Ông có góp ý gì cho việc này?
- Trách nhiệm giữ gìn trước hết thuộc về người dân địa phương, tỉnh Thanh Hoá. Theo tôi, toà thành như thế nào thì cứ giữ nguyên thế, không nên bỏ cây cỏ mọc trong kẽ đá, không phục dựng lại những đoạn tường thành và công trình được cho là đã bị phá huỷ, nhưng cũng phải đặt cả toà thành trong quần thể rất nhiều di sản khác để cùng bảo tồn hài hoà.
Có thể ứng xử thế nào với quần thể này?
- Thành nhà Hồ không chỉ quý bởi thành mà còn có những ngôi nhà cổ, trong đó, ngôi nhà 9 gian ở cửa phía tây. Rồi những ngôi đình ở phía đông thành, dấu tích đạo tu tiên ở phía nam thành… Cần phải thâm nhập đời sống văn hoá và tiếp cận các di tích, di vật khác thì mới thấm được giá trị di sản. Thế nên cần phục hồi cảnh quan, không khí, đời sống các làng Việt cổ trong khu vực.
Theo ông, nên dành không gian cho Thành nhà Hồ như thế nào?
- Bán kính cho khu vực này, tôi nghĩ, cần khoảng 3km. Cần nâng cấp, mở rộng con đường đưa tới di sản hiện còn lươm tươm nhưng giao thông qua lại xung quanh và đi dưới cổng thành thì phải hạn chế, tránh các loại phương tiện lớn gây chấn động trong khu vực. Thành nhà Hồ xưa từng có hào nước, rất cần khôi phục đúng kiểu cách, tòa thành soi bóng sẽ càng được tôn thêm vẻ đẹp.
Mai kia nếu phát triển du lịch ở đây cần chú ý những điều gì?
- Những vấn nạn như ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn, mất vệ sinh, bất hợp lý về giá cả hay trùng tu, tôn tạo sai, hỏng, mới hoá... cần được lường trước để sớm có biện pháp phòng tránh và xử lý. Ý thức giữ gìn, bảo vệ di sản sao cho hài hoà với nhu cầu kinh tế cần được thấm nhuần trong toàn dân ở địa phương.
Quang Hưng (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.