Thị trường bất động sản 2025 hội tụ đủ "thiên thời, địa lợi, nhân hoà"
Thị trường bất động sản 2025 hội tụ đủ yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa"
Phương Thảo
Thứ tư, ngày 29/01/2025 08:08 AM (GMT+7)
Bước sang năm 2025, thị trường bất động sản Việt Nam được kỳ vọng sẽ bứt phá mạnh mẽ nhờ nền tảng pháp lý vững chắc, các chính sách hỗ trợ hiệu quả. Cùng với đó, nhiều chuyên gia cho rằng, năm 2025 sẽ bứt tốc nhờ 3 trợ lực chính là lãi suất, hạ tầng và hành lang pháp lý.
Sau giai đoạn khủng hoảng 2010 - 2012, thị trường bất động sản nhà ở từng bước vào chu kỳ phát triển mới 2013 - 2016 nhờ 3 trợ lực chính là lãi suất, hạ tầng và khung pháp lý. Đây cũng là thời điểm những thay đổi trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đi vào cuộc sống.
Hơn 10 năm sau, 3 bộ luật này được sửa đổi, bổ sung đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường, nhất là trong bối cảnh những vướng mắc pháp lý chiếm tới 70% khó khăn của các doanh nghiệp trong ngành. Năm 2024 vừa qua, 3 luật lớn: Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh 2023 cùng nhiều chính sách liên quan có hiệu lực, báo hiệu một chu kỳ mới cho thị trường bất động sản nhà ở từ năm 2025.
Bộ 3 luật mới đi vào cuộc sống sớm hơn dự kiến 6 tháng được đánh giá là "vị cứu tinh" cho thị trường bước động sản, làm bước đệm để vào năm 2025 sẽ "bật cao". Ảnh: Hạnh Phúc
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Nguyễn Anh Quê, Uỷ viên ban chấp hành hiệp hội bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn G6 tâm sự: Bộ 3 luật được đi vào cuộc sống trước 6 tháng đã "cứu" thị trường bất động sản. Đưa nguồn cung bất động sản nhà ở tăng mạnh khi ngày càng nhiều các dự án quy mô lớn mở bán vào thời điểm cuối năm cùng các chính sách ưu đãi, linh hoạt.
Số lượng nhà ở được tung ra thị trường chính là bằng chứng lớn nhất chứng tỏ Luật mới đã gỡ nút thắt về pháp lý cho những dự án tồn đọng.
Ông Quê nhận định
Theo số liệu mới nhất từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), nguồn cung bất động sản nhà ở năm 2024 tăng trưởng mạnh theo năm với ngày càng nhiều các dự án quy mô lớn mở bán vào thời điểm cuối năm cùng các chính sách thanh toán ưu đãi, linh hoạt.
Tại thời điểm cuối năm 2024, thị trường bất động sản ghi nhận 56.000 sản phẩm chào bán trên thị trường sơ cấp, tương đương với thời điểm cuối năm 2023 do nhiều dự án "giải phóng" được lượng lớn hàng tồn trong bối cảnh thị trường phục hồi.
Nhìn chung cả năm 2024, toàn thị trường ghi nhận gần 81.000 sản phẩm chào bán, tăng hơn 40% so với năm 2023. Trong đó, có 65.376 sản phẩm chào bán mới, gấp 3 lần năm 2023.
Năm bàn lề 2024, thị trường bất động sản ghi nhận đạt gần 81.000 sản phẩm chào bán mới, tăng 40% so với năm 2023. Ảnh: Gia Linh
Đánh giá về thị trường bất động sản 2024, ông Nguyễn Việt Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng cùng các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Theo Bộ Xây dựng, năm 2024 có hơn 210 dự án bất động sản trên cả nước được tháo gỡ vướng pháp lý. Riêng TP. HCM đã có 77/143 dự án vướng mắc được quyết (đạt 54%).
Không chỉ dần ổn định cán cân cung - cầu, ông Lê Đình Chung, Thành viên Tổ công tác nghiên cứu thị trường VARS còn cho rằng, việc bỏ khung giá đất là một quyết định “dũng cảm” của các nhà lập pháp.
Việc áp dụng bảng giá đất hàng năm với mức định giá sát với thị trường sẽ bảo đảm quyền lợi của người dân bị thu hồi đất. Điều này tạo nền tảng cho sự phát triển công bằng và ổn định của thị trường bất động sản.
ông Chung chia sẻ
Những điểm mới trong luật sẽ "tấn công" trực diện vào những doanh nghiệp hay nhà đầu tư có ý đồ đầu cơ. Ông Chung dẫn chứng, nếu doanh nghiệp muốn tiếp cận đất đai để triển khai dự án thì cần phải đấu giá quyền sử dụng đất. Chính bước đấu giá này không chỉ loại bỏ được những doanh nghiệp "yếu" tài chính mà còn loại bỏ được cả doanh nghiệp yếu cả tâm và tầm.
Có thể thấy rằng, thị trường bất động sản Việt Nam đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trên đà phục hồi. Sự hỗ trợ từ chính sách, nhu cầu nhà ở thực và sự phát triển hạ tầng đang là những động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng. Với sự cải thiện đáng kể về thanh khoản và niềm tin của nhà đầu tư, năm 2024 được xem là năm bản lề cho sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản Việt Nam cho những năm tiếp theo.
Ba trợ lực chính giúp thị trường bất động sản 2025 tiến vào chu kỳ mới chính là lãi suất thấp, cải thiện cơ sở hạ tầng, và hoàn thiện khung pháp lý. Ảnh: Lê Quân
3 trợ lực chính giúp thị trường bất động sản 2025 "ghi bàn thắng"
Trên một quan điểm khác, trong báo cáo mới nhất của Chứng khoán MB (MBS) nhận định, một chu kỳ mới của ngành bất động sản đang bắt đầu dựa trên ba động lực chính là lãi suất thấp, cải thiện cơ sở hạ tầng, và hoàn thiện khung pháp lý.
Đầu tiên là lãi suất đạt mức thấp sau một giai đoạn duy trì ở ngưỡng cao. Đầu năm 2023, NHNN đã giảm lãi suất điều hành 4 lần, đưa lãi suất tái cấp vốn hiện tại xuống mức 4,5% (thấp hơn cả giai đoạn Covid-19 năm 2020). Lãi suất cho vay trung và dài hạn hiện dao động quanh mức 6,7 - 9,1% (thời điểm giữa năm 2023 dao động 9,3% - 11,4%).
Lãi suất tiền gửi đang có dấu hiệu tăng dần để thu hút thanh khoản, điều này có thể gây áp lực nhẹ lên lãi suất cho vay trong thời gian tới. Tuy nhiên theo MBS, ngay cả khi lãi suất tăng trong ngắn hạn, điều này sẽ không gây ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đến thị trường bất động sản nhà ở.
Việc lãi suất cho vay tăng vừa phải có thể khuyến khích dòng vốn chảy vào bất động sản dân cư, do kỳ vọng rằng lãi suất đã chạm đáy và tâm lý nhà đầu tư muốn tận dụng chi phí vay vốn tương đối thuận lợi để đầu tư.
So sánh chu kỳ bất động sản dân cư năm 2013 và chu kỳ sắp tới. Ảnh: MBS
Trợ lực thứ hai là cơ sở hạ tầng cải thiện giảm tải cho nội thành và tăng cường kết nối giữa các tỉnh vùng ven, khu vực ngoại ô với trung tâm thành phố.
Và cuối cùng như đã điểm bên trên là việc thi hành các luật bất động sản sửa đổi đã, đang và sẽ tiếp tục giải quyết những nút thắt hiện hữu của thị trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.