Yên Bái: Vì sao người Dao đỏ gọi Rằm tháng 7 là Tết, bài cúng nhất định phải nêu đủ 4 nội dung gì?

Hoàng Hữu Chủ nhật, ngày 22/08/2021 05:37 AM (GMT+7)
Rằm tháng 7 được người Dao đỏ ở tỉnh Yên Bái xem là một trong những cái Tết lớn của dân tộc mình. Đặc biệt, việc cúng lễ Rằm tháng 7 của người Dao đỏ phải do các thầy cúng thực hiện.
Bình luận 0

Clip: Người Dao đỏ ở tỉnh Yên Bái gọi Rằm tháng 7 là Tết, làm lễ phải có thầy cúng

Rằm tháng 7 âm lịch là một trong những dịp lễ quan trọng trong văn hóa truyền thống Việt Nam. 

Tuy nhiên, mỗi vùng miền, mỗi dân tộc lại tổ chức cúng Rằm tháng 7 âm lịch theo những cách khác nhau, tạo nên nét độc đáo riêng.

Độc đáo Tết Xá tội vong nhân của người Dao đỏ ở Yên Bái - Ảnh 2.

Chị em phụ nữ dân tộc Dao đỏ ở tỉnh Yên Bái chế biến các món ăn truyền thống để chuẩn bị đón Rằm tháng 7. (Ảnh: Hoàng Hữu)

Rằm tháng 7 được người Dao đỏ ở tỉnh Yên Bái xem là một trong những cái Tết lớn của dân tộc mình. Do đó, họ gọi là Tết Rằm tháng 7 hay Tết Xá tội vong nhân.

Người Dao đỏ cho rằng, cúng Rằm tháng Bảy trước ngày 14 tháng 7 âm lịch để tổ tiên có thể về nhận lễ. Tới ngày 15 tháng 7 âm lịch, sau khi nhận lễ, các vị sẽ trở về nơi các vị ngự.

Độc đáo Tết Xá tội vong nhân của người Dao đỏ ở Yên Bái - Ảnh 5.

Trong những ngày Rằm tháng 7 âm lịch, phụ nữ dân tộc Dao đỏ không chỉ chuẩn bị mâm cơm đầy đủ, mà còn chuẩn bị cho mình bộ trang phục truyền thống rực rỡ nhất, xinh đẹp nhất của dân tộc để đón Tết. (Ảnh: Hoàng Hữu)

Theo phong tục của người Dao đỏ, lễ vật cúng Rằm tháng 7 âm lịch gồm: 1 con gà đã mổ và luộc chín, bánh rợm do gia đình tự làm, tiền cho tổ tiên mua sắm.

Thời gian cúng Rằm tháng 7 âm lịch tùy thuộc mỗi gia đình, nhưng việc cúng lễ phải do các thầy cúng thực hiện.

Trước bàn thờ tổ tiên của gia chủ, thầy cúng thường khấn 4 nội dung. Đầu tiên, thầy cúng sẽ mời tổ tiên về ăn tết, biếu tiền cho tổ tiên.

Thứ hai, trong những tháng đầu năm, nếu gia chủ có điều gì chưa thuận lợi, thầy cúng phải dùng pháp thuật, tài lực của mình để thu hết cái xấu cho gia chủ. 

Thứ ba, thầy cúng sẽ cầu mong tổ tiên gia chủ mang tài lộc, nhân hòa cho con cháu. Cuối cùng, thầy cúng sẽ giúp gia chủ giải uế trong khu vực bàn thờ.

Độc đáo Tết Xá tội vong nhân của người Dao đỏ ở Yên Bái - Ảnh 3.

Việc cúng lễ Rằm tháng Bảy trong cộng đồng dân tộc Dao đỏ ở tỉnh Yên Bái được thực hiện bởi thầy cúng. (Ảnh: Hoàng Hữu).

Ông Triệu Văn Thanh (thôn Khe Pháo, xã Tân Phượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái), Tết Xá tội vong nhân của người Dao đỏ đã có từ nhiều đời, ông cũng không biết có từ bao giờ. Nhưng từ ngày xưa đến nay, người Dao đỏ vẫn duy trì tục lệ này.

"Trước đây khi điều kiện kinh tế khó khăn thì khác, ngày nay kinh tế khá giả có nhà làm 9 - 10 mâm cơm mời khách, nhà ít thì cũng làm 5-6 mâm. Ý nghĩa của ngày Tết Xá tội vong nhân nghĩa là về đường âm thiên quan cũng xóa tội, về dương thì những người có tội cũng được tha", ông Thanh chia sẻ.

Độc đáo Tết Xá tội vong nhân của người Dao đỏ ở Yên Bái - Ảnh 4.

Trong điều kiện bình thường, Tết Rằm tháng 7, mỗi gia đình người Dao đỏ thường làm 9 - 10 mâm cơm mời khách. (Ảnh: Hoàng Hữu)

Người Dao đỏ lấy ngày 14 âm lịch là ngày chính Rằm. Tuy nhiên, bà con đã bắt đầu ăn Rằm từ đầu tháng 7 âm lịch.

Với dân tộc Dao đỏ ở tỉnh Yên Bái, bà con quan niệm rằng, ăn Rằm tháng 7 âm lịch càng đông đủ con cháu, hàng xóm thì càng đông vui. Bởi vậy, cỗ Rằm tháng 7 âm lịch của mỗi gia đình người Dao đỏ thường khá lớn. Nhà nào có điều kiện cũng chuẩn bị tới 9, 10 mâm cỗ để mời anh em, hàng xóm.

Năm nay, tuân thủ quy định về phòng, chống dịch Covid-19 nên hầu hết các gia đình người Dao đỏ chỉ chuẩn bị 2 mâm cơm cho gia đình mình. Như vậy, vừa gìn giữ truyền thống tốt đẹp, gia đình đầm ấm, vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh.

Độc đáo Tết Xá tội vong nhân của người Dao đỏ ở Yên Bái - Ảnh 6.

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết các gia đình người Dao đỏ ở xã Tân Phượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái chỉ làm 2 mâm cơm. (Ảnh: Hoàng Hữu)

Ông Triệu Văn Lý – Chủ tịch UBND xã Tân Phượng (huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) cho biết, Tết Xá tội vong nhân là cái tết truyền thống của người Dao nói chung và của người Dao đỏ ở Tân Phượng nói riêng. Tết Rằm tháng 7 đã có từ lâu đời nên chính quyền địa phương tuyên truyền bà con gìn giữ và phát huy.

"Hiện nay tình hình dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, nên địa phương cũng vận động bà con vẫn tổ chức tết Rằm tháng Bảy, tuy nhiên không mở rộng, không mời đông người để đảm bảo an toàn phòng chống dịch", ông Triệu Văn Lý cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem