăm nghìn ha rừng 
bị chặt phá

Kết quả rà soát của Ban chỉ đạo Tây Nguyên mới đây cho thấy, trong những năm qua, diện tích rừng bị tàn phá do UBND cấp huyện, xã quản lý là 209.000ha, các ban quản lý rừng 112.00ha, công ty lâm nghiệp nhà nước 87.000ha, hộ gia đình 25.000ha, tổ chức kinh tế 23.000ha, lực lượng vũ trang 21.000ha… Trong đó, UBND các cấp và ban quản lý rừng phòng hộ là các chủ rừng để mất rừng nhiều nhất.

Làm việc với phóng viên NTNN mới đây, ông Phạm Hòa Dũng – Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, huyện Tuy Đức, Đăk Nông – cho biết: “Có hơn 30 người đang cố thủ trong rừng sâu thuộc tiểu khu 1500 và tiểu khu 1504, xã Quảng Trực để dựng lán trại, đốt dọn trồng tỉa trên đất mới phá rừng”. Theo ông Dũng, vụ phá rừng này khởi phát từ ngày 30.11.2016, với khoảng 50 – 70 người từ xã Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) ồ ạt kéo sang. Dù đơn vị quản lý rừng và các cơ quan chức năng huyện Tuy Đức phát hiện sớm, nhưng do họ quá đông nên không thể đẩy đuổi. Từ 1,2ha bị phá ban đầu, đến nay diện tích rừng tự nhiên bị chặt phá, lấn chiếm đã tăng lên hơn 16,3ha.

Ngày 29.6 vừa qua, huyện Tuy Đức và huyện Bù Gia Mập đã có buổi làm việc, cùng thống nhất nếu các đối tượng tiếp tục vi phạm thì chỉ đạo lực lượng công an, kiểm lâm điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật chứ không vận động suông như thời gian qua. Nhưng cho đến nay, hàng chục đối tượng vẫn tiếp tục phá rừng, không thể kiểm soát được.

Tương tự, HTX Hợp Tiến (xã Quảng Sơn, huyện Đăk G’long) cũng không biết làm gì với 125 hộ dân “nhảy dù” vào diện tích rừng mà HTX được UBND tỉnh Đăk Nông cho thuê. Ông Nguyễn Anh Đức – Giám đốc HTX – bức xúc nói: “Lúc đầu chỉ có 3 hộ vào săn bắt, hái lượm chứ không dám phá rừng, tôi báo cáo nhưng chính quyền không xử lý. Bây giờ đã tăng lên 125 hộ, họ ngang nhiên chặt trụi 218ha rừng tự nhiên để lập làng và lấy đất canh tác”. Theo ông Đức, nhiều đối tượng ở làng này đã tấn công lực lượng bảo vệ rừng.

“Năm ngoái, 5 nhân viên bảo vệ rừng của HTX cùng 1 cán bộ kiểm lâm địa bàn đã bị 30 người dùng súng tự chế, dao kiếm tấn công bị thương. Họ còn đập phá xe U Oát tuần tra, phá trạm bảo vệ rừng, cướp súng của kiểm lâm huyện” – ông Đức nhớ lại. Tất nhiên đó là những vụ phá rừng lẻ tẻ, chứ với 125 hộ thì không lực lượng nào giải tỏa được, đành để họ như đốm lửa giữa rừng già mùa khô, sẵn sàng bùng lên thiêu trụi cả nghìn ha rừng.

Không chỉ Công ty Lâm nghiệp nhà nước, HTX mà diện tích rừng do quân đội quản lý ở Tây Nguyên cũng bị lấn chiếm. Vụ việc mới nhất xảy ra ngày 28.4, tại tiểu khu 1670 thuộc địa bàn xã Quảng Sơn (huyện Đăk G’long), do Đoàn Kinh tế quốc phòng Quảng Sơn thuộc Quân khu V quản lý. Trước sự có mặt của lực lượng quân đội, công an, kiểm lâm, 17 đối tượng vẫn ngang nhiên đưa xe ôtô bán tải, 2 máy khoan, dao, mã tấu vào chiếm đất rừng tại vị trí cách Trạm Bảo vệ rừng chỉ 70m. Đoàn Kinh tế quốc phòng Quảng Sơn phải cung cấp các giấy tờ, tài liệu về nguồn gốc đất rừng theo yêu cầu của các đối tượng, nhưng vẫn không thuyết phục được. Cuộc giằng co kéo dài đến tối mịt, “thắng lợi” thuộc về nhóm người chiếm đất với việc trồng xong 577 cây gòn.

“Chúng tôi không loại trừ có sự đứng sau sắp xếp của các băng nhóm “xã hội đen” chuyên bảo kê, đâm thuê chém mướn, cưỡng đoạt tài sản, phá rừng… chứ không phải người dân thiếu đất” – thượng tá Nguyễn Văn Thuyên – Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế quốc phòng Quảng Sơn nói.

Công an vào cuộc

img

Một vụ chiếm dụng đất rừng tập thể tại huyện Krông Năng, Đăk Lăk. Ảnh: ĐTK

Trong khi tình trạng phá rừng diễn ra như... bão, nhiều chủ rừng lại thiếu trách nhiệm, có dấu hiệu “buông tay”, thậm chí là báo cáo gian dối về số liệu mất rừng. Qua thanh tra, UBND tỉnh Đăk Nông phát hiện từ năm 2008 đến nay, Công ty Lâm nghiệp Đức Hòa (huyện Đăk Song) đã để hơn 2.600ha rừng bị chặt phá làm nhà ở, sản xuất nông nghiệp mà không có biện pháp ngăn chặn. Kiểm tra ngẫu nhiên 13 điểm, thì tất cả các khu vực đó đều đã “trắng rừng”.

Theo UBND tỉnh Đăk Nông, tình trạng phá rừng diễn ra nhiều năm, với diện tích lớn nhưng lãnh đạo Công ty Lâm nghiệp Đức Hòa báo cáo không trung thực (chỉ báo mất 67ha). Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đang điều tra, làm rõ các sai phạm của Giám đốc Phạm Đình Dũng (đã bị kỷ luật cảnh cáo, điều chuyển về làm chuyên viên Sở NNPTNT) và những cán bộ thuộc quyền.

Cũng trong thời gian từ năm 2008 đến nay, nhiều công ty lâm nghiệp nhà nước khác ở Đăk Nông để mất gần như hoàn toàn diện tích rừng được giao quản lý. Trong đó Công ty Lâm nghiệp Trường Xuân chỉ còn 146/7.000ha được giao, Công ty Lâm nghiệp Thuận Tân còn 711/4.600ha, Công ty Lâm nghiệp Quảng Tín 2.000/9.000ha… Nguyên nhân mất rừng được xác định do lãnh đạo công ty buông lỏng quản lý, không có biện pháp ngăn chặn, giấu giếm việc mất rừng nên các ngành chức năng không nắm bắt được tình hình.

Tại Gia Lai, Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ được UBND tỉnh giao hơn 9.000ha rừng và đất lâm nghiệp vào năm 2011, đến đầu năm 2017 chỉ còn 6.677ha, tức 30% diện tích đã mất quyền sử dụng hoàn toàn. Để che giấu trách nhiệm, khi làm mới và chỉnh lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lãnh đạo ban cố ý đã bỏ ra ngoài hơn 1.000ha rừng và đất lâm nghiệp. Dấu hiệu thiếu trách nhiệm, cố ý làm trái của ông Nguyễn Đức – Trưởng ban và những cán bộ liên quan cũng đang được Công an tỉnh điều tra, làm rõ theo chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai.

Ông Lê Quang Dần – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đăk Nông cho biết: “Dù đã nhiều lần đổi mới, song các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Đăk Nông vẫn khó đảm đương nhiệm vụ bảo vệ rừng. Gọi là công ty nhưng hầu hết các đều không có hoạt động sản xuất, kinh doanh vì thiếu vốn lưu động, chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ rừng. Sau khi dừng khai thác gỗ, các công ty chỉ được hỗ trợ 200.000 đồng/ha/năm kinh phí bảo vệ rừng, tiền dịch vụ rừng không phải đơn vị nào cũng có”. Khó khăn bủa vây, áp lực bảo vệ rừng ngày càng lớn khiến nhiều đơn vị chủ rừng có tâm lý buông xuôi, dẫn đến “xóa sổ” toàn lâm phần được giao. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem