Tết xứ người đãi chồng món Việt

Thứ hai, ngày 31/01/2011 09:13 AM (GMT+7)
Không có sáng Hà Nội mưa lay phay trên hàng đào hàng quất... Không có chiều Sài Gòn rực sắc mai vàng. Nàng dâu xa quê tíu tít trong gian bếp nhỏ để chiều chồng nội, đãi chồng ngoại những món ăn hoài hương.
Bình luận 0
img
 

Bánh chưng Việt kiều

Thấy tôi than vãn mua bánh chưng ở cửa hàng Việt tại Brussels (Bỉ) ăn không ngon, bị lại gạo, mặn nhân, chị Kim Anh ở Scotland mách qua email: “Chị học gói bánh chưng theo muivi.com. Em cứ làm đúng như thế là bánh ngon tuyệt. Chúc thành công”.

Chuẩn bị gói bánh chưng xa nhà là một tổ hợp của... google, email, chat, điện thoại… Không dễ gì đến nhà nhau chung củi lửa như ở quê nhà, nên người ở Anh, Pháp, người ở Hà Lan, Bỉ, Thụy Điển, Phần Lan… kết nối theo hội online.

Đã 3 năm nay, cứ Tết Nguyên Đán chị Kim Anh lại gói bánh chưng: “Bánh chưng hải ngoại của tớ công phu lắm nhé. Tớ sắm cái nồi thật to để luộc được khoảng 7 chiếc một lúc. Sau đó đến siêu thị của người Việt hoặc người Hoa mua nếp cái hoa vàng, đậu xanh đã tróc vỏ về ngâm cả đêm cho mềm. Không tìm được lá dong, lá chuối cũng đắt nên mình chỉ lót một lớp trong cho xanh bánh thôi, giấy bạc bọc bên ngoài, buộc bằng dây nilon. Khuôn bánh thì dựng bằng bìa carton”.

Bánh chưng lá chuối, bọc giấy aluminium và buộc dây nhựa của chị Kim Anh ninh trên bếp điện 10 tiếng! Anh Iain- chồng chị, đi ra đi vào sốt ruột, anh phải chờ công đoạn góp tay khi vớt bánh: ép cho nước trong bánh chưng chảy ra, như thế vợ mới hài lòng vì có bánh chưng ngon, dền!

Bún miến chiều chồng ngoại

Không ăn được bánh chưng như anh Iain, gói làm gì đến bảy chiếc hả chị Kim Anh? “Cho bánh vào tủ đá, ăn cả năm ấy chứ. Khi nào ăn, lấy ra để một ngày cho tan đá, hôm sau cho vào chảo rán, mùi vị mới ngon làm sao!”.

Phần lớn các ông chồng ngoại không ăn được đồ nếp. Các bà vợ phải đãi họ những món bún miến phổ thông hơn để rể ngoại cũng được hưởng chút gọi là “no ba ngày Tết”!

Phải chờ đến Tết, chị Nguyễn Minh (định cư đã 6 năm ở Đức) mới lôi ra chiếc lọ nhỏ xíu quý báu “Dầu cà cuống, phải mua ở hàng khô chợ Hôm, đem sang để nấu bún thang cho chồng”. Chồng chị Minh từng sống nhiều năm ở Việt Nam, khề khà uống rượu gạo nếp và ăn bún đậu mắm tôm với bố vợ nhiều lần. Món bún thang chị Minh nấu có nấm hương, giò lụa, trứng, thịt gà, tôm khô rồi lại nêm mắm tôm, rau răm, dầu cà cuống, anh rất thích, vì “có đủ thứ trong bát bún thang, động vật thì đa dạng, con bay con nhảy con bơi!”.

Chị Minh mách tôi: “Mắm tôm mua ở siêu thị Việt mới ngon, ở siêu thị Trung Quốc là mắm Thái, không thơm lắm”.

Hai món phổ biến nhất để đãi các ông chồng ngoại trong dịp Tết Việt là phở và nem rán. Siêu thị Việt hoặc Trung Quốc tại châu Âu ngày nay đều bán sẵn viên gia vị để chị em dễ dàng nấu phở, bún bò Huế, bò kho, canh chua… Nhưng chị Thùy Dung (Paris, Pháp) vẫn chịu khó tìm mua cho bằng được hoa hồi và quế để tự chế nước dùng: “Viên gia vị kiểu công nghiệp có mùi vị phở nhưng không thể đậm đà như phở ở quê nhà mình được. Ngoài hoa hồi và quế, khi nấu phở còn phải chịu khó nướng gừng và hành khô cho vào nước dùng. Chồng tôi dân Lyon, nhưng ăn phở gia vị mua sẵn biết liền, nhắc khéo: vợ hôm nay cho ăn sẵn rồi!”

Lai rai cùng chồng nội

Chồng Việt kiều chiều vất vả hơn! Các chàng thèm ăn đủ món những ngày này, nhưng được cái vợ chồng tâm đầu ý hợp về khẩu vị quê nhà.

Chị Trần Thi Ly sung sướng khi tìm được món lòng lợn đông lạnh ở siêu thị Trung Quốc tại Anh: “Món này chồng mình khoái lắm. Ngày xưa, Tết nào gia đình anh ấy cũng mổ lợn, chiều Ba mươi là cánh đàn ông nhậu nhẹt đùm đuề món lòng lợn luộc, có khi còn làm cả tiết canh. Thời nay thông thương thuận lợi, sang Anh rồi mà vẫn tìm mua được lòng già, tràng và dạ dày để làm món nhậu cho chồng. Luộc lòng phải chú ý, lòng đông lạnh chỉ luộc 18 phút kể từ khi nước sôi sùng sục, vớt ra cho ngay vào nước lạnh để lòng giòn và không thâm đen”.

Cô bạn Lan Anh ở Hà Lan góp ý: “Luộc khoảng 10 phút là được rồi, các bà các chị ạ. Luộc lâu quá, dai, mất ngon. Chồng em khoái cháo lòng, gỏi. Tết nào trúng ngày cuối tuần mời được mấy anh em Việt kiều từ các thành phố khác đến chơi nhà thì nấu cháo vịt hoặc lẩu gà cho các ông giải rượu, ngon khủng khiếp luôn!”.

Siêu thị lớn ở nhiều nước châu Âu giờ cũng bày bán tim, gan, lưỡi của lợn, gà, bò, thậm chí còn cẩn thận đóng hộp nhựa và trình bày đẹp mắt món… mề gà! Người châu Á tại đây có nhu cầu nên siêu thị của người châu Âu cũng muốn tăng lợi nhuận.

Tết đến, nghe nói bếp núc của chị em Việt kiều ở châu Âu vẫn thua xa chị em Việt kiều ở Úc. Đất rộng, người thưa, có chị ở Cabramattan (thành phố của người Việt ở Sydney) còn nuôi gà vịt và trồng nhiều loại rau gia vị như hành, ngò, rau răm, mùi tàu… quanh nhà. Tết đến, chồng con chỉ việc ngồi thưởng thức các món cây nhà lá vườn, chả kém gì mâm cơm Tết quê nhà.

Tết, chỉ cần có một căn bếp nhỏ và tình hoài hương...

Theo Lửa ấm
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem