Thả lưới bắt cá gần bờ, sóng vỗ... thì về

Bài, ảnh: Thái Mỹ Chủ nhật, ngày 13/12/2015 10:28 AM (GMT+7)
“Siêng đi tát, nhác đi câu. Muốn mau đầy bầu chạy về vác nhủi”. Đó là câu thành ngữ có từ lâu đời mà bà con các vùng quê xứ Quảng thường dùng để chỉ mỗi kiểu thả lưới bắt cá khác nhau của người dân.
Bình luận 0

Ngày trước, muốn tát ao, đìa người ta thường dùng gàu dây, một loại gàu được đan bằng tre, giống đầu trâu, có 4 sợi dây để cho hai người tát. Bắt cá kiểu này phải bỏ sức lao động mệt nhọc mới múc được hết nước đổ đi, cá nằm trơ ra, tha hồ tóm bỏ vào giỏ. Đi câu thì sạch sẽ, tao nhã, thậm chí áo quần bảnh bao, giày dép láng cóng, nhưng lại phó mặc cho may rủi nên kiếm cá chậm chạp và thường ít hơn. Riêng nhủi là một loại dụng cụ cũng được đan bằng tre, rất gần gũi với người nông dân.

Miền quê xưa cá nhiều, cứ vào khoảng tháng 10, sau mùa gặt, rơm rạ dọn sạch, mưa dai dẳng, cánh đồng mênh mông, lấp xấp nước, cá từ khe, lạch tràn lên kiếm lúa rơi rụng ăn no, sinh nở nên người ta thường đem nhủi ra đẩy một đường dài rồi ép vào bờ, nhấc bổng đầu nhủi lên để lượm các chú rô, trê, chạch, niềng niễng.

Còn bây giờ ở các vùng ven biển của Đà Nẵng như Xuân Thiều, Nam Ô, Mân Thái, Thọ Quang  muốn có nhiều cá thì... lên chợ Hàn mua lưới để đi thả lưới bắt cá.

img

Bắt đầu rải lưới để bắt cá.

Một tay lưới loại mỗi mắc kích cỡ 1x2 cm, dài từ 100 đến 200m là đủ thả đến chán chê. Vịnh Đà Nẵng có dãy núi Sơn Trà án ngữ, che chắn, ít có sóng lớn nên giăng lưới bắt cá cũng dễ dàng. Mỗi khi ánh bình minh vừa lấp ló, hay lúc hoàng hôn sắp tắt người ta mới rảnh rỗi, mang lưới ra giăng vài mẻ để kiếm cá.

Sau khi lội xuống mực nước sâu ngập quần, lần lượt rải đều cho hết xâu lưới rồi lên bờ ngồi đợi chừng 15 đến 20 phút thì trở xuống thu vén lưới. “Ghiền” nhất là khi cá dính nhiều, đưa tay nhấc lưới lên lưng chừng, cá kéo chạy lùng nhùng dưới làn nước biển trong veo, óng ánh bạc thì khoái vô cùng.

Gom xong cá, lên bờ gỡ từng con bỏ vào bao chuẩn bị sẵn, di chuyển đến khu vực khác giăng tiếp. Bủa lưới kiểu này, cá cũng nhiều chủng loại phong phú nhưng chủ yếu vẫn là cá đối, cá dò, cá móm, cá đục, cá hồng, cá căn…

img

Bủa lưới xong, dùng cây đập trên mặt nước cho cá chạy, dễ dính.

img

Thu lưới để đưa lên bờ gỡ cá.

Riêng cá đối tuy thấy chúng dính nhiều nhưng khi gỡ cũng chẳng còn mấy con bởi đối là loài không có vi gai, thân tròn, trơn nhẵn nên hay bị sẩy. Duy nhất, chỉ mỗi cá dò, dù to hay nhỏ, khi thả lưới bắt cá đã mắc rồi thì hết trật vì đầu nhỏ, thâm dẹp, “gai góc” trên lưng lởm chởm, rất khó thoát. Tuy vậy, loài cá dò mắc lưới rất khó gỡ, không khéo sẽ rách toạc như chơi. Dù ai có tài giỏi đến mấy thì tay lưới vừa mua chỉ sau một lần ra biển đến lúc giũ sạch đem về cũng bị loang lổ các chỗ rách, tuỳ theo mức độ cá dò mắc lưới nhiều hay ít.

Lội bì bõm thả lưới trong chiều tà, người ta không chỉ để mong kiếm cá mà còn được tắm táp, vẫy vùng trong làn nước mát lạnh đến mê hồn. Thả lưới bắt cá vào mùa nào cũng dễ hơn câu. Nhưng theo kinh nghiệm của nhiều người có thâm niên bủa lưới, hễ mỗi khi mang đồ đạc ra mà thấy dọc bờ biển từ Nam Ô đến Mân Quang có sóng vỗ ì ộp, sủi bọt trắng xoá thì nên quay về, còn mặt nước chỉ lăn tăn, gờn gợn đôi chút mới có cá dính nhiều. Điều này đúng lắm!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem