Thân quen gánh ăn rong phố Hội

Thứ ba, ngày 10/09/2013 06:56 AM (GMT+7)
Hội An neo giữ hồn khách lãng du không chỉ bằng những ngôi nhà cổ, mà còn bằng những món ăn dân dã, đời thường, xuất phát từ những quang gánh tảo tần...
Bình luận 0
Gánh mì quảng

Từ rất lâu rồi, người dân Hội An quen thuộc với hình ảnh bà Nguyễn Thị Đỉnh gánh mì quảng bán quanh khắp nẻo đường. Bà lấy chồng từ năm 18 tuổi, từ đấy, bà bắt đầu hành nghề bán mì quảng nhằm lo toan cuộc sống gia đình.

Tính đến nay, bà Đỉnh bán mì quảng hơn nữa thế kỷ. Theo như lời bà kể, những tô mì quảng trước năm 1975 hoàn toàn khác bây giờ. Ngày đó, nấu mì quảng là một việc rất công phu, từ chọn gạo, xay thành bột đến tráng từng lá mì, rồi xắt ra cho thật đều tốn rất nhiều thời gian.

Ấy là chưa kể việc đi mua tôm, cua đồng, sứa biển... để nấu nước nhưn chan mì. Ngày ấy, khách hàng của bà có cả những người giàu trong khu phố và cán bộ, công chức chế độ cũ. “Bán mì cho những người buôn bán giàu có khỏe hơn, họ ăn nhanh, trả tiền cũng lẹ. Còn dân mình, hồi đó ai cũng đói khổ, làm gì có tiền mà ăn” - Bà Đỉnh cười bảo.

Sau giải phóng, đất nước đổi mới, cuộc sống người dân dần khấm khá và ổn định hơn. Bà Đỉnh vẫn gánh mì đi bán dạo đều nhịp mỗi ngày, nhờ vậy, bà đã nuôi nấng ba người con trai nên người, rồi cưới vợ, xây nhà cho họ. Trong ba người con dâu, bà chọn con dâu út nối nghiệp cho bà sau này, đó là chị Đặng Thị Hà. Tính đến nay, chị Hà đã làm dâu nhà bà Đỉnh đã mấy chục năm, điều đó cũng có nghĩa chị đã theo gánh mì của bà Đỉnh suốt ngần ấy thời gian.

Chị Hà tâm sự: “Lúc mới về làm dâu, tui thường phụ mẹ chồng nhóm bếp, chọn gạo, xay bột, tráng mì theo sự hướng dẫn của bà. Dần dần làm quen tay và thạo nghề, bà đưa tui đi bán cùng. Ngày nào cũng như ngày nào, từ sáng sớm hai mẹ con đã gánh mì đi. Vì chưa quen với quang gánh nên mẹ chồng tui đảm nhận việc đó, còn tui thì xách giỏ theo sau. Cứ đi một đoạn là mẹ cất tiếng rao: “Mì Quảng đây!... Mì Quảng… ai mua không?”. Một thời gian dài sau đó, khi tui đã thuộc đường đi, lối về, mẹ chồng giao hẳn quang gánh cho tui, ấy cũng là lúc chân bà đau, không còn đi nhiều được nữa!”.

Thời gian thấm thoắt trôi, khi đất nước đổi mới, du lịch phát triển mạnh, bà Đỉnh bảo con dâu không phải gánh mì đi bán khắp nẻo, mà chọn một góc nhỏ gần nhà, ngồi bán. Mấy năm gần đây, chị Hà tìm được cho mình một chỗ bán ngay tại đường Thái Phiên, nơi có những cây bàng già tỏa bóng mát rượi.

Ngày ngày, cứ độ 9 giờ sáng, chị Hà lại gánh mì ra bên đường và ngồi bán. “Mì ngày nay không như hồi trước nữa, tui không phải thức đêm tráng mì, thay vào đó là mua mì của người ta, còn mình chỉ việc nấu nước nhưn mà thôi. Mì bây giờ có trứng, tôm, thịt heo chứ không có sứa hay cua đồng như ngày xưa. “Tuy vậy, “bí quyết” nấu nước nhưn được mẹ chồng truyền lại nên mì Quảng tui bán vẫn ngon, lúc nào cũng đắt khách” - Chị Hà nói.

Và gánh giò hầm

Ở tuyến đường Thái Phiên, hỏi về bà Lê Thị Được (SN 1945) không ai không ai biết. Bởi lẽ người dân ở đây đã quá quen thuộc với hình ảnh một bà lão gánh giò hầm đậu đen đi bán suốt gần 50 năm trời. Giò hầm đậu đen là món ăn được mẹ chồng của bà Được truyền lại kể từ lúc bà về Hội An làm dâu.
 Bà Lê Thị Được bên quang gánh giò hầm đậu đen
Bà Lê Thị Được bên quang gánh giò hầm đậu đen
Ngày trước, bà Được thường bán giò hầm ở chợ Hội An nhưng sau này bà chọn cách gánh bán dạo. Để nấu được món giò hầm, từ sớm bà Được đã phải dậy để nhóm bếp hầm đậu đen. Đợi đến lúc trời mờ sáng, bà ra chợ lựa chọn giò heo tươi về để nấu. Bà Được bảo: “Sáng nào cũng phải ra chợ từ sớm để lựa giò heo ngon, như thế hầm ra nước mới ngọt và béo. Món giò hầm thì dùng với bánh mì, vừa ngon vừa chắc bụng hơn”.

Trước đây, khách hàng của bà thường là những người công nhân bốc vác, những người làm thợ xây. Nhờ sự tảo tần, bà Được đã nuôi 5 người con ăn học thành tài. Người làm kỹ sư xây dựng, người làm giảng viên, giáo viên… cuộc sống người nào cũng tương đối sung túc, đủ đầy. Dẫu vậy, ngày ngày bà Được vẫn nấu giò hầm đi bán. Bây giờ đã có tuổi nên sức khỏe bà Được không còn như xưa, thay vì gánh đi bán dạo, bà chọn một góc nhỏ trên phố để ngồi bán.

Chia sẻ về việc này, bà Được nói: “Tui và cô Hà cùng bán trên đường Thái Phiên này. Tui bán giò hầm, cô Hà bán mì Quảng. Ở Hội An, ai cũng biết chúng tôi ngồi đây, không cần phải gánh đi bán dạo như trước nữa. Mỗi cách bán có một thú vui riêng, nhưng nếu được trẻ lại, tui vẫn chọn cách gánh đi bán dạo khắp các nẻo đường phố. Vì chỉ có như thế, tui mới biết mỗi ngày phố Hội thay đổi ra sao…”.

Bây giờ những bước chân quen thuộc đã không còn rảo bước khắp phố, những tiếng rao trong trẻo cũng đã thôi cất lên mỗi ngày. Thế nhưng, hình ảnh về những người phụ nữ mang quang gánh tảo tần vẫn còn đó, ở những góc phố đã trở nên thân quen với mọi người. Và hình ảnh đó đã góp phần làm nên nét đẹp văn hóa ẩm thực, văn hóa phố phường ở phố cổ Hội An...
Làng Việt (Theo Làng Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem