Thể hiện lòng dân

Thứ năm, ngày 03/01/2013 19:44 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Phan Trung Lý đã khẳng định: "Nhân dân có thể cho ý kiến đối với Điều 4 Hiến pháp như với tất cả các nội dung khác trong dự thảo, không có gì cấm kỵ cả".
Bình luận 0

Điều 4 Hiến pháp quy định Đảng Cộng sản Việt Nam “lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Nhìn chung, có nhiều “đất” để người dân đóng góp. Chẳng hạn đó là “khoảng trống” mà Ban biên tập hoàn toàn không vô ý quên, khi bỏ đi quy định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Hoặc các thiết chế mới, không khó để nhận thấy rằng sẽ nhận được sự ủng hộ của người dân: Thiết chế Hội đồng Hiến pháp với nhiệm vụ phát hiện các vi phạm Hiến pháp, đặc biệt trong các văn bản quy phạm pháp luật; Thiết chế Hội đồng bầu cử quốc gia, để tạo ra sự độc lập trong vấn đề bầu cử. Và Kiểm toán Nhà nước, cơ quan về nguyên tắc là sẽ độc lập hoàn toàn với hành pháp…

Tuy nhiên, có một điểm cần lưu ý là trong Chỉ thị số 22-CT/TW mới nhất về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Bộ Chính trị lưu ý các cấp ủy Đảng, tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể nhân dân các cấp: Quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 (Nghị quyết T.Ư 2) và kết luận Hội nghị lần thứ 5 (Nghị quyết T.Ư 5) của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI, Nghị quyết của Quốc hội. Nghị quyết 2 khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Về kinh tế, nghị quyết cũng khẳng định: Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa … Còn Nghị quyết T.Ư 5, khẳng định lớn nhất là vấn đề sở hữu đất đai “thuộc sở hữu toàn dân”.

Trên báo Pháp Luật TP.HCM, Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp), GS-TS Lê Hồng Hạnh nói: Hội nghị T.Ư 5 đã tái khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân nên Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng quy định như vậy. Câu này của ông bắt đầu bằng hai chữ “tuy nhiên”.

Trong tất cả các bản Hiến pháp, đều ghi nhận quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, một trong những quyền cơ bản của người dân. Và việc thực hiện cụ thể nhất, sinh động nhất, chính là việc để người dân được tự do thể hiện trong việc đóng góp cho Hiến pháp sửa đổi.

Nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, người dân có quyền, một cách trực tiếp, đóng góp ý kiến để xây dựng đạo luật gốc, luật mẹ của các luật. Và có lẽ, để việc đóng góp thực sự là phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp thì không nên đặt ra bất cứ một chữ “tuy nhiên” nào, không nên đặt ra một vấn đề “húy kỵ” nào, bởi có thể đó lại là dịp để người dân thể hiện sự tín nhiệm của mình với sự lãnh đạo của Đảng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem