20 năm trong tù vì tội ác mình không thể thực hiện
Daniel Taylor bị bắt vào ngày 3/12/1992 khi mới chỉ 17 tuổi. Anh phải nhận án tù chung thân vì bị cho là có tham gia vào vụ bắn chết hai người tại một căn hộ phía Bắc thành phố Chicago, Mỹ.
Daniel Taylor (ở giữa) cùng hai nhà báo Maurice Possley (bên trái) và Steve Mills
Theo lời kể của Taylor, trong quá trình thẩm vấn, anh đã bị bức cung và buộc phải thừa nhận sai sự thật rằng mình có tham gia vào vụ án để được tại ngoại. Tuy vậy, sau khi lời thú nhận của mình được ghi lại, Taylor không những không được thả mà còn bị buộc tội giết người.
Lúc này, Taylor đã nói ra sự thật rằng anh đã bị bắt vì tội gây rối từ trước lúc án mạng xảy ra. Cụ thể, vào ngày 16/11/1992, Taylor đã gây gổ ở một công viên. Anh bị bắt lúc 18 giờ 45 phút và được thả lúc 22 giờ cùng ngày. Vì vậy, việc anh tham gia vụ giết người vào lúc 20 giờ 42 phút là bất khả thi. Tuy nhiên, tòa án đã bỏ qua mọi lời bào chữa và kết tội giết người với Taylor dựa trên lời thú nhận lúc anh bị bức cung.
Để minh oan cho Daniel Taylor, Maurice Possley và Steve Mills, hai nhà báo của tờ Chicago Tribune, đã thực hiện một cuộc điều tra.
Họ đã tìm gặp James Anderson. Người này khẳng định Taylor đang ngồi tù cùng ông ta vào lúc án mạng xảy ra. Hai nhà báo cũng đến gặp Dennis Mixon, một người cũng liên quan đến vụ án của Taylor. Mixon thừa nhận anh ta cùng ba người khác đã có mặt tại hiện trường vụ án. Song, Taylor không phải là một trong số đó.
Tiếp đến, Possley và Mills đã phỏng vấn Adrian Grimes, người làm chứng cho việc Taylor không hề bị bắt trước lúc án mạng xảy ra. Trao đổi với hai nhà báo, Grimes tiết lộ anh đã làm chứng gian dối để được cảnh sát bỏ qua tội buôn bán chất kích thích. Chưa dừng lại ở đó, Possley và Mills còn tìm được một nhân chứng có mặt gần hiện trường. Ông này cho hay, Taylor không phải là một trong những người rời khỏi khu căn hộ nơi án mạng xảy ra.
Cho dù các bằng chứng do Possley và Mills tìm được là chưa đủ để giúp Taylor sớm ra tù, công sức của hai nhà báo đã không đổ bể. Sau hơn 20 bị giam giữ, vào ngày 28/6/2013, Daniel Taylor đã được minh oan và trao trả tự do. Lúc này, Taylor đã 37 tuổi.
Hơn một thập kỷ ngồi tù oan của người đàn ông bạc mệnh
Vào buổi chiều ngày 23/5/1994, một người phụ nữ tên Pamela Lawrence đã bị đánh vào đầu ngay tại tiệm bán trang sức của mình ở Mosman Park, Úc. Bà Lawrence tử vong chỉ sau vài giờ được đưa tới bệnh viện.
Một cuộc truy lùng thủ phạm đã được ráo riết thực hiện sau cái chết của người phụ nữ. 136 nghi phạm trong đó có Andrew Mallard đã bị cảnh sát tạm giữ.
Nhà báo Colleen Egan (bên trái) và Andrew Mallard
Andrew Mallard vốn là một người sống lang thang trên phố sau khi phải trải qua giai đoạn suy nhược thần kinh. Ông bị đưa vào tầm ngắm của cảnh sát khi đang được chữa trị tại bệnh viện tâm thần Graylands. Trước lúc được đưa tới bệnh viện, Mallard đã từng giả danh cảnh sát để cố thực hiện một vụ trộm.
Sau một vài cuộc thẩm vấn, Mallard đã bị bắt giữ vì tội giết người. Phía cảnh sát cho biết Mallard đã khai nhận hành vi gây án của mình và còn phác họa hình ảnh chiếc cờ lê dùng để tấn công nạn nhân. Tuy nhiên, Mallard kể lại rằng ông chỉ đơn thuần làm theo những gì cảnh sát yêu cầu nhưng họ lại coi đó như một lời thú tội.
Andrew Mallard bị kết tội giết người và phải nhận mức án 20 năm tù giam.
Sau những nỗ lực kháng án bất thành, Mallard đã nhận được sự giúp đỡ từ nhà báo Colleen Egan, người luôn tin vào sự trong sạch của ông. Lập trường vững vàng của bà Egan còn thuyết phục được Bộ trưởng Tư pháp tiểu bang Tây Úc John Quigley tham gia trợ giúp.
Bằng sức ép chính trị, Bộ trưởng Quigley đã giúp nhà báo Egan tiếp cận được với hồ sơ vụ án. Họ đã cùng nhau tìm ra được chứng cứ ngoại phạm cho Mallard và cả dấu hiệu cho thấy đã có sự thao túng bằng chứng để chống lại ông này.
Cụ thể, một thí nghiệm trên đầu một con lợn đã chứng minh chiếc cờ lê mà Mallard phác họa không thể gây ra vết thương như ở đầu nạn nhân. Tuy nhiên, kết quả của thí nghiệm này đã không được trình ra cho tòa xem xét.
Chưa hết, nhà báo Egan còn phát hiện những lời khai ban đầu của các nhân chứng không trùng khớp với lời khai lấy lần thứ hai và ba của họ. Sự thiếu hợp lí này cũng không được đưa ra tại tòa.
Sau cùng, nỗ lực đấu tranh của nhà báo Colleen Egan đã thành công. Vào ngày 20/2/2006, sau gần 12 năm tù oan, Mallard được trả lại tự do.
Đáng buồn thay, số phận nghiệt ngã có vẻ không chịu buông tha cho Andrew Mallard. Vào hồi tháng Tư năm ngoái, ông đã qua đời ở tuổi 56 tại Mỹ trong một vụ đâm xe rồi bỏ chạy.
Ngồi tù oan vì bị kết tội sát hại bạn gái
Tối ngày 9/12/2000, Rachel Manning cùng bạn trai Barri White của mình tham dự một bữa tiệc hóa trang tại Milton Keynes, vùng Đông Nam nước Anh. Cặp đôi sau đó có chút cãi vã và Manning đã bỏ đi một mình để bắt taxi. Trong lúc đó, White đi đến nhà Keith Hyatt, một người bạn.
Khoảng 2 giờ 43 phút sáng ngày hôm sau, Manning gọi cho White và nói mình bị lạc. White hẹn sẽ cùng Hyatt đến đón Manning tại một cửa hàng băng đĩa. Nửa giờ đồng hồ sau, hai người đàn ông đến điểm hẹn nhưng không thấy Manning đâu. Thi thể của Manning được tìm thấy hai ngày sau đó tại một sân golf. Cô tử vong do bị siết cổ.
Trớ trêu thay, Barri White còn chưa kịp khóc thương cho người bạn gái xấu số của mình thì đã trở thành nghi phạm của vụ án. Năm 2002, White nhận án tù chung thân vì bị cho rằng đã sát hại Manning. Người bạn của anh, ông Keith Hyatt, cũng phải chịu 5 năm tù giam vì bị cho rằng đã giúp đỡ White thủ tiêu thi thể nạn nhân.
Barri White (bên trái) và Keith Hyatt đều phải chịu án oan vào năm 2002
Tòa án đã kết tội hai người đàn ông này chủ yếu dựa vào ý kiến của chuyên gia pháp y Kenneth Pye. Ông Pye cho biết mình có những bằng chứng "vô cùng thuyết phục" chứng minh Manning đã ngồi trong chiếc ô tô mà White và Hyatt dùng để đi đón cô.
Sự oan uổng của White và Hyatt lần đầu đến tai của hai nhà báo Mark Daly và Louise Shorter vào năm 2003. Lúc bấy giờ, cả hai đang là thành viên của đội ngũ sản xuất Rough Justice – một chương trình truyền hình của đài BBC chuyên điều tra các vụ án oan.
Trong suốt hai năm tiếp theo, hai nhà báo đã lần theo hàng loạt các manh mối để minh oan cho hai người đàn ông vô tội. Bước ngoặt đã đến khi họ được bác sĩ Peter Bull và Andrew Moncrieff, các chuyên gia của chương trình Rough Justice, giúp đỡ.
Hai bác sĩ này đã thực hiện các xét nghiệm ADN pháp lý. Họ kết luận rằng bằng chứng mà chuyên gia pháp y Kenneth Pye dùng để kết tội White và Hyatt chỉ là những nhận định vô căn cứ.
Cuối cùng, sự cố gắng của hai nhà báo, các chuyên gia cùng đội ngũ sản xuất Rough Justice đã được đền đáp xứng đáng. Vào năm 2007, cả Barri White và Keith Hyatt đều được minh oan.
Hồi tưởng lại sự việc, nhà báo Mark Daly cho biết: "Việc được đóng góp một phần không nhỏ để giải oan cho hai người vô tội luôn là điều đáng tự hào nhất trong sự nghiệp của tôi".
17 năm oan uổng mang danh kẻ giết trẻ em
Ngày 12/5/1990, bé gái 4 tuổi Mami Matsuda được thông báo là đã mất tích sau khi đến một tiệm trò chơi điện tử thùng tại thành phố Ashikaga, tỉnh Tochigi, Nhật Bản. Chỉ một ngày sau, thi thể của cô bé được tìm thấy tại sông Watarase gần đó.
Một năm rưỡi sau, vào một buổi sáng tháng 12 năm 1991, cảnh sát đến tìm gặp ông Toshikazu Sugaya, một tài xế xe buýt đã ly dị. Cảnh sát cho rằng Sugaya là nghi phạm của vụ án bé Matsuda.
Toshikazu Sugaya (bên trái) – tài xế chịu án oan suốt 17 năm
Theo lời kể của Sugaya, trong cuộc thẩm vấn kéo dài tới 13 tiếng, cảnh sát đã lớn tiếng đe dọa và đá vào chân ông. Không chịu nổi sức ép, Sugaya đành phải nhận tội sai sự thật trong nước mắt. Nhiều tuần sau đó, vì sợ hãi, ông liên tục phải bịa ra các tình tiết mô tả mình đã sát hại bé gái ra sao.
Năm 1992, Toshikazu Sugaya bị kết tội giết người và phải lãnh án tù chung thân.
Tuy nhiên, số phận đã mỉm cười với ông Sugaya. Năm 2007, nhà báo Kiyoshi Shimizu được "bật đèn xanh" cho tham gia điều tra vụ sát hại bé Matsuda. Trong quá trình điều tra, Shimizu đã tìm ra được những tình tiết quan trọng chứng minh sự vô tội của tài xế Sugaya.
Trước hết, nếu như lời khai lúc bị ép cung của Sugaya là thật, ông sẽ không có đủ thời gian để gây án. Hơn nữa, chính mẹ của nạn nhân cũng cho rằng giỏ xe đạp của ông Sugaya không đủ rộng để đặt cô bé vào.
Tiếp đến, lời khai của nhân chứng đã không trùng khớp với lời khai của tài xế Sugaya. Cụ thể, nhân chứng cho biết đã thấy bé Matsuda bị một người đàn ông dắt bộ đi trong khi Sugaya khai nhận mình dùng xe đạp để chở bé gái. Sự bất hợp lí này đã không được trình ra trước tòa.
Cuối cùng, nhà báo Shimizu nhận thấy phương pháp xét nghiệm ADN trong vụ án có nhiều sai sót nghiêm trọng.
Bằng việc xuất bản rộng rãi các phát hiện của mình, Shimizu đã buộc những người có thẩm quyền thực hiện lại các xét nghiệm ADN. Kết quả, sau 17 năm tù, Toshikazu Sugaya được minh oan và trả lại tự do vào năm 2009.
Thành công trong việc minh oan cho tài xế Sugaya đã giúp nhà báo Kiyoshi Shimizu nhận được một giải thưởng báo chí uy tín do các biên tập viên Nhật Bản bình chọn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.