Thái Nguyên: Lạ, ông nông dân cho cá đặc sản ăn thứ này, bắt con nào lên ai cũng đòi mua

Hà Thanh - Kiều Hải Chủ nhật, ngày 23/05/2021 06:00 AM (GMT+7)
Sau 6 năm nuôi cá đặc sản -cá lăng lồng bè giữa hồ Ghềnh Chè, đến nay ông Chu Văn Sơn (xóm Tiền Tiến, xã Bình Sơn, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) đang nuôi 30 lồng cá với tổng trọng lượng khoảng 12 - 13 tấn. Cá lăng do ông Sơn nuôi đều lớn nhanh, thơm ngon khác lạ, đều là nhờ cách cho ăn đặc biệt.
Bình luận 0

Nuôi cá lăng đặc sản ở thành phố

Trước đây, ông Chu Văn Sơn (xóm Tiền Tiến, xã Bình Sơn, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) chủ yếu nuôi một số loại cá như rô phi, cá chép, cá diêu hồng. 

Tuy nhiên do hiệu quả kinh tế không cao nên đến năm 2015, ông Sơn quyết định chuyển sang nuôi cá lăng trong lồng bè trên hồ Ghềnh Chè.

Thái Nguyên: Nuôi cá đặc sản trong lồng bè giữa hồ theo hướng hữu cơ, ông nông dân cho ăn thức ăn lạ - Ảnh 1.

Ông Chu Văn Sơn (xóm Tiền Tiến, xã Bình Sơn, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) chuyển sang nuôi cá lăng đặc sản trên hồ Ghềnh Chè từ năm 2015.

Ông Sơn cho biết, cá lăng là loài cá đặc sản dễ nuôi, nhanh lớn, có thịt thơm ngon, không có xương dăm và có giá trị kinh tế cao.

So với các loại cá khác, cá lăng dễ nuôi hơn do nguồn thức ăn của loại cá này đa dạng, dễ kiếm. Tuy nhiên để cá lăng có chất lượng thịt ngon khác lạ, thay vì cho cá lăng ăn thức ăn công nghiệp, ông Sơn cho cá lăng ăn "trứng gà tắc". 

"Trứng gà tắc" là trứng gà loại 2, được các lò ấp loại bỏ trong quá trình ấp gà giống.

Thái Nguyên: Nuôi cá đặc sản trong lồng bè giữa hồ theo hướng hữu cơ, ông nông dân cho ăn thức ăn lạ - Ảnh 2.

Ông Sơn cho cá lăng ăn "trứng gà tắc" để có chất lượng thịt ngon khác lạ.

"Trứng gà tắc" sau khi mua về được đưa vào tủ bảo ôn bảo quản trong điều kiện nhiệt độ thấp. Trước khi cho cá lăng ăn, trứng được luộc chín và để nguội, sau đập dập rồi mới cho cá ăn. 

Trung bình từ khi nuôi cho đến khi xuất bán, mỗi con cá lăng ăn hết khoảng 350 – 400 quả "trứng gà tắc".

Bên cạnh đó, ông Sơn còn bổ sung thêm chất bổ và kháng sinh vào thức ăn để giúp cá lăng tăng cường sức đề kháng, tiêu hóa tốt và lớn nhanh hơn.

Theo ông Sơn, mô hình chăn nuôi cá lăng của ông hiện đang là mô hình chăn nuôi hữu cơ duy nhất ở miền Bắc. Do thời gian nuôi kéo dài nên chất lượng thịt cá lăng rất thơm ngon, an toàn, giá trị sản phẩm cao.

Thái Nguyên: Nuôi cá đặc sản trong lồng bè giữa hồ theo hướng hữu cơ, ông nông dân cho ăn thức ăn lạ - Ảnh 4.

Theo ông Sơn, đây là mô hình nuôi cá lăng hữu cơ duy nhất ở miền Bắc hiện nay.

Thời điểm thích hợp nhất cho việc vào cá lăng là khoảng tháng 3 – 4 âm lịch hằng năm, cá lăng sẽ phát triển tốt, ít bị dịch bệnh. Cá lăng là loài cá ưa lạnh nên mực nước tối thiểu để nuôi cá là khoảng 3m, mật độ thả cá thích hợp trong lồng bè từ 60 – 70 con/m3.

Chú ý, đối với nuôi cá lăng, nguồn nước phải đảm bảo luôn sạch, có độ PH từ 6 – 8. Do đó, trước khi vào cá cần tẩy trùng lồng bè để cá sinh trưởng tốt và hạn chế bệnh dịch. Ngoài ra, cần kiểm tra, gia cố lồng bè thật kỹ trước khi thả cá.

Cá lăng có sức đề kháng kém nên hay mắc một số bệnh chủ yếu như đường ruột, nấm do thức ăn và nguồn nước không đảm bảo. Bên cạnh đó, khi thời tiết bắt đầu chuyển mùa từ mùa xuân sang mùa hè, cá hay bị sốc nhiệt, bị cảm dẫn đến chết.

Thái Nguyên: Nuôi cá đặc sản trong lồng bè giữa hồ theo hướng hữu cơ, ông nông dân cho ăn thức ăn lạ - Ảnh 5.

Do có thời gian nuôi kéo dài và nuôi bằng hữu cơ nên cá lăng có chất lượng thịt thơm ngon.

Cũng theo ông Sơn, thông thường, cá giống sau khi mua về sẽ được nuôi gột từ 20 – 30 ngày. Sau đó, cá lăng được nuôi tiếp từ 6 – 8 tháng đến khi đạt trọng lượng trung bình khoảng 0,6 – 1kg thì bắt đầu tách đàn và phân loại.

Sau khoảng 18 tháng, khi cá sẽ đạt trọng lượng trung bình từ 6 – 7kg/con thì có thể xuất bán. Hiện nay, ông Sơn chủ yếu giao cá lăng cho các nhà hàng, với giá dao động từ 80.000 – 95.000 đồng/kg.

Hiện tại, ông Sơn đang quản lý 30 lồng cá lăng với tổng trọng lượng khoảng 12 - 13 tấn. Theo tính toán, nếu chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật, sau khi trừ chi phí có thể thu lãi từ 20 – 30% trên tổng số doanh thu.

Thái Nguyên: Nuôi cá đặc sản trong lồng bè giữa hồ theo hướng hữu cơ, ông nông dân cho ăn thức ăn lạ - Ảnh 6.

Mật độ thả cá lăng thích hợp trong lồng bè từ 60 – 70 con/m3 và mực nước tối thiểu là 3m

Tuy nhiên, theo ông Sơn, khó khăn hiện nay của ông là về nguồn vốn đầu tư cho mô hình nuôi cá lăng khác người này. 

Do đó, ông mong muốn được hỗ trợ nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi để mở rộng và phát triển mô hình nuôi cá lăng ngày càng rộng rãi. Từ đó, sẽ có nhiều bà con biết đến mô hình nuôi cá lăng này và cùng nhau phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, ông Sơn còn hướng tới nuôi cá lăng kết hợp phát triển du lịch trên hồ Ghềnh Chè để du khách đến tham quan mô hình mỗi dịp tới đây.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem