Thất lạc bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm: Mất bản giấy phải còn đĩa mềm?

Trần Kháng Thứ sáu, ngày 04/05/2018 07:00 AM (GMT+7)
Việc TP.HCM không tìm thấy bản đồ tỉ lệ 1/5000 khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) đang có những ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, theo nhận định của luật sư Trần Tuấn Anh, cần phải tìm hiểu rõ xem có mục đích, động cơ trục lợi trong việc để thất lạc bản đồ này không.  
Bình luận 0

Khiếu kiện kéo dài

Được biết, khu đô thị mới Thủ Thiêm tọa lạc bên bờ Đông sông Sài Gòn (quận 2, TP HCM), với tổng diện tích 657 ha. Để đầu tư xây dựng "siêu dự án" này, TP đã mất nhiều năm giải tỏa trắng gần như toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm, khoảng 15.000 hộ dân đã di dời. TP cũng đã huy động gần 30.000 tỉ đồng để chi trả bồi thường, tái định cư.

Thế nhưng, câu chuyện khiếu nại của người dân ở khu vực này cũng kéo dài nhiều năm nay. Việc khiếu nại kéo dài mấu chốt nằm ở việc xác định ranh giới quy hoạch. 

img

Dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm còn đang vướng phải những kiện kéo dài liên quan vấn đề thu hồi đất. 

Vào giữa năm 2016, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đích thân đối thoại với đại diện các hộ dân có khiếu nại trong dự án. Người dân đưa ra 3 vấn đề cần giải quyết. Đó là phần lớn các hộ dân cho rằng họ không nằm trong quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm và đề nghị chính quyền cung cấp bản đồ đi kèm với Quyết định 367 để xác định ranh giới.

Tuy nhiên, chính quyền không thể cung cấp được bản đồ đó và thừa nhận thất lạc quy hoạch tỉ lệ 1/5000 của dự án này. Sự việc đã khiến dư luận đặc biệt bất ngờ.   

Không chỉ khẳng định việc để thất lạc bản đồ quy hoạch 1/5000 khu đô thị mới Thủ Thiêm là chuyện lạ, nảy sinh rất nhiều vấn đề phức tạp, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ tài Nguyên và Môi trường cho rằng, bản đồ quy hoạch 1/5000 là bản đồ thể hiện cụ thể, chi tiết của dự án. Căn cứ vào bản đồ, đơn vị thực hiện dự án xác định được hạng mục bên trong dự án. Cụ thể, đâu là khu vực làm đường đi, đâu là khu làm nhà, trường học… và ranh giới giữa các khu này.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đặt nghi vấn, để thất lạc bản đồ quy hoạch hàng chục năm vậy lâu nay TP.HCM lấy căn cứ, ranh giới ở đâu để thực hiện dự án? “Như vậy, người dân có thể nói TP.HCM đang làm sai quy hoạch, thu hồi đất không đúng. Bởi mất bản đồ, thành phố lấy căn cứ ở đâu để phản bác. Đây là vấn đề phức tạp, dẫn đến khiếu kiện không có điểm dừng của người dân nhiều năm qua”, GS Võ phân tích.

Có mục đích trục lợi?

Đồng tình với quan điểm của GS. Đặng Hùng Võ, luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, dự án được triển khai dựa trên các quy hoạch được phê duyệt từ tổng thể đến chi tiết. Bản đồ gốc quy hoạch 1/5000 khu đô thị mới Thủ Thiêm, kèm theo quyết định quan trọng của Thủ tướng là văn bản pháp lý về quy hoạch dự án này mà thất lạc là chuyện không thể chấp nhận. 

Theo luật sư Trần Tuấn Anh, căn cứ theo các quy định trong Luật Lưu trữ, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch và đặc biệt là Nghị định 38 năm 2010 của Chính Phủ về việc Quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị đều phải xác định hình thức công bố công khai và các cơ quan phải lưu trữ quy hoạch.

“Việc quản lý, lưu trữ và khai thác sử dụng được thực hiện theo quy định pháp luật về lưu trữ. Trong luật lưu trữ, sau 5 năm thì xem xét, rà soát lại chứ không được hủy, mà lưu trữ hình thức mới như đĩa mềm. Như vậy, không thể đặt ra vấn đề là mất quy hoạch được”, luật sư Trần Tuấn Anh cho biết. 

img

Việc để thất lạc bản đồ quy hoạch tỉ lệ 1/5000 của khu đô thị mới Thủ Thiêm khiến dư luận hoài nghi về sự minh bạch trong quy hoạch. 

Trong trường hợp thất lạc này, luật sư Trần Tuấn Anh phân tích: “Thông thường, nếu không có quy hoạch tổng thể, dự án không thể làm được quy hoạch chi tiết. Chính vì vậy, việc đánh mất quy hoạch tổng thể tỉ lệ 1/5000 dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, sẽ khiến dư luận hoàn toàn nghi ngờ về độ minh bạch, chuẩn xác, phù hợp của các quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 hay 1/2000 được. Thêm nữa, phải có quy hoạch tổng thể, các cơ quan quản lý, người dân mới có thể quản lý, biết được các quy hoạch chi tiết nó được thay đổi như thế nào”.

Nhận định về trách nhiệm để xảy ra việc thất lạc bản đồ quy hoạch này,  luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng, trước hết cần phải xem việc đánh mất bản đồ quy hoạch có động cơ, mục đích như thế nào. Nếu nó chỉ đơn thuần là liên quan đến vấn đề văn thư lưu trữ thì chúng ta chỉ cần kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Nhưng việc thất lạc, có dấu hiệu nhằm mục đích thay đổi, trục lợi, thì cần làm rõ động cơ, từng cá nhân, tổ chức liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 3.5, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng khẳng định, ở dự án khu đô thị Thủ Thiêm có rất nhiều loại bản đồ khác nhau. Về hệ luỵ, Thứ trưởng Bộ xây dựng cho biết, quá trình triển khai dự án khu đô thị này, việc xác định ranh giới, thu hồi, giải phóng mặt bằng… thực hiện trên quy hoạch chung được phê duyệt năm 2005.

Hiện nay, tất cả các bản đồ, các văn bản là cơ sở pháp lý liên quan đều có đầy đủ. Việc triển khai dự án, thu hồi giải phóng mặt bằng hiện tại là thực hiện trên bản quy hoạch này.

Ông Hùng cho biết, tấm bản đồ bị thất lạc là theo bản quy hoạch chung được phê duyệt năm 1996. Về cơ sở pháp lý, bản đồ này đã được thay thế bằng bản quy hoạch chung năm 2005.

Ông Hùng giải thích, như vậy, việc thất lạc tấm bản đồ về trách nhiệm, hệ luỵ thế nào thì chỉ liên quan đến việc triển khai thực hiện bản quy hoạch trước. Còn thực tế triển khai khu đô thị hiện tại có đầy đủ bản đồ, quy hoạch, cơ sở pháp lý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem