Thần tích về Táo quân

Thứ tư, ngày 22/01/2014 18:26 PM (GMT+7)
Cổ tục thờ Thần Táo có tự bao giờ? Vì sao người Trung Quốc tế Táo quân vào mùa hạ, còn người Việt tiễn nghinh Ông Táo vào tháng Chạp, ngày 23?
Bình luận 0
Vua Bếp hay Thần Bếp tức Ông Táo hay Táo Công, thường gọi Táo quân, là vị thần mà người xưa tin rằng có hai nhiệm vụ chính: Một là, coi chừng việc bếp núc, củi lửa, không để xảy ra hỏa hoạn – hàm nghĩa che chở; Hai là, ghi chép mọi diễn biến suốt năm trong gia đình rồi mang sớ về Trời báo cáo với Thiên triều, qua đó, nhờ Trời hộ độ cho cuộc sống thêm tươi vui, bớt khổ cực.
Mũ ông Công - ông Táo (Hình minh họa - Nguồn: Infonet)
Mũ dâng ông Công - ông Táo (Hình minh họa - Nguồn: Infonet)

Việc tin thờ Thần Táo hẳn rất xa xưa nhưng không vượt trước thời kỳ con người còn sống theo lối du mục – sớm nhất cũng chỉ từ giai đoạn biết định cư, trồng lúa, làm rẫy, nghĩa là biết nấu nướng, làm chín thức ăn. Các loại phương tiện để kê nấu (sau này là cà ràn, hỏa lò…), được xem là một sự hóa thân của Thần Bếp, thường gọi Ông Táo.

Do thấy các vật dụng kê nấu có 3 mỏm, cấu trúc theo thế chân vạc để đỡ nồi đựng thức ăn, nên nhân đó dân gian bèn đặt ra sự tích khá ly kỳ để nhằm giải thích.

Truyền thuyết cho rằng, ba cái mỏm đóng đầy khói bếp đen thủi đen thui ấy, chính là ba nhân vật cùng giữ vẹn nghĩa tình chồng vợ, đều tự thiêu mình – hai ông một bà.

Sự tích kể rằng: “Ngày xưa có hai vợ chồng nghèo phải bỏ nhau. Người vợ về sau lấy được người chồng giàu có. Một hôm, cúng đốt mã ngoài sân, có một người vào xin ăn, người đàn bà nhận ra là chồng cũ của mình, động lòng thương cảm, đem cơm gạo, tiền bạc ra cho. Người chồng sau biết chuyện, nghi cho vợ tư tình. Vợ xấu hổ nhảy vào cây rơm gần đó tự châm lửa đốt mà chết. Người chồng cũ cảm tình ân nghĩa, cũng đâm đầu vào lửa chết theo. Người chồng sau thương vợ cũng nhảy vào nốt. Thế là chết cháy cả ba! Thượng đế thấy ba người cùng có nghĩa, động lòng thương cảm, mới phong cho làm Vua Bếp.

Lại một truyền thuyết tương tự: Xưa, có hai vợ chồng nọ rất nghèo, cuộc sống cơ cực đến nỗi phải xiêu lạc. Vợ có chồng khác. Hôm ấy có người xin ăn đến nhà, người vợ nhận ra là người chồng cũ của mình, hai người ôm nhau khóc kể. Đang lúc ấy thoáng thấy chồng mình về tới, người vợ đưa người chồng cũ ra giấu vào đống rơm cạnh nhà. Bất ngờ, người chồng đem con thú vừa mới săn được ra đống rơm đốt lửa nướng.

Người chồng trước sợ chui ra sẽ làm xấu hổ vợ mình, đành bất động, cam chịu chết cháy. Bà vợ quá đỗi thương tâm, nhảy vào lửa chết theo. Người chồng thương xót vợ, nhảy vào lửa chết luôn. Tro tàn, họ vẫn còn trong tư thế câu tay dụm đầu vào nhau. Thượng đế thấu hiểu, truyền cho cả ba đều được làm Thần Táo, coi việc bếp núc, củi lửa ở thế gian và dặn, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, mang sớ về Trời báo cáo mọi lẽ. Do đó có thơ xưa:

Thế gian một vợ một chồng,
Nào như vua Bếp, hai ông một bà!

Truyền thuyết được xây dựng phù hợp quan điểm các thầy địa lý xưa với cuộc khai mở đất ngàn dặm phương Nam. Cho rằng nước ta ở về phương Nam so với Trung Hoa, mà phương Nam thì thuộc Ly Hỏa (Ly là một trong tám quẻ: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài; tám quẻ ấy ở về tám phương. Quẻ Ly thuộc phương Nam, mà phương Nam thuộc về Hỏa, nên gọi Ly Hỏa).

Quẻ Ly kết hợp hào âm (- -) ở giữa, và hai hào dương (-) ở trên và phía dưới làm chủ, cho nên các bức tượng Thần Táo, bức nào cũng có 3 người, một người nữ ở giữa, hai người nam hai bên, tất nhiên không vẽ nằm dài chồng lên nhau, xếp lớp đúng y hình quẻ.

Vì cai quản bếp nên nhân dân đặt bàn thờ Táo công ngay tại bếp, cũng có người đặt bàn thờ cạnh cửa bếp (với ý, nhân tiện nhờ Thần Bếp trông chừng cửa nẻo luôn). Duy chỉ có ở Hà Tiên, người xưa không đặt bàn thờ Thần Bếp ở những nơi ấy mà là, ở trên một cái kệ ván phía sau vách ngăn giữa nhà – đấu lưng với bàn thờ Tổ tiên. Thờ ở đây được cái tiện và sạch sẽ, dễ lau dọn, thể hiện cao tính kính trọng đối với Thần, nhưng lại thiếu “chất bếp” và nhất là bố trí không hợp lý bằng, vì lúc trời chạng vạng tối, chủ nhà đến cắm nhang ở bàn thờ Thần Bếp cũng là một dịp để kiểm tra lần cuối xem cửa nẻo đã đóng gài thật chặt hay chưa.

Vấn đề người Hà Tiên đặt bàn thờ Táo quân ở hậu vách ngăn giữa nhà, có thể suy luận: Ngày trước, thời Mạc Cửu, đất Hà Tiên là nơi lập cư của dòng họ Mạc, tất phải theo phong tục Trung Hoa. Vì thế, các sự tích Táo quân của người Trung Quốc đều không giống như truyền thuyết dân gian của ta.

Theo Chu lễ thì Táo quân là Chúc Dung. Sách Ngũ kinh dị nghĩa chép Thần Táo tên là Tô Cát Lợi. Còn Dũ dương tạp trở thì ghi Táo quân tên là Ổi, vẻ mặt đẹp như con gái. Trong khi đó, sách Hoài Nam tử chép có phần kỹ hơn: Vua Hoàng Đế là người đầu tiên đặt ra việc dùng lửa để nấu nướng, khi chết hóa thành Táo quân. Vì vậy, theo lệ xưa của người Trung Quốc, cứ đến mùa hạ, nắng nóng, củi lửa hanh hao thì tế Thần Táo để nhằm cầu xin Thần hộ độ cho gia đình không xảy ra hỏa hoạn. (Nhưng sau này con cháu họ Mạc cũng theo như phong tục người Việt, cúng Ông Táo vào dịp cuối năm).

Tục thờ Ông Táo ở nước ta cũng có thể xuất phát từ thần tích ấy, nhưng người dân mỗi nước phong tục thờ Táo Quân mỗi khác, không hề giống nhau. Điểm đặc biệt đáng ghi nhận là, ngay từ xa xưa, ông bà ta đã sớm tỏ rõ tính bất khuất, thờ Táo theo cách riêng của người Việt.

Táo Quân, theo quan niệm dân gian của người Việt, là vị thần bình dân chơn chất, vẹn nghĩa vẹn tình, nên gia đình nào cũng xem Ông Táo là vị thần thân thương của nhà mình. Thờ để nhằm nhắc nhở tính thủy chung, cố ăn ở cư xử nhau cho trọn đạo vợ chồng, để mỗi năm Táo về Trời dâng sớ, Ngọc Hoàng khen ngợi, đoái nghĩ, ban thêm ân đức cho gia đình.

Xưa, dân ta Tết Táo quân khá bài bản: Trước ngày 23 tháng Chạp, người ta đến hàng vàng mã mua hai cái mũ nam, một cái mũ nữ và một hoặc ba con cá chép (dùng cho Táo cưỡi – cá chép sẽ “vượt vũ môn” hóa thành rồng bay về Trời) để thay thế những vật dụng (ấy) đang thờ, đã hư, cũ – đem đốt – đồng thời cũng thay luôn mấy Ông Táo (cà ràn) cũ đã sứt mẻ - không dám hủy hoại mà “trân trọng” gửi ở bụi tre hoặc một gốc cây nào đó sau vườn (về sau, dần dần đơn giản bớt, có nơi bỏ hẳn).

Để ám chỉ việc này (“Ông Táo”), dân gian có đặt câu đố vui:

Thiếp hỏi chàng ông gì chết không chôn,
Đem gởi cây cao bóng mát, chuột với chồn không ăn?


Trong việc mua sắm đồ mới cho Táo (hàng vàng mã) ngày nay cũng có sự linh hóa, biến tướng. Người ta sắm cho Táo đủ mọi thứ, thậm chí coi đây là ngày đặc biệt quan trọng để bài trí, bao sái ban thờ, sắm xanh, cỗ bàn... Thế nhân rất biết công ơn Táo, nhưng dường như chỉ biết lợi dụng chứ không nghĩ đến việc đáp đền. Người ta viết liễn ca ngợi, dán ngay tại bàn thờ Táo.

Công bình hữu đức năng tư hỏa,
Chánh trực vô tư đạt khả thiên.


Nghĩa rằng: Công đức của Táo quân đã cung cấp than lửa, đem đến cho mọi gia đình đều ấm áp, no đủ. Táo quân phân phát công bình, không nhà nào hơn, không nhà nào kém. Táo quân đối với nhà nghèo cũng như nhà giàu, than củi, lửa đun bếp, nhà nào mà không thổi chín cơm, nấu chín cá! Táo quân chánh trực công minh, ghi chép những hành động của nhân gian, báo cáo lên Thiên đình vẫn giữ vô tư, không thiên vị nhà nào. Táo quân không vì chủ nhà cúng kiến nhiều lễ vật mà nói tốt, cũng không vì nhà ít lễ vật mà nói xấu.

Hiện nay ở nông thôn ta, nhiều nơi còn giữ cổ lệ, đáo hạn vẫn làm gà, cúng “Hăm ba tháng Chạp Táo quân về Trời” rất đàng hoàng, thành kính. Sở dĩ cúng thống nhất ngày 23, vì xem như đó là ngày Hội nghị thường kỳ của thượng giới, cũng có ý tạo điều kiện cho Táo quân tranh thủ, kịp trở về thế gian ăn Tết với gia đình (vui xuân đoàn tụ).
Nguyễn Hữu Hiệp (Nguyễn Hữu Hiệp)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem