Thất vọng bởi sự lơ là

Thứ năm, ngày 24/03/2011 16:27 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thời gian tối thiểu cấm vận chuyển gia súc ở vùng dịch tới những địa phương khác là 3 tháng. Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát vừa chỉ đạo nhằm ngăn chặn triệt để dịch lở mồm long móng (LMLM), hiện vẫn tiếp tục lây lan rộng.
Bình luận 0

Vận chuyển làm dịch bệnh lan nhanh

img

Tiêu huỷ gia súc bị dịch LMLM tại xã Quang Trung (Tứ Kỳ, Hải Dương).

Trong 2 tuần qua, Bộ NNPTNT đã cử 3 đoàn tới 20 tỉnh, thành trong cả nước để kiểm tra việc phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Thực tế cho thấy, việc phòng chống dịch ở các địa phương đoàn đến tồn tại quá nhiều vấn đề.

Ông Hoàng Văn Năm - Cục trưởng Cục Thú y cho biết: “Đoàn chúng tôi đi kiểm tra 7 tỉnh miền núi phía Bắc gồm Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình. Tôi thật sự thất vọng về việc phòng chống dịch của các địa phương này. Phú Thọ có dịch LMLM nhưng không công bố. Khi làm việc với đoàn, họ chỉ báo cáo dịch lẻ tẻ ở 3 thôn. Tuy nhiên khi chúng tôi đi thực tế thì đã có 4.000 con mắc dịch. Tương tự tỉnh Lai Châu cũng không có báo cáo Cục Thú y và cũng không công bố dịch. Khi chúng tôi đi kiểm tra mới té ngửa, số gia súc mắc dịch đã xấp xỉ 7.000 con ở 50 xã, phường trong tỉnh”.

Về việc tiêm phòng dịch, theo ông Năm, các tỉnh Điện Biên, Sơn La làm không tốt, các cán bộ thú y tiêm không đúng kỹ thuật, các hộ dân thì tiêm không triệt để. Ngay trong 1 đàn có con tiêm có con không. Đến xã Loóng Sập (Sơn La), Chủ tịch xã này còn cho biết chưa bao giờ thấy ở đây có hoạt động tiêm phòng cho gia súc, gia cầm.

Cũng vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho hay: “Đoàn chúng tôi đi kiểm tra 7 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, cũng nhận thấy các tỉnh này tỷ lệ tiêm phòng vô cùng thấp. Báo cáo lên trên đã thấp vậy, nhưng thực tế chúng tôi kiểm tra còn thấp hơn nữa”.

Vẫn theo Cục Thú y, các tỉnh Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La kêu ca việc dịch bệnh LMLM lan nhanh là do gia súc bị bệnh ở Phú Thọ đưa lên tiêu thụ, trong khi tỉnh này vẫn không công bố dịch. Còn các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang cũng phàn nàn về việc vận chuyển gia súc mang bệnh, và họ “tố” gia súc mang dịch bệnh cho địa phương họ bắt nguồn từ tỉnh Bắc Giang.

Nhiều biện pháp cứng rắn

img Từ nay đến 31.3, sẽ có tiếp 3 đợt nhập vaccin về với tổng số 3,5 triệu liều, cùng với 1 triệu liều đang có trong kho, hy vọng các địa phương sẽ đủ dùng. Vaccin sẽ được giao nhận cho các tỉnh theo nhiều đợt. img

Nhiều địa phương như Lạng Sơn, Nam Định, Kon Tum, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hà Nam cho rằng, lượng vaccin để tiêm phòng cho gia súc, gia cầm không còn, và địa phương đã đề nghị trên cung cấp nhưng vẫn chưa có hồi âm gì. Điều này khiến số gia súc, gia cầm được tiêm phòng đợt trước bị giảm miễn dịch, trong khi số mới không được tiêm phòng kịp thời nên không có kháng thể bảo hộ, khiến virus dễ dàng xâm nhập.

Từ thực tế trên, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát nhận định: “Có nhiều nguyên nhân khách quan khiến dịch bệnh bùng phát, tuy nhiên mấu chốt vẫn là do sự lơ là, không quyết liệt trong công tác phòng chống dịch của địa phương”. Bộ trưởng khẳng định, việc để dịch bệnh lan nhanh chắc chắc một phần do vận chuyển gia súc gia cầm liên tỉnh, là vấn đề nhức nhối nhiều năm nay chưa giải quyết được.

“Tôi nghĩ rằng để có thể kiểm soát được vận chuyển, chúng ta cần có biện pháp cứng rắn như bắt buộc cấm vận chuyển buôn bán gia súc gia cầm ở các tỉnh có dịch sang tỉnh lân cận. Sẽ có ngay quy định tạm thời cấm vận chuyển gia súc ở các tỉnh có dịch ra khỏi nơi khác. Trước mắt thời gian tạm thời sẽ là 3 tháng sau đó sẽ gia hạn tiếp nếu tình hình xấu đi...” - Bộ trưởng cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem