Tết Đoan Ngọ, nhớ chiếc bánh ú tro của bà

Thứ hai, ngày 06/06/2011 10:40 AM (GMT+7)
Dân Việt - Tục ngữ có câu “Tết mồng năm, rằm tháng bảy” như để chỉ tầm quan trọng của ngày Tết Đoan Ngọ 5.5. Và ở vùng đầy nắng gió miền biển quê tôi, Tết mồng năm không bao giờ thiếu món thịt vịt và bánh ú tro.
Bình luận 0

Tôi vẫn còn nhớ, ngày còn ở quê, buổi sáng Tết mồng 5, khi vừa thức dậy là trên bàn ăn đã có sẵn đĩa hoa quả theo mùa được chuẩn bị từ hôm trước. Thường là những trái mận đỏ chót, cắn một miếng đã có cảm nhận ngay vị ngọt chua nơi đầu lưỡi. Mẹ tôi bảo chỉ riêng ngày này, phải ăn hoa quả vào bữa sáng để “giết sâu bọ”, làm như thế các loại giun sán ký sinh bên trong cơ thể mới được đào thải sạch.

img
Ở quê tôi, bánh ú tro không chấm với mật mia hay đường bát mà chấm với đường cát trắng.

Quê tôi có con sông Hàn, có núi Ngũ Hành nổi tiếng. Với tất thảy mọi người, ngày 5.5 hàng năm được xem là Tết lớn, “ăn to” hơn cả Rằm tháng Bảy, chỉ sau Tết Nguyên đán mà thôi. Nhưng khác với cả tập tục ở miền Bắc và miền Nam, buổi sáng “giết sâu bọ”, chúng tôi không ăn cơm rượu nếp.

Thường sau vài ba quả mận, món ăn không thể thiếu trong ngày này là chiếc bánh ú tro. Ngày bà ngoại tôi còn sống, bà vẫn thích tự tay làm bánh ú tro cho gia đình và gửi biếu hàng xóm như món quà lấy thảo. Nhưng khi tôi bắt đầu vào cấp ba, bà mất và ngày 5.5 từ đó tôi chỉ được ăn bánh ú tro do mẹ mua từ các chợ gần nhà. Thường bánh ú tro được xâu thành một chục gồm 12 cái, mua về chỉ cần bóc lá, chấm đẫm với đường cát trắng, cắn một miếng thật to mới cảm nhận hết vị ngon, thanh mát và thơm mùi lá.

Lạ một điều, năm nào cũng vậy, các chợ, quán xá, đường phố ở Đà Nẵng ngày 5.5 buổi sáng tấp nập bao nhiêu thì tầm 12 giờ trưa đến chiều tối lại vắng vẻ lạ thường, kể cả các con phố sầm uất ngày thường nhộn nhịp kẻ mua người bán cũng vậy. Tất cả mọi người đều nghỉ ngơi, tụ tập bên gia đình, các công nhân viên chức tranh thủ nghỉ sớm và nhà nhà kéo hết ra biển, tắm một trận cho đã như là một cách rửa sạch mọi bụi bặm, lo toan vất vả.

img
Đi xa, cứ đến Tết Đoan Ngọ, tôi lại nhớ món thịt vịt và cả tiếng kê quạp quạp vào những ngày này.

Và món ăn sang nhất Tết Đoan Ngọ 5.5 quê tôi chính là thịt vịt. Từ các ngày mồng 3, mồng 4, nhà nhà đều đi chợ mua vịt, nhà ít thì một con, nhà nào đông người thường mua một cặp, về nhốt vào lồng để chuẩn bị ăn mồng năm. Tết Đoan Ngọ là dịp để cả nhà, anh chị em quây quần cùng thưởng thức món vịt luộc chặt miếng, bát cháo vịt nóng hổi, hoặc bát nước xáo nấu với măng thơm óng, quyến rũ…

Không biết thói quen ăn uống này có từ bao giờ, nhưng theo lý giải, thịt vịt có tính mát, ngọt có tác dụng lưu thông khí huyết, tăng thêm năng lực, bồi bổ cơ thể, chữa nóng sốt cao, giải độc, hạ nhiệt. Vì vậy, ngày Đoan Ngọ, khí trời nóng nực (tiết Đại Thử) nhiệt độ cao, nếu ăn thịt vịt có tính mát sẽ quân bình nhiệt - hàn giữa Trời và Người.

Tôi ra Hà Nội đến nay đã gần chục năm, nhưng cứ đến ngày này, ba mẹ vần đều gọi điện hỏi thăm: “Ăn tết mồng 5 ở đâu, có gì ngon không, nhà mình hôm nay cũng mua một con vịt…”, khiến lòng tôi lúc nào cũng xốn xang, như chùng xuống.

Ở Hà Nội, ngày ngày bận bịu với công việc, cuộc sống hối hả nên ít ai còn chú trọng đến Tết Đoan Ngọ, nếu có cũng chỉ ít cơm rượu, vài ba món hoa quả, chứ cũng không “ăn to” như người dân ở quê tôi.

Với tôi, sáng ngủ dậy vội vội vàng vàng đến công sở, nên thường quên mất phải ăn ít hoa quả tươi để “giết sâu bọ”, để đêm về một mình lại thấy nhớ về chiếc bánh ú tro, nhớ món thịt vịt, tiếng quạp quạp trong ngày mồng 3 mồng 4...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem